Người miệt mài “điền dã vào miền xưa”
Trần Xuân Toàn viết nhiều thể loại: thơ, biên khảo, sưu tầm hiệu đính, cả phê bình, truyện ngắn. Thế mạnh của anh đó là tựa vào những dấu tích, những chuyện xưa, những văn hóa phong tục xưa. Và thế mạnh nữa: anh biết cách điền dã vào lãnh địa ấy như một nhà khoa học với sự chỉn chu của một thầy giáo.
Ở khía cạnh phê bình, Trần Xuân Toàn viết không nhiều. Chỉ là những ký ức gặp, trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ tên tuổi và cũng vài bài ấn tượng trong số không nhiều bài tạng này (như viết về Văn Cao, Vũ Ngọc Liễn). Ấn tượng vì sự thấu đáo chứ không phải tài hoa bay bổng. Anh là tạng người của mực thước. Mảng nào của Trần Xuân Toàn: thơ, truyện, nghiên cứu phê bình, sưu tầm biên khảo… cũng có những trang đáng đọc.
Thế mạnh sáng tác “vin vào người xưa”
Trong những sáng tác như thơ, truyện (thơ đã in tập “Miền thương”) thì trong mảng viết về đề tài hiện đại, hiện tại, Trần Xuân Toàn viết thừa thông minh nhưng kém sức thuyết phục. Nhưng hễ đụng tới xưa, anh khác hẳn.
Ví như khi viết truyện ngắn “Độc thoại”, Trần Xuân Toàn đã nhào nặn rất hay thế giới xưa - từ truyền thuyết đến những nhân vật văn chương một cách nhuần nhuyễn lạ lùng. Đó là Trương Chi, Mỵ Nương, Từ Thức, nàng tiên, là Tản Đà, Hồ Xuân Hương, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, miên man, vừa thực các giá trị văn hóa vừa ảo huyền một không gian tung tẩy của sáng tạo; ở đó, cái huyền hồ là chủ đạo, và cũng không ít những nhận xét có tính đánh giá về chân giá trị. Về yêu. Về nghệ thuật. Về thơ.
Trần Xuân Toàn có thế mạnh là cảm được văn chương theo kiểu một nhà nghiên cứu phê bình nên anh đã vận vào sáng tác có bề dày sự am hiểu ấy. Đó là năng lượng cần chứ không phải năng khiếu. Bài thơ viết về Hàn Mặc Tử chẳng hạn. Tất cả đời riêng tư những mối tình, thật có tình thơ có, và căn bệnh oan nghiệt, cả tính chất thơ, ngôn ngữ thơ độc đáo của Hàn, đã được Trần Xuân Toàn vận dụng khá hoàn hảo: Sầu vạn cổ gặm hồn ta cho hả/ Trường tương tư cấu xé thịt da này/ Ai dệt áo cho tháng ngày buốt lạnh/ Mưa, trời ơi, mưa đan áo cho mình/ Những sầu thương, những cuồng loạn, những say mê/ Những nung nấu khối tình điên dại/ Những đớn đau thối rữa tim gan… Ai múc cả linh hồn ta và ngấu nghiến/ Phun vọt xương da bao vũng cô liêu/ Cười ha hả một đời rồ dại…Tháng Ba/ Tháng Ba/ Trời ơi… Tháng Ba (Tháng Ba, đối thoại với Hàn thi nhân).
Cái đau đớn riêng tư (tình si) của Trần Xuân Toàn đã bắt nhịp với các giá trị đặc sắc thơ Hàn. Nghĩa là, Trần Xuân Toàn am hiểu và chia sẻ Hàn, và thấy cái hay, cái độc đáo thơ Hàn. Đấy, cái mạnh của anh là sự thấu cảm văn chương ấy.
Có vẻ đây là thế mạnh duy nhất của Trần Xuân Toàn trong sáng tác. Vì cả tập thơ dâng tặng quê hương Hoài Hương “Miền thương” của anh, hầu hết viết về tấm chân tình thì cũng ghi nhận ở chân tình ấy, chứ phần đông nó nhàn nhạt, “sạch nước cản”. Không, Trần Xuân Toàn, nếu không gắn vào những tình thế nhất định, không gắn vào sự am hiểu, cảm thấu văn chương tiền nhân mà nhập hồn, thơ anh, dù là thơ tình, cũng nhạt.
