Tôi không có gì nuối tiếc khi về Quy Nhơn
Chị là người Nghệ An, là giảng viên Trường ÐH Sư phạm Hà Nội, học tiến sĩ ở nước ngoài, nhiều trường đại học ở các thành phố lớn chào đón chị, nhưng chị quyết định theo chồng về Bình Ðịnh, làm giảng viên Trường ÐH Quy Nhơn.
Chị sống khá lặng lẽ nhưng nhiều người biết đến chị qua những bài báo, công trình khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và thế giới và những sinh viên chị giảng dạy, những người được chị hướng dẫn làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh trong và ngoài trường. Chị là Vũ Thị Ngân (sinh năm 1981), giảng viên khoa Hóa, Trường ĐH Quy Nhơn.
Làm dâu xứ Nẫu
* Chị là sinh viên giỏi, sau đó trở thành giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Học tiến sĩ ở nước ngoài về, nhưng chị không quay lại trường cũ, từ chối nhiều lời chào mời hấp dẫn của các trường đại học ở TP Hồ Chí Minh có mức thu nhập cao, Quy Nhơn (quê chồng) có gì hấp dẫn chị ?
- (Cười) Tôi được về đây là nhờ chồng tôi - PGS-TS Nguyễn Tiến Trung, cũng là giảng viên khoa Hóa của Trường ĐH Quy Nhơn. Nói thật là trong thời gian vợ chồng tôi học tiến sĩ ở nước ngoài, tôi đã nhiều lần thuyết phục anh Trung ở lại Hà Nội và một số người quen biết đã giới thiệu những chỗ làm rất tốt. Nhưng thấy chồng tha thiết muốn về quê làm việc nên tôi đã quyết định về ĐH Quy Nhơn. Hơn nữa, dù luôn mong muốn có điều kiện phát triển sự nghiệp nhưng tôi lại có quan điểm: với một người phụ nữ, bên cạnh sự nghiệp, gia đình cũng quan trọng không kém. Tôi nghĩ rằng anh Trung rất yêu quê hương và có cảm giác anh không thấy nơi nào phù hợp hơn với mình.
* Những ngày đầu về làm việc ở Quy Nhơn, chị thấy thế nào?
- Năm 2012, tôi về làm việc tại Trường ĐH Quy Nhơn. Có thể nói, những ngày đầu lạ lẫm với nhiều thứ, nhưng sự thân thiện của mọi người làm tôi thấy thoải mái. Tôi không bao giờ tự hài lòng với kết quả của mình, nhưng cảm thấy với cuộc sống bên ngoài nên biết dừng đúng chỗ. Tôi không phải là người quá tham vọng, mong muốn đạt đến cái gì tốt hơn nhưng không làm mọi cách để đạt được.
Với gia đình nhỏ của mình, tôi không sống theo kiểu so bì, đứng núi này trông núi nọ và tôi đang hài lòng với cuộc sống của mình.
Sống với đam mê để được là chính mình
TS Vũ Thị Ngân được nhiều người biết đến qua các bài báo, công trình khoa học được đăng tải trên các tờ báo, tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế. Tháng 9 vừa qua, TS Ngân là 1 trong 70 nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) trong toàn quốc được Bộ Khoa học - Công nghệ chọn mời tham dự Lễ gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một đôi lần tôi ghé thăm Phòng thí nghiệm Hóa học tính toán và mô phỏng của Trường ĐH Quy Nhơn, thấy phòng đông nghẹt sinh viên, thạc sĩ đang được vợ chồng chị hướng dẫn nghiên cứu.
* Giảng viên Nguyễn Đức Minh ở khoa Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Quảng Bình) đang được chị hướng dẫn làm nghiên cứu sinh đã dành nhiều đánh giá tốt về chị. Ngoài giảng dạy, nghiên cứu, công việc hướng dẫn có làm chị nhọc công sức?
- Tôi thì lại thấy rằng mình học hỏi được nhiều điều từ các bạn sinh viên trẻ luôn năng động, sáng tạo và rất thích làm việc chung với họ. Tôi không chỉ hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học mà còn giúp các bạn cách bước ra thế giới với vai trò của một người đi trước. Những sinh viên có năng lực sẽ phát triển được. Có thể đến lúc nào đó, tôi sẽ thua các bạn ấy vì họ tiếp cận nhanh hơn, có nhiều thời gian hơn… Nhưng tôi luôn luôn vui mừng nếu có sinh viên nào đó giỏi hơn mình.
Hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh ở mức độ cao hơn. Họ tìm thấy tôi qua các buổi hội thảo, hội nghị hay được đồng nghiệp giới thiệu. Vào mùa hè, học trò của tôi từ các tỉnh đến Quy Nhơn thuê nhà trọ ở thực hiện nghiên cứu.
Công việc hướng dẫn luôn tạo lợi ích cho cả hai phía vì nếu mình có đề tài thì họ sẽ làm một phần trong đó. Riêng với tôi khi nhận hướng dẫn một ai, chỉ nghĩ đến chuyện có thể truyền bá kiến thức của mình cho một người khác là đã thấy vui rồi.
* Chị có thấy khó khăn khi theo đuổi đam mê của mình không?
