Gian khổ biết dành phần ai…
“Về quê, ai hỏi tui làm nghề gì, tui nói làm hộ lý, làm hộ lý ở bệnh viện lao. Mình làm sao thì kể vậy, có gì đâu mà ngại ngùng, mà xấu hổ. Cứ nói yêu nghề mà không dám nói thiệt về công việc của mình, thì còn ra gì nữa”.
Bà Nguyễn Thị Bé mở đầu câu chuyện với tôi bằng những lời rành rọt như thế. Từ đầu năm 2015, bà đã thôi làm công việc quyện gắn với mình suốt 26 năm qua tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh.
“Có đói cũng không làm ngành lao”
Bà bảo, đến giờ vẫn chưa thể quên những ngày đầu chồng bà là ông Lê Văn Phổ chuyển từ một công ty xây dựng của Nhà nước vào công tác tại bệnh viện lao. Gia đình nhà chồng cố sức ngăn cản, bởi nghe đến bệnh lao ai cũng ớn. Vậy mà, năm 1988, bà cũng vào bệnh viện làm việc ở nhà ăn, một tay lo cơm nước cho tất cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
6 năm sau, bà sinh đứa con thứ 2, chuyển ra làm việc tại nhà trẻ của bệnh viện cho tiện việc chăm con. Được một thời gian ngắn, đích thân giám đốc bệnh viện vận động bà vào làm hộ lý. “Lúc này, mẹ chồng tui phản đối dữ dội, bảo 1 đứa chưa đủ hay sao, mà cả 2 vợ chồng bay vào làm bệnh viện lao, bộ muốn lây lao cho hết cả nhà hay sao?”, bà nhớ lại.
Thời ấy, bệnh lao thật sự là nỗi ám ảnh trong cộng đồng. Đương nhiên, những người làm công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân lao cũng chịu cái nhìn đầy định kiến của xã hội. Hộ lý thiếu rất nhiều, giám đốc bệnh viện phải trực tiếp đi tìm kiếm, vận động những phụ nữ khỏe mạnh sống gần bệnh viện vào làm hộ lý. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chẳng được bao nhiêu. Có ông bố đã trả lời vỗ mặt: “Có đói tui cũng không cho con làm ngành lao”. Ngay cả 2 người em chồng của bà Bé cũng từ chối thẳng thừng khi chị dâu gợi ý vào viện làm việc: “Em thà làm ruộng, phụ hồ, khó khăn mấy cũng không vào đó làm đâu”.
Những người đồng ý vào làm hộ lý phần lớn cũng chẳng trụ nổi quá 2 tuần. Có người mới vào làm ngày đầu tiên, gặp cảnh bệnh nhân ho ra máu ào ạt, chị bụm miệng bỏ chạy thẳng một hơi. Đến chiều, mọi người thấy chị cầm tờ giấy xin thôi việc vào phòng giám đốc. Chính bà Bé cũng thừa nhận rằng, thật không dễ dàng gì để vượt qua những ngày đầu tiếp xúc với bệnh nhân lao. Bà kể, lần đầu nhìn thấy bệnh nhân nôn thốc nôn tháo toàn máu là máu, bà cứ ôm ngực thở. Bác sĩ trưởng khoa chuyển bà xuống buồng bệnh nhẹ hơn. Mấy chị hộ lý làm lâu năm thì động viên, từ từ rồi sẽ quen dần. Cứ cố gắng từng chút một, nhìn mãi rồi cũng hết sợ. Đến một lần, bệnh nhân nôn ra máu khi chỉ có một mình ở bên, thế là bà mang găng tay sấn vào cấp cứu.
“Mọi người hay nói với nhau, mùa mưa là mùa “bông hoa đỏ”, bệnh nhân ho ra máu rất nhiều. Trải qua mấy mùa “bông hoa đỏ”, tui đã dạn dĩ lắm. Thậm chí, bệnh nhân ho ra máu dữ dội rồi tắt thở. Máu trong miệng vẫn cứ trào ra. Tui nghiêng mặt cho máu chảy ra hết, đoạn lấy khăn lau sạch sẽ, cột tóc lại cho gọn gàng, sao cho dễ coi nhất để con cháu vào nhìn thấy bớt cảm giác ghê sợ hoặc đau đớn”, bà tâm sự.
