Tìm đất trồng hoa Tết
Mỗi mùa hoa Tết, làng cúc Vĩnh Liêm (phường Bình Ðịnh, TX An Nhơn) cung cấp cho thị trường trên 20.000 chậu hoa, chủ yếu là bán sỉ. Năm nay, dù phải giảm khoảng 10% sản lượng cùng nhiều khó khăn khác do phải di chuyển địa điểm, nhưng người trồng hoa nơi đây vẫn gắng bám trụ với nghề.
Làng cúc Vĩnh Liêm có khoảng 40 hộ trồng hoa thì đã hơn 30 hộ trồng tập trung tại khu vực gò Rộng (thuộc tổ 7 và tổ 8, khu vực Vĩnh Liêm), hộ nhiều trồng cả ngàn chậu, hộ ít cũng vài trăm. Mọi năm, bất cứ ai về gò Rộng thời điểm này cũng choáng ngợp trước những vườn hoa cúc xanh tươi đang chờ khoe sắc để bán vào dịp Tết. Mùa hoa năm nay thì khác.
Tìm đất trồng hoa
Khu vực gò Rộng được quy hoạch thành khu dân cư, người trồng hoa phải trả đất, chạy đi khắp nơi tìm chỗ để trồng hoa Tết Bính Thân 2016. Người thì tìm đất trống quanh phường như gò Ống, gò Ông Biên, khu vực Kim Châu..., người không tìm được phải chạy lên xã Nhơn Khánh, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) hoặc xuống xã Phước Quang, Phước Hưng (huyện Tuy Phước) thuê đất trồng hoa.
Đây là lần thứ ba, ông Bùi Thanh Hải (48 tuổi, ở tổ 8, Vĩnh Liêm), với thâm niên 20 năm có lẻ trong nghề hoa Tết, phải chuyển chỗ trồng hoa. Địa điểm lần này ông chọn là khu vực gò Ống (thuộc tổ 9, khu vực Liêm Trực, phường Bình Định), cách gò Rộng 3km. Do diện tích đất khu mới không rộng lắm, lại phải chia sẻ với 4 đồng nghiệp khác nên ông Hải chỉ trồng 500 chậu cúc, giảm 200 - 300 chậu so với trước đây. “Ở đây, để có điện chong cho hoa, tui phải kéo điện nhờ nhà người ta, cũng gần 200 mét dây chứ chẳng ít. Dù vậy, chỗ này cũng thuận lợi vì không xa khu dân cư lắm, lại là vùng đất cao ráo, không sợ bị ngập nước nếu mưa lũ. Với lại, khu vực này xe lớn chạy vào được nên khi bán hoa cũng thuận lợi”, ông Hải kết luận.
Sát bên ông Hải là vườn hoa 500 chậu của ông Nguyễn Xuân Dũng (50 tuổi, ở tổ 7, Vĩnh Liêm). Khi chuyển đến địa điểm mới, ông Dũng cũng bỏ tiền khoan giếng lấy nước tưới hoa, kéo đường dây điện mới. Cẩn thận vuốt lại từng cành hoa bị rũ xuống sau trận mưa lớn kéo dài, ông Dũng trải lòng: “Trồng hoa bây giờ khó khăn hơn trước. Từ khi Bình Định lên phường, các khu đất trống đều được quy hoạch nên người trồng hoa phải chạy đi khắp nơi tìm đất. Người trồng hoa bây giờ cũng giống như người trồng dưa hấu vậy, cứ mỗi vụ phải tìm đất mới để trồng”.
Không tìm ra khu đất trống nào cao ráo gần nhà để trồng hoa, chị Lê Thị Đào (43 tuổi, ở tổ 8, Vĩnh Liêm) quyết định “năm ăn năm thua” là chọn trồng hoa dưới đám ruộng gần nhà. Một mình trồng 200 chậu cúc, chị bảo nhiêu đó một mình chị chăm sóc là vừa, không cần phải thuê thêm người. Đang ngồi cho thêm đất vào các chậu cúc, chị Đào lại lo lắng: “Mấy ngày nay trời mưa lớn liên tục, tôi sợ lũ đổ về. Có hôm giữa đêm khuya trời mưa lớn quá, tôi phải mặc áo mưa xuống vườn hoa xem sao chứ nằm ở nhà thao thức suốt đêm không ngủ được”. Mùa hoa Tết năm 2015, chị trồng 300 chậu, bán sỉ toàn bộ, trừ chi phí còn lãi hơn 25 triệu đồng.
Nghề và nghiệp
Không còn trồng hoa được ở gò Rộng, ông Huỳnh Minh Chánh (tổ 8, khu vực Vĩnh Liêm), chạy đôn chạy đáo tìm mặt bằng nhưng bất thành, cuối cùng đành phải đưa về vườn nhà nhưng chỉ trồng 250 chậu, giảm khoảng 100 chậu so với trước. Ông Chánh cho biết: “Trồng hoa gần nhà tiện công chăm sóc nhưng do diện tích nhỏ nên trồng không được nhiều, vả lại mỗi khi phun thuốc cho hoa cũng ảnh hưởng sức khỏe mọi người trong gia đình”.