- Ngược lại, tôi thấy mình luôn gặp may mắn. May mắn đầu tiên là được sự dẫn dắt của người thầy ở trường THPT - thầy Hoàng Tư Hậu, giáo viên dạy Hóa Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Vinh). Tôi từng nộp hồ sơ vào Trường ĐH Xây dựng (Hà Nội) nhưng thầy và ba mẹ khuyên thi vào khoa Hóa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau này tôi rất biết ơn sự định hướng đó vì tôi đã tìm thấy sự phù hợp trong môi trường này.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là môi trường rất thuần, hợp với tính cách của tôi. Và may mắn thứ hai đã đến với tôi khi vào năm cuối đại học PGS Trần Thành Huế vốn là Trưởng khoa Hóa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hướng tôi đến với ngành hóa học tính toán, đây là ngành khoa học rất mới ở Việt Nam. Bởi, lâu nay nhiều người hình dung về hóa học là làm thí nghiệm với các loại chai, lọ, dùng hóa chất, máy móc đo đạc. Nhưng ngành hóa học tính toán là chỉ dùng máy tính xử lý, giải quyết các vấn đề Hóa học.
Tôi tiếp xúc rồi đam mê Hóa học tính toán vì tôi mê Hóa và rất yêu máy tính. Thực ra tôi không có tố chất gì đặc biệt mà chỉ từ niềm đam mê nên muốn tìm hiểu đến cùng. Khi mình đã yêu thích điều gì thì mình luôn đầy ắp ý tưởng về nó, và tôi luôn nỗ lực để thực hiện chúng.
Nuối tiếc không có trong từ điển của tôi
Chị đã cười rất tươi và trả lời như vậy khi tôi hỏi chị có nuối tiếc gì không. Rồi chị bộc bạch không hẳn mình đã bị thiệt thòi khi quyết định theo chồng về Quy Nhơn. Năm 2014, Trường ĐH Quy Nhơn đã trang bị hệ thống siêu máy tính để chuyên ngành Hóa học tính toán có điều kiện phát triển hơn.
* Suy nghĩ của chị về môi trường làm việc của mình?
- Có hệ thống siêu máy tính của trường, đúng là công việc thuận lợi hơn trước. Tôi vẫn cho rằng ngay cả Trường ĐH Tân Tạo, nơi mời tôi về trước đây mức lương có vẻ khá hấp dẫn nhưng chưa chắc đã có nguồn sinh viên tốt như ở đây. Có thể nói chất lượng sinh viên tốp trên của Trường ĐH Quy Nhơn rất tốt, đặc biệt là những sinh viên Bình Định ở huyện học giỏi nhưng không có điều kiện đi học xa, vào trường học rất xuất sắc. Tôi thấy mình may mắn vì được dạy các em, bởi dù không hạ thấp vai trò của người thầy nhưng thầy không phải là tất cả. Tôi cho rằng mối quan hệ sinh viên - giảng viên là mối quan hệ qua lại, tương thân, tương hỗ. Tôi hướng dẫn các em và ngược lại, các em cũng giúp tôi học hỏi nhiều điều. Tôi nhớ có lần các vị giáo sư nước ngoài đến thăm trường, bảo rằng phòng thí nghiệm khá đơn sơ nhưng thầy-trò vẫn thực hiện được nhiều ý tưởng hay. Tôi đã trả lời, tôi làm được như vậy là nhờ các bạn sinh viên rất ham học.
Trong những bài giảng của mình, tôi luôn cố gắng vận dụng, đưa những gì mình đã học hỏi được bên ngoài vào. Đúng là càng học nhiều, đọc nhiều thì thấy mình càng nhỏ bé, khi biết nhiều thì lại thấy bao nhiêu người giỏi hơn mình.
* Đó là với công việc, còn với cuộc sống của một người con dâu xứ Nẫu, chị thấy thế nào?
- Vẫn không có gì nuối tiếc. Sau 3 năm gắn bó ở đây, tôi thấy mình đã tương đối hợp dù vẫn còn một số thứ chưa làm được. Nhưng mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng tích cực vì người dân thân thiện, thật thà, đơn giản như khi tôi đi chợ không bị nói thách nhiều.
Ngoài sở thích chung về công việc, hai vợ chồng đều thích đi du lịch, giờ có con nhỏ thì thích la cà cà phê, buổi tối cả nhà đi chơi, dạo phố. Nói chung, chúng tôi hỗ trợ, chia sẻ với nhau để mọi việc luôn được thuận buồm xuôi gió.
Chị có một nguyên tắc sống: đã làm gì là cố gắng hết mình làm việc đấy, không nhất thiết phải có kết quả. Chị có cá tính mạnh mẽ của bố - một y sĩ, nhưng lại toát ra vẻ dịu dàng, nữ tính, có chút chịu đựng của người mẹ là một cô giáo. Chị về Quy Nhơn, theo chồng - người có cùng sở thích, đam mê với Hóa học. Quy Nhơn đón chị như một nàng dâu, đồng thời là một nhà khoa học trẻ tài năng.
“Khi có điều kiện, tôi sẽ tăng cường hợp tác với những nơi phát triển chuyên ngành này như Mỹ, châu Âu hay gần hơn là Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ sự có mặt của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn, chúng tôi đang mong muốn có điều kiện tổ chức những hội nghị lớn tại Trung tâm, có thể trước hết là Hóa học tính toán sau đó là các chuyên ngành khác”, chị chia sẻ mong muốn.
NGỌC TÚ