Nuôi bò lai, “hái” ra tiền
Về huyện Phù Mỹ, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe râm ran chuyện nuôi bò. Nuôi bò để thoát nghèo, vươn lên làm giàu là “đầu câu chuyện” của bà con nông dân ở đây. Quả thật, nuôi bò lai... “hái” ra tiền.
Bây giờ, con trâu không còn là “đầu cơ nghiệp” như ngày trước, mà con bò, nhất là bò lai, đã trở thành “đầu cơ nghiệp” của hàng ngàn hộ nông dân ở Phù Mỹ. Phong trào nuôi bò lai sinh sản, nuôi vỗ béo bò thịt phát triển rộng khắp gần chục năm nay ở Phù Mỹ.
Con bò là... “đầu cơ nghiệp”
Nuôi bò nhiều nhất theo tỉ lệ hộ dân có lẽ là ở thôn Gia Vấn - xã Mỹ Hòa; nơi đây có trên 50 hộ thì hộ nào cũng chăn nuôi bò. Và một trong số những hộ nuôi bò “kỳ cựu” ở đây là hộ ông Hà Văn Ba.
Về tận khu kinh tế mới Gia Vấn, chúng tôi “mục sở thị” gia trại chăn nuôi của ông Ba. Với đàn bò lai 30 con, gồm 15 con bò sinh sản, cùng bê con và bò thịt, ông thu về mỗi năm ít nhất cũng 300 triệu đồng. Ông chăn nuôi rất bài bản, chủ yếu nuôi bò sinh sản; chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ; chú trọng phòng chống dịch bệnh và chế độ dinh dưỡng cho bò...
“Huyện Phù Mỹ có hơn 18.000 ha lúa, gần 1.200 ha bắp, hơn 129 ha cỏ voi, đây là nền tảng để vừa tạo ra nguồn thức ăn rơm rạ chủ lực, vừa cung cấp nguồn thức ăn tươi xanh giàu đạm cho đàn bò lai tăng trọng nhanh, xuất chuồng sớm, thu nhập cao. Nuôi bò lai là hướng đi đúng của bà con nông dân Phù Mỹ hiện nay”
Ông PHẠM CÔNG HẢO, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Mỹ
Ông Ba chia sẻ: “Sau chừng 8 - 10 tháng nuôi, con bò cái sẽ bắt đầu chu kỳ sinh sản. Sau khi phối tinh, cần theo dõi và chăm sóc tốt hơn, bổ sung đủ lượng sắt cần thiết. Sau khi bò sinh phải tăng gấp đôi dinh dưỡng... Bê con thì phải tập trung chăm sóc trong 20 ngày đầu để bê khỏe mạnh và chóng lớn. Cách đây gần một tháng, tui bán 5 con nghé, thu về gần 100 triệu đồng”.
Chia tay ông Hà Văn Ba, chúng tôi tìm đến rẫy của ông Nguyễn Hữu Long, ở thôn Chánh Thuận, xã Mỹ Trinh. Đàn bò 20 con của ông đang thong thả gặm cỏ dưới ánh nắng chiều chiếu xuyên qua tán rừng, trông thật thơ mộng và yên bình. Ông Long bộc bạch: “Tui khởi nghiệp với 7 triệu đồng vay của Hội Phụ nữ xã vào năm 2005 để mua 1 con bò cái lai. Sau 1 năm, bò mẹ sinh bê con, tui bán bê thu lại gần đủ vốn. Thấy hiệu quả, tui vay mượn gần 6 cây vàng để mua 4 con bò cái nền và 4 bê lai nuôi thịt. Hiện gia đình tui có 20 con bò, gồm 9 bò cái sinh sản, còn lại là bò thịt và bê con. Tui đang phấn đấu gầy đến 15 bò cái nền và tăng thêm đàn bò thịt”.
Ông Long cho biết thêm: “Với 9 bò cái nền mỗi năm đều đặn cho ra 9 bê con, nuôi 6 - 7 tháng thì xuất bán, bình quân giá 18 triệu đồng/con, chí ít cũng thu xấp xỉ 150 triệu đồng; rồi bán 2 - 3 bò thịt, thu về 60 - 70 chục triệu đồng nữa, hỏi làm lúa, trồng màu sao mà có được. Căn nhà này tui mới xây hết 900 triệu đồng, từ tiền bán bò cả đấy”.
Không chỉ gia đình ông Ba, ông Long, còn có hộ ông Lê Văn Hiếu (ở thôn Trực Ðạo - xã Mỹ Trinh) 4 năm nuôi bò thịt, bình quân thu lãi mỗi năm không dưới nửa tỉ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Đức (ở thôn Văn Trường - xã Mỹ Phong) khởi nghiệp nuôi bò năm 2014 với 2 bò cái nền, đến nay đã có đàn bò 11 con, thu về trên trăm triệu đồng/năm; và có hàng trăm hộ khác, đã làm giàu từ chăn nuôi bò.
Nghề nuôi vỗ béo bò
Cùng với nuôi bò sinh sản, nghề nuôi bò vỗ béo cũng chiếm vị thế quan trọng. Học hỏi từ các mô hình nuôi bò vỗ béo ở địa phương, anh Võ Văn Lễ, ở thôn Trung Thành 2, xã Mỹ Quang, nuôi bò vỗ béo từ 3 năm nay, mỗi đợt nuôi 3-4 tháng, mỗi năm xuất bán mấy chục con, thu lãi 3-4 triệu đồng/con. Anh Lễ cho biết: Cái nhọc của nuôi bò vỗ béo là phải bỏ công đi dạo khắp các nơi trong và ngoài huyện để tìm mua những con bò gầy gò về nuôi thúc cho béo. Phải lựa con nào mõm to, ngắn, ăn mạnh, khung xương lớn thì về sẽ thúc dễ dàng, nhanh xuất bán, có lãi hơn”.
Anh Trương Văn Dục, ở thôn Trung Thành 3, xã Mỹ Quang, gầy sự nghiệp nuôi bò vỗ béo với 3 con bò đầu tiên năm 2013. Thấy có hiệu quả, anh mở rộng dần quy mô. Anh tâm sự: Tháng nào cũng có xuất đi, tháng nào cũng có mua về, cứ bán con nào đi lại mua con khác về, lúc nào trong chuồng cũng duy trì số lượng từ 20 con trở lên”. Bò mua về anh tẩy giun sán ngay, bổ sung vitamin, thuốc bổ, duy trì chế độ nuôi vỗ béo được cán bộ khuyến nông hướng dẫn; khẩu phần ăn chủ yếu là cháo gạo nấu với cám, rau, bổ sung thêm rơm khô và cỏ voi; bình quân 2 - 3 tháng anh xuất bán, trừ hết chi phí còn lãi 3 - 4 triệu đồng/con. Anh Dục khẳng định: “Ở nông thôn bây giờ, không làm gì nhanh kiếm tiền bằng nuôi bò vỗ béo!”.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả
Năm 2010, tỉ lệ bò lai của huyện Phù Mỹ là xấp xỉ 53% so với tổng đàn; Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2015 phải đạt 70%. Hiện đàn bò lai trong huyện đã chiếm 82,67% tổng đàn, vượt kế hoạch khá xa. Để đạt được kết quả này, 5 năm qua, huyện Phù Mỹ đã xây dựng thành công các mô hình nuôi vỗ béo bò, nuôi thâm canh bò thịt chất lượng cao... Các hội-đoàn thể, nhất là Quỹ hỗ trợ nông dân huyện, đã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để nông dân đầu tư nuôi bò. Huyện cũng đã xây dựng một số mô hình trồng cỏ voi, vận động người chăn nuôi chuyển những vùng đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, với tổng diện tích cỏ hiện nay hơn 120 ha/vụ, tăng thêm nguồn thức ăn chăn nuôi.
Ông Phạm Công Hảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Mỹ, cho biết: “Mấy năm gần đây, nông dân trong huyện đầu tư nuôi bò rất mạnh, chủ yếu bò lai với số lượng ngày càng lớn, chất lượng ngày càng cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giàu. Huyện Phù Mỹ có hơn 18.000 ha lúa, gần 1.200 ha bắp, hơn 129 ha cỏ voi, đây là nền tảng để vừa tạo ra nguồn thức ăn rơm rạ chủ lực, vừa cung cấp nguồn thức ăn tươi xanh giàu đạm cho đàn bò lai tăng trọng nhanh, xuất chuồng sớm, thu nhập cao. Nuôi bò lai là hướng đi đúng của bà con nông dân Phù Mỹ hiện nay”.
Tuy nhiên, trước tình hình bò ngoại nhập tăng lên ồ ạt, khiến giá bò nói chung, giá bò lai nói riêng có chiều hướng chững lại, đang là nỗi lo của người nuôi bò. Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện, bà cho rằng: Để nâng cao chất lượng đàn bò, cạnh tranh với bò ngoại nhập, góp phần xây dựng thương hiệu bò thịt và thịt bò chất lượng cao của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, huyện Phù Mỹ tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Nỗ lực lai tạo bò thịt chất lượng cao; đầu tư nâng cấp hệ thống thụ tinh nhân tạo bò gắn với đào tạo tập huấn dẫn tinh viên và thụ tinh nhân tạo ở các địa phương. Xây dựng các mô hình chăn nuôi chất lượng cao kết hợp với trồng cỏ và chế biến, bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò. Thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh môi trường, nhất là vận động nông hộ thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn bò... là rất quan trọng để chăn nuôi bò đạt hiệu quả cao.
Theo số liệu thống kê, đến nay tổng đàn bò toàn huyện khoảng 49.597 con; trong đó bò lai 41.001 con, chiếm tỉ lệ 82,67% (tổng đàn bò toàn tỉnh hiện có 270 ngàn con; tỉ lệ bò lai bình quân 76%; cao nhất là Vĩnh Thạnh 97%, An Nhơn 85%). Nếu năm 2014 toàn huyện xuất chuồng 21.450 con bò, thì từ đầu năm đến nay đã xuất chuồng 22.358 con, tương ứng với tỉ lệ thịt hơi xuất chuồng tăng 7,5% so với cùng kỳ, đem lại thu nhập hàng trăm tỉ đồng.
XUÂN LỘC - THANH TRỌN