Tấm lòng với văn hóa dân gian
Đã dẫn truyện và thơ Trần Xuân Toàn những thế mạnh vin vào người xưa. Thế mạnh này anh cũng biết, nên khai thác khá tốt. Ví dụ cuốn biên khảo với phần chuyên luận của anh về Chàng Lía (cuốn “Vè Chàng Lía”, viết chung với Đặng Thị Bích Ngọc). Nó tường tận, thấu đáo. Tường tận từ gốc tích vì sao có vè Chàng Lía, hô bài chòi, hát dân ca Chàng Lía đến các điệu Lía: Lía phôn, Lía phấu. Thấu đáo ở chỗ so sánh các văn bản, dị bản cung cấp cho bạn đọc cái nhìn đầy đủ nhất về một hiện tượng lịch sử có thật ở Bình Định giữa thế kỷ XVIII, Chàng Lía. Không riêng Bình Định, hiện tượng lịch sử này cũng sống động với các tỉnh lân cận về chuyện, về câu ca dân gian.
Ở mảng khảo cứu, sưu tầm, Trần Xuân Toàn cũng có công trình độc đáo như: “Nghề đánh cá thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Định” (viết chung với Trần Xuân Liếng). Nó tỉ mỉ từng chi tiết, và vẫn giữ được ngôn ngữ ngư dân xưa từ diễn tả cách đánh bắt đến ngư cụ. Cuốn sách thú vị này là bổ sung cần thiết, vì vài mươi năm nữa, những ngư dân xưa không còn, nghề đánh bắt xưa sẽ khó ai ghi lại như một thời cha ông, một mưu sinh gian nan và đầy trí tuệ. Cần nói Trần Xuân Liếng là cha của Trần Xuân Toàn, và ông là một ngư dân giỏi. Có thể Trần Xuân Toàn viết sách này từ tư liệu của người cha, nhưng nó kịp và cần. Cũng là một nhạy bén của Trần Xuân Toàn khi vin vào vốn cổ.
Trần Xuân Toàn chia sẻ: “Gia đình vốn mấy đời làm nghề sông nước, gần nhất là ông nội và cha mình. Bản thân mình cũng có thời gian đi biển đánh bắt cá. Đó là vào những kỳ nghỉ hè của những năm cấp 2, mình theo cha, các chú, các bác “đi lựa” (tức đi đánh bắt cá ở ngư trường khác) vào Tuy Hòa (Phú Yên) để làm biển. Tập sách như là những hồi ức, những tri thức, những kinh nghiệm dân gian về nghề đánh bắt cá bằng thủ công xưa ở quê nhà mình- thôn Thạnh Xuân, xã Hoài Hương. Việc hình thành tập sách, xuất phát từ suy nghĩ, bà con ngư dân mình sống với sông nước, sóng biển bao đời bằng nghề đánh bắt cá thủ công rất tài hoa, và tình nghĩa, họ đã để lại đời bao tri thức, kinh nghiệm quý giá, con cháu sau này cần phải biết, cần phải kế thừa. Tập sách còn là tình cảm của cha con mình dành tặng cho quê hương!”.
Chắt chiu “vụn vàng” cha ông
Thạc sĩ Trần Xuân Toàn là giảng viên môn Văn học dân gian, văn hóa Việt Nam của khoa Ngữ văn Trường Đại học Quy Nhơn. Anh có ưu thế khi hàng năm dẫn sinh viên đi điền dã. Và những tư liệu qua quá trình sưu tầm- có thể mười nhặt được một- nhưng thời gian và những chuyến đi điền dã mỗi năm hẳn sẽ tích tụ thành vốn quý. Cũng nhiều người có ưu thế đó như anh, nhưng hoặc họ lười, hoặc không thích, cứ xong là thôi. Trần Xuân Toàn là người chịu khó gom nhặt áng lòng và chắt chiu vụn vàng cha ông. Cuốn “Một số phương pháp điền dã sưu tầm văn học dân gian” là một minh chứng. Đó là tổng kết về lý thuyết (phương pháp) và thực hành (cách lưu giữ, ghi chép).
Trần Xuân Toàn cho biết: “Tập sách là sự tổng kết kinh nghiệm và hiểu biết về công việc điền dã sưu tầm văn học dân gian mà tôi có được khi cùng nhiều thầy cô giáo khác trong khoa Ngữ văn với hơn 25 thế hệ sinh viên cùng đi thực tế sưu tầm văn học dân gian ở các địa phương. Qua sách này, người đọc chẳng những được trang bị những phương pháp điền dã sưu tầm văn học dân gian rất cụ thể, mà còn được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho sinh viên ngành Ngữ văn, ngành Khoa học xã hội nhân văn, cũng như giáo viên và học sinh các cấp về nhiều thể loại văn học dân gian, văn hóa dân gian Việt Nam”.
Cái quý là Trần Xuân Toàn miệt mài ở mọi lãnh địa. Và mỗi vùng ấy anh có đóng góp riêng, từ sáng tác đến sưu tầm, nghiên cứu. Anh đáng để đọc, và trông chờ những tác phẩm tiếp theo, nếu biết tận dụng thế mạnh của mình, tức “điền dã vào miền xưa”.
Lê Hoài Lương
Trần Xuân Toàn (sinh năm 1965) hiện đang là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian (thuộc Hội VHNT tỉnh). Anh đã cùng Ban chấp hành Chi hội và các hội viên ra sức truyền bá, phổ biến vốn văn hóa, văn nghệ dân gian của cha ông tại tỉnh nhà, đặc biệt là hướng đến thế hệ trẻ. Những năm qua, Chi hội Văn nghệ dân gian đã góp sức vào việc phổ biến cái hay, cái đẹp của nghệ thuật bài chòi dân gian qua các buổi nói chuyện, tọa đàm, biểu diễn ở các trường học, điểm sinh hoạt văn hóa.
Trần Xuân Toàn đã có nhiều tác phẩm được Hội VNDG Việt Nam xét tặng giải thưởng: “Ca dao địa danh Bình Ðịnh” và “ Câu đố tục giảng thanh và đố thanh giảng tục” (viết chung với Nguyễn Tấn Dũng, giải Khuyến khích năm 1998). Tìm hiểu Ca dao Việt Nam 1945- 1975 (giải Khuyến khích năm 2002). Nghề đánh cá dân gian, thủ công xưa của ngư dân vùng biển Hoài Nhơn, Bình Ðịnh (giải 3A năm 2003). Văn hóa dân gian huyện Hoài Nhơn, Bình Ðịnh (giải 3A năm 2004). Ngôn ngữ văn học dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương (giải Khuyến khích năm 2007). Phương pháp điền dã sưu tầm Văn học dân gian (giải Khuyến khích năm 2008). Anh cũng đã đoạt các giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Diệu - Ðào Tấn (1996 - 2000), Ðào Tấn - Xuân Diệu (2006 - 2010) cho các tập thơ “Miền thương”, tập sách nghiên cứu văn hóa dân gian “Vè chàng Lía”.
Hoài Thu
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Ðịnh, nhận xét: “Trần Xuân Toàn là học trò tôi dìu dắt từ khi còn là sinh viên năm Nhất khoa Ngữ văn Trường Ðại học Sư phạm Quy Nhơn. Khi tôi nghỉ hưu, Toàn đã thay tôi cùng các giảng viên khác giảng dạy Văn học dân gian. Toàn cần cù, chịu khó trong lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu. Em cũng đã quan tâm dẫn dắt rất nhiều thế hệ sinh viên đi điền dã sưu tầm văn học dân gian. Qua đó, góp phần tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, khả năng tìm kiếm sưu tầm và làm quen với công tác vận động quần chúng.
Toàn đã và đang có 6 tác phẩm được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam in thuộc dự án Công bố và phổ biến tác phẩm văn hóa, văn nghệ dân gian của Chính phủ”.