Thực hiện bảo hiểm thất nghiệp 2015: Cố gắng đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động
Thực hiện theo quy định mới về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Luật Việc làm, các ngành, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đã tập trung giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, công tác này cũng đang gặp không ít khó khăn.
Trao “phao” cho người mất việc
Với mục đích hỗ trợ thu nhập cho người lao động khi chẳng may mất việc và chưa tìm được việc làm mới, chính sách BHTN được ví là “phao cứu sinh” cho người thất nghiệp. Nỗ lực trao “phao” của các ngành hữu quan đang góp phần không nhỏ vào thực hiện an sinh xã hội và đưa chính sách đến gần hơn với cuộc sống.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, đến đầu tháng 12.2015, đơn vị đã tiếp nhận 3.908 hồ sơ hưởng BHTN (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2014); trong đó có 1.674 hồ sơ của lao động từ địa phương khác chuyển đến. Qua xác nhận, thẩm tra hồ sơ và tham mưu cho Sở LĐ-TB&XH, đã có 3.831 lao động được nhận Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2014) với tổng số tiền chi trả hơn 30,5 tỉ đồng.
Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh Lê Hữu P. (32 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) tâm sự: “Tôi vừa thôi việc tại Siêu thị Metro Quy Nhơn vào giữa tháng 11 vừa qua và hiện vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Khoản tiền trợ cấp thất nghiệp được hưởng sắp tới sẽ phần nào giúp tôi bớt khó khăn thời gian đến trong khi tìm kiếm công việc mới”.
Song song với công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung triển khai công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm nhanh chóng đưa người thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. 100% số người thất nghiệp đến Trung tâm đều được tư vấn việc làm và học nghề. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn gửi thư mời tham gia ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp, đơn vị như Ngày hội việc làm của Tập đoàn FLC… đến người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo cơ hội cho họ tìm được việc làm phù hợp. Đối với trường hợp người thất nghiệp muốn chuyển nghề hoặc đã tìm được việc nhưng chưa có kỹ năng nghề, Trung tâm sẽ hỗ trợ học nghề cho lao động. Đến thời điểm hiện tại, có 42 người được hỗ trợ học nghề với tổng kinh phí là 127,5 triệu đồng, tăng 82% so với cùng kỳ.
“Mục tiêu chính của chính sách BHTN hiện nay là đưa người lao động sớm quay trở lại với thị trường lao động, nên công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ chuyển nghề được chú trọng. Thời gian qua, công tác giới thiệu việc làm, dạy nghề và giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối tốt. Song song với đó, công tác tuyên truyền về BHTN cho người dân; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn cho cán bộ phụ trách công tác BHTN; kiểm tra, giám sát việc thực hiện BHTN tại doanh nghiệp, việc tiếp nhận hồ sơ BHTN tại các văn phòng huyện, thị xã cũng được tăng cường”, ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương - Bảo hiểm xã hội Sở LĐ-TB&XH, cho biết.
Còn nhiều khó khăn
Bên cạnh những nỗ lực nêu trên, việc triển khai chính sách BHTN vẫn còn nhiều khó khăn khiến người lao động thiệt thòi. Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, một số người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sau nghỉ việc nhưng do chủ sử dụng lao động chậm đóng và nợ đọng BHTN nên không chốt được sổ BHTN và người lao động không được hưởng trợ cấp. Đơn cử như trường hợp một lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ tháng 9.2014, nhưng mãi đến tháng 3.2015 mới có thể chốt sổ BHTN - quá thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng để người lao động được hưởng chính sách.
Ông Đặng Văn Lý, Phó Trưởng phòng Thu Bảo hiểm xã hội tỉnh, cũng cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.095 đơn vị nợ đọng BHTN với số tiền hơn 4 tỉ đồng. Số nợ này đồng nghĩa với việc hàng trăm lao động sẽ không được giải quyết chế độ và quyền lợi của họ nếu nghỉ việc. Nợ đọng, chậm đóng BHTN là rào cản, khiến cho nhiều lao động không được giải quyết chế độ theo quy định.
Mặt khác, tình trạng người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tìm được việc làm mới nhưng không báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng xuất hiện. “Theo quy định, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm thì sẽ chấm dứt hưởng trợ cấp và không được hưởng một lần số tháng trợ cấp còn lại. Việc này, dễ dẫn đến tình trạng người lao động khai báo không trung thực về việc đã có việc làm của mình. Trường hợp nếu chủ sử dụng lao động chậm đóng BHTN cho lao động sau khi ký hợp đồng, thì việc phát hiện tình trạng thiếu trung thực này lại càng khó khăn”, ông Phùng Ngọc Tích, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chia sẻ thêm.
Thời gian tới, để người lao động được hưởng đầy đủ các quyền lợi từ BHTN, các ngành liên quan cần làm tốt công tác phối hợp, giám sát việc tham gia, thực hiện các thủ tục về BHTN của tổ chức, đơn vị, người sử dụng lao động; tuyên truyền để người lao động hiểu về lợi ích của BHTN, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Ðể thuận lợi cho người lao động đăng ký thất nghiệp và khai báo việc làm hàng tháng, Sở LÐ-TB&XH tổ chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ tìm việc làm tại các địa điểm: Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (72B Tây Sơn, TP Quy Nhơn); Trung tâm Dạy nghề Tây Sơn (01 Phan Ðình Phùng, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn); Trung tâm Dạy nghề An Nhơn (02 Tăng Bạt Hổ, phường Bình Ðịnh, thị xã An Nhơn); Trung tâm Dạy nghề Phù Mỹ (thôn Diêm Tiêu, thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ); Trường Trung cấp nghề Hoài Nhơn (khối Thiết Ðính Bắc, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn).
NGUYỄN MUỘI