Theo ông Chánh, dù nghề trồng hoa Tết công phu, vất vả nhưng người làm nghề này ở Vĩnh Liêm không mấy ai nghĩ đến chuyện bỏ nghề, bởi đây là nghề ông cha để lại, vừa là thú chơi, vừa giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hầu hết các hộ trồng hoa ở Vĩnh Liêm đều có cuộc sống khá lên nhờ nghề này.
Kể chuyện nghề chuyện nghiệp, ông Nguyễn Xuân Dũng chia sẻ một kỷ niệm: “Cuối năm 2013, lũ đột ngột đổ về làm cả làng cúc Vĩnh Liêm trắng tay. Ai cũng nghĩ rằng sau trận thất bại đó, cộng với việc tìm nơi trồng hoa khó khăn nhiều hộ sẽ bỏ nghề, nhưng rồi có ai bỏ đâu. Đợt đó, tôi mất trắng 500 chậu hoa và lần đầu tiên trong 30 năm trồng hoa, tôi không có hoa để bán Tết. Nghĩ vậy nên ngày nào tôi cũng ra vườn, nhìn những chậu hoa héo dần mà lòng buồn não ruột, đến nỗi vợ gọi về ăn cơm cũng không về. Vợ giận quá, bắt tôi hứa bỏ nghề trồng hoa, tìm nghề khác làm, tôi cũng đã hứa sẽ bỏ. Ấy vậy nhưng rồi như một duyên nợ với nghề, tôi lại tiếp tục trồng hoa Tết”.
Mong có khu trồng hoa tập trung
Khi làng hoa Vĩnh Liêm còn trồng tập trung ở gò Rộng, chừng rằm tháng Chạp trở đi là khu vực này trở nên nhộn nhịp người mua hoa, người đến tham quan, chụp hình. Ông Huỳnh Văn Quyền (54 tuổi, ở tổ 8, Vĩnh Liêm), đúc kết: “Trồng hoa tập trung rất tiện cho việc đầu tư, chăm sóc, đến khi bán cũng thuận lợi hơn. Hầu hết người trồng hoa Vĩnh Liêm đều bán sỉ nên đến mùa hoa Tết là các chủ buôn hoa tìm đến mua, không mua hộ này thì mua hộ khác, buôn có bạn, bán có phường mà. Lâu nay chúng tôi cũng đề nghị phường kiến nghị lên cấp trên xem xét quy hoạch một vùng trồng hoa tập trung cho địa phương nhưng chưa có kết quả”.
Đem tâm tư của những người trồng hoa Vĩnh Liêm trao đổi với ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Bình Định, thì ông Dũng cho biết: “Lâu nay lãnh đạo phường cũng rất trăn trở với việc tìm chỗ quy hoạch thành khu tập trung sinh vật cảnh của phường, trong đó có diện tích đất dành cho người trồng cúc, nhưng chưa có địa điểm nào. Những khu đất cao ráo thì nằm trong quy hoạch các khu dân cư, các công trình của thị xã, còn những khu đất thấp thì không có kinh phí để sang lấp mặt bằng. Bởi vậy, vừa qua cũng như trong thời gian tới, phường chỉ còn cách tạo điều kiện để các hộ trồng hoa tận dụng mặt bằng các dự án trên địa bàn phường chưa triển khai để trồng hoa, khi nào thực hiện dự án sẽ thông báo để họ chủ động tìm nơi mới”.
Trồng hoa di động
Không riêng gì người trồng hoa Vĩnh Liêm mà người trồng hoa ở phường Ðống Ða (TP Quy Nhơn) trong những năm qua cũng thường xuyên thay đổi địa điểm trồng hoa, bởi những khu đất vốn lâu nay họ trồng hoa đã được quy hoạch xây dựng các dự án.
Hiện toàn phường Ðống Ða còn gần 20 hộ trồng hoa Tết, chủ yếu là trồng cúc và họ đang tận dụng những khu đất trống trong khu tái định cư Bắc Hà Thanh (thuộc KV 9, phường Ðống Ða) để trồng. Ông Trần Anh Chính (60 tuổi, ở KV 6, phường Ðống Ða), cho biết: “Trong hơn 20 năm trồng hoa, tôi phải chuyển địa điểm 6 lần. Năm nay, tôi trồng 1.000 chậu cúc và trồng thí điểm thêm 1.000 chậu hoa ly. Khu đất tôi trồng hoa năm tới sẽ được phân lô xây nhà nên sẽ lại phải tiếp tục tìm địa điểm mới. Giờ con cái tôi đã thành đạt, không phải lo cơm áo gạo tiền nhưng nghề trồng hoa Tết đã trở thành nghiệp nên tôi cũng chưa muốn bỏ”.
NGUYỄN PHÚC
Người trồng hoa ó thể liên hệ các đơn vị trong khu công nghiệp tận dụng đất trống của họ: có thể thuê giá mềm hoặc mượn đất trống của họ để trồng hoa...