Lan tỏa văn hóa đọc trong trường học
Ðể giúp học sinh mở rộng tri thức, hiểu biết và hình thành thói quen tốt, nhiều trường học đã chú trọng đầu tư hệ thống thư viện, rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường.
Bên cạnh thực hiện Thông tư số 16/2022/TT-BGDĐT ngày 22.11.2022 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, ngoài duy trì tiết học tại thư viện với 1 tiết học/môn/học kỳ, tiết đọc tại thư viện với 3 tiết/học kỳ, nhiều trường học trong tỉnh còn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện trường, tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam để bồi đắp tình yêu đọc sách cho học sinh.
Học sinh Trường THPT Vân Canh đọc sách tại thư viện trường trong giờ ra chơi. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Thư viện Trường Tiểu học, THCS và THPT iSchool Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) hiện có hơn 5.400 đầu sách được sắp xếp theo từng chủ đề, phục vụ học sinh các bậc học và giáo viên. Theo bà Nguyễn Thị Mộng Diệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường, thư viện có kho mở tự chọn phục vụ học sinh và kho tư liệu dành cho giáo viên. Để tạo hứng thú đọc sách cho học sinh, thư viện bố trí, sắp xếp hài hòa các tủ, kệ đựng sách, báo ở các vị trí dễ nhận biết, có bảng tra cứu điện tử danh mục sách thuận tiện cho việc tìm đọc của học sinh, giáo viên.
Còn tại Trường THPT Vân Canh (huyện Vân Canh), nhà trường bố trí thư viện với không gian mở, đầu tư hơn 4.600 đầu sách đủ thể loại để phục vụ. Bà Phan Thị Bích Trang, nhân viên thư viện Trường THPT Vân Canh, cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu đọc sách của học sinh, chúng tôi nhờ Thư viện tỉnh hỗ trợ 3 tháng/lần luân chuyển 200 đầu sách về thư viện trường. Nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động bổ ích dành cho học sinh, như: Kể chuyện về sách, thiết kế vẽ bìa sách, góp sách tặng bạn… vừa để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, vừa lan tỏa phong trào đọc sách”.
Em Huỳnh Thị Ái Vy, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Vân Canh, nhận xét: “Các tủ sách, báo tại thư viện được sắp xếp ngay ngắn ở các vị trí dễ nhận biết, thuận tiện cho việc đọc của chúng em trong giờ ra chơi, mượn về nhà đọc”.
Tại Trường THPT Nguyễn Diêu (huyện Tuy Phước) ngoài đầu tư hoạt động thư viện, nhà trường còn xây dựng tủ sách hành lang tại các khối lớp, tủ sách tại mỗi lớp học để phục vụ học sinh. Ông Nguyễn Văn Tiến, nhân viên thư viện Trường THPT Nguyễn Diêu, cho hay: “Thư viện trường hiện có hơn 12.000 đầu sách với đủ thể loại. Chúng tôi còn phối hợp thư viện các trường THPT số 1 Tuy Phước, THPT số 3 Tuy Phước mỗi tháng luân chuyển sách cho nhau để làm mới các tủ sách. Thư viện tỉnh cũng hỗ trợ luân chuyển sách đến trường theo định kỳ 3 tháng/lần, mỗi lần bổ sung cho trường từ 200 - 250 đầu sách để phục vụ nhu cầu đọc trong trường”.
Để tạo hứng thú đọc sách cho học sinh, Trường THPT Nguyễn Diêu còn tổ chức chương trình sân khấu hóa, truyền cảm hứng đọc sách qua việc tuyên dương bài viết cảm nhận về sách của học sinh tại tiết chào cờ; thi kể chuyện sách, làm clip giới thiệu sách hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam…
Em Phan Thị Quỳnh Nga, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Nguyễn Diêu, thổ lộ: “Em thích đọc các thể loại sách về cuộc sống, thiên nhiên, đất nước, lịch sử, chính trị. Sách mang lại những bài học đầy ý nghĩa, giúp ích cho em trong học tập, bồi dưỡng nhân cách. Cũng nhờ đọc sách, em có bài dự thi đạt giải 3 hạng mục Sáng kiến phát triển văn hóa đọc ấn tượng nhất tại Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Bình Định năm 2024”.
Có thể thấy rằng, thư viện trường học đã trở thành nơi nhen lên tình yêu sách cho học sinh. Từ đó, xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, không gian văn hóa lành mạnh trong nhà trường, góp phần nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng tính cách tốt đẹp cho mỗi học sinh…
ÐOÀN NGỌC NHUẬN