Nhận khổ về mình
Qua được giai đoạn “sợ”, bà trở thành người hộ lý không chỉ vững tay nghề mà còn hết lòng chăm sóc cho bệnh nhân.
Dọn bồn cầu, dọn máu, đờm dãi… đều chẳng nề hà. Bệnh nhân ở đây có cả những người vô gia cư, nằm viện chẳng có người thân đoái hoài. Bà cho ăn, thay quần áo, tắm rửa. Có người trực tua sau còn “dũa”, bảo người thân còn bỏ lơ, bà cho ăn chi nhiều, người ta “đi” tùm lum hành tụi tui dọn phát mệt. Có lần, bà chăm cho cậu sinh viên bị áp-xe phổi, 15 ngày sau gia đình mới vào thăm nuôi. Nghe con kể được cô Bé chăm như con trai mình, người cha cứ cầm tay bà mà xuýt xoa cảm ơn, còn năn nỉ bà nhận “công chăm sóc”, nhưng bà lắc đầu.
“Ai làm việc gì cũng là do xã hội phân công, quan trọng là mình có hết lòng hết sức với công việc của mình hay không thôi”
Song, điều đáng để người ta nể phục nhất ở bà Bé chính là sự xăng xái, nhiệt tình khi chăm sóc những bệnh nhân AIDS và lao kháng thuốc. Tôi vẫn còn nhớ cái hôm theo bà vào phòng bệnh nhân lao kháng thuốc cách đây hơn 2 năm. Căn phòng nằm khuất nẻo cuối hành lang dài. Chẳng ai muốn bén mảng tới đó, bởi đờm của bệnh nhân lao kháng thuốc cực kỳ nguy hiểm. Mỗi lần vào phòng, bà phải mang đồ bảo hộ, khẩu trang N95, ủng chuyên dụng. Quét dọn, lau chùi, bà cứ cắm cúi làm, như một quy trình đã định sẵn. Rồi mang chai đựng đờm của bệnh nhân đổ vào bồn cầu, dội sạch. “Hôm đó cháu về rồi, cô mới nói với bác Dũng (Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Nguyễn Sỹ Dũng - NV), có khi nào thằng nhỏ bị lây bệnh không, chớ tui chỉ mang cho nó cái N95, chẳng đồ gì khác nữa. Mà nó theo tui vào tới nhà vệ sinh để chụp hình. Ông ấy cười, nếu có bị lây, chắc chắn sẽ quay lại đây, lo gì”, bà nhoẻn cười hồn hậu.
Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh có 3 tổ hộ lý thay nhau đảm nhận công việc vệ sinh ở khu bệnh nhân AIDS và lao kháng thuốc. Tổ của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn có 3 hộ lý, một người có con nhỏ, một người hay ngại, nên bà Bé nhận hết việc về mình. Vất vả, nguy hiểm, nhưng nơi này cũng để lại trong bà nhiều kỷ niệm nhất. Phần lớn bệnh nhân AIDS mắc lao đều đã vào giai đoạn cuối, có đợt chỉ hơn tháng, có đến 6 bệnh nhân ra đi.
Trong số rất nhiều người đã “ra đi” trong tay mình, bà Bé vẫn nhớ nhất cậu thanh niên tên Tiến - tài xế xe tải đường dài vì chích ma túy mà bị AIDS. Vào viện lúc còn khỏe, Tiến cứ bảo đưa cho cháu cái bô với mấy bộ quần áo, cháu tự lo cho mình được. Nhiều hôm, Tiến dọn vệ sinh cho cả phòng, cứ là sạch bong. Đến những ngày cuối, Tiến nằm liệt giường, ráng gượng dậy ngồi bô, rồi lại rướn lên nằm tiếp. Bà vẫn chăm nom cơm nước, vệ sinh cho chàng trai ấy.
“Rồi thằng bé cũng đi. Mẹ nó hay tin từ ngoài Bắc vào thì cũng chỉ biết ôm mộ con mà khóc. Nó bị nhiễm HIV gần 10 năm mà không biết, đến khi phát hiện thì cũng giấu gia đình. Tui cứ nhớ mãi lời thằng bé, rằng con không muốn làm phiền mấy cô mấy chị ở đây thế này đâu”, bà Bé kể.
Tự hào là hộ lý
2 tháng sau ngày nghỉ hưu, đi chợ về, bà cứ đi thẳng đến cổng bệnh viện, rồi giật mình, quay trở lại. Nhà bà ở trong con hẻm nhỏ bên hông bệnh viện, trước đây là khu tập thể của các y bác sĩ. Nghỉ hưu, ông bà nuôi heo, nuôi gà, trồng rau. Bà nhận giữ con cho một chị làm kế toán trong bệnh viện. Anh con trai Lê Thanh Bình - hiện làm kỹ sư công nghệ thông tin trong Nam, thỉnh thoảng lại gọi về, bảo mẹ sao cứ như có “con mọn” vậy, chưa đủ khổ hay sao mà còn cố sức. Bà thì bảo, còn sức thì còn làm, ở không cũng thấy mệt.
Ông bà đều làm ở Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, cô con gái Lê Thị Phương Thảo cũng đang làm điều dưỡng ở đây. Nghỉ hưu, bà mang về nhà chiếc bảng tên và bộ đồ của hộ lý, gói ghém cất kỹ, để sau này có cái mà kể cho cháu, đơn giản vậy thôi. Mỗi lần về quê ở thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), ai hỏi làm gì, bà đều kể là làm hộ lý, làm ở bệnh viện lao. “Chớ có người nói tránh là làm ở bệnh viện tâm thần, đâu dám nói làm lao. Có người hỏi thẳng, làm gì không làm, lại đi làm hộ lý, mà lại ở bệnh viện lao. Tui nói, hộ lý đâu phải việc gì xằng bậy, phạm pháp. Ai làm việc gì cũng là do xã hội phân công, quan trọng là mình có hết lòng hết sức với công việc của mình hay không thôi”, bà quả quyết.
Trước khi nghỉ hẳn, bà qua phòng tư vấn của bệnh viện, nghe bảo nếu trong 3 năm tới, bà phát hiện bị nhiễm lao thì vẫn được chế độ bệnh nghề nghiệp. Bà cầu mong mình đừng bao giờ phải nhận khoản gì như thế. Bởi, bà đã từng chứng kiến người đồng nghiệp lớn tuổi ra đi vì bị lây lao mà không biết. “Những ngày cuối nằm viện, cô ấy khóc, nắm tay mấy đứa dặn dò, tụi bây làm gì cũng phải cẩn thận hết, giữ cho mình, giữ cho chồng con nữa. Ơn trời là đến giờ này tui vẫn chưa bị gì, hai đứa con cũng khỏe mạnh”. Bà kể, mắt ngân ngấn nước.
Rời căn nhà mới xây có khóm mười giờ đầu ngõ, bất chợt lại nghĩ đến câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”…
Hiếm có hộ lý nào như bà, có đến 2 lần được tôn vinh là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 5 lần được trao danh hiệu Phụ nữ 2 giỏi cấp tỉnh. Khi tôi đặt vấn đề viết bài về bà, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Ðỗ Phúc Thanh khẳng định: “Xứng đáng quá đi chứ, những người làm công việc thầm lặng như chị Bé rất cần được xã hội trân trọng”.
NGUYỄN VĂN TRANG
Cô là một nhân viên y tế đã làm đúng như Bác đã dạy "lương y như từ mẫu", rất nhiều người đang làm việc giống như cô, cảm ơn anh PV đã giúp mọi người hiểu thêm về nhân viên y tế.
Sự hi sinh của những bà mẹ luôn hiện hữu ở mọi thời đại, họ là những người góp phần giúp xã hội tốt hơn vì họ là những tấm gương sáng chói.