TẠP BÚT
“Ngày đó, ký túc mình vui...”
Trường tôi là trường chuyên duy nhất của tỉnh nên nó giống như thỏi nam châm đủ sức hút hầu hết những đứa trẻ sớm biết tự lập và ước mơ về một con đường học hành “chuyên chọn” ở khắp các huyện, thành. Cũng bởi đặc thù ấy nên trường tôi mới có ký túc xá dành cho học sinh ở xa về trọ học.
Muốn vào ở ký túc, bạn phải có giải học sinh giỏi cấp tỉnh khi học lớp 9, hoặc phải là con thương binh, liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… thì mới được xét duyệt. Cho nên, chúng tôi thường nói vui (có xen chút tự hào) rằng: Dân ở ký túc là điển mẫu cho câu “vượt khó học giỏi” mà ông bà ta thường hay nhắc nhở. Chẳng mấy khó khăn để nhận ra đây là mô hình thu nhỏ của các lớp chuyên trong trường, bởi mỗi phòng có 6 người, phân bố ra cả 3 khối và các môn chuyên khác nhau. Vì vậy, trong quá trình học tập và chung sống, “bí” bài tới đâu là có “Bụt” xuất hiện để giúp đỡ tới đó. Tôi cứ nhớ hoài những ngày ký túc vào mùa thi cử, bọn khóa dưới như chúng tôi thường ôm sách vở lon ton theo hỏi các anh chị khóa trên để được “chỉ bảo” môn chuyên một cách tận tình hoặc gặp trúng mấy bài toán, lý, hóa khó nhằng...
Nhưng “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, bọn ở ký túc như chúng tôi thường “được” các bạn ở ngoài gắn cho cái mác “lỳ” và “quậy”. Vài “dịp” đi chơi về khuya, quá giờ quy định đóng cửa của ký túc đã biến chúng tôi thành những kẻ “phá hoại ngây ngô” của trường. Đến nỗi có lần trong giờ chào cờ, thầy hiệu trưởng liên tục nhắc nhở các song sắt của bờ rào sau lưng ký túc có nhiều lỗ trống, làm chúng tôi ngồi ở dưới len lén nhìn nhau và suýt chết ngất vì không dám cười. Để rồi sau đó, thầy cho người rào thêm 2 lần lưới sắt B40 nữa, chấm dứt con đường chui rào đi ăn khuya của dân ký túc.
Song vui nhất có lẽ là mỗi bận ký túc xá vào dịp tất niên. Dưới sự gợi ý của cô quản lý xinh đẹp của chúng tôi - các phòng đều hào hứng chuẩn bị một món ăn đặc sắc nhất để tham gia “đại tiệc”. Đêm ấy, giữa cái lạnh se sắt thấm đượm hơi nồng của biển, chúng tôi ngồi bên nhau thật lâu, ăn uống, hát ca, nghe cô và các bạn chia sẻ những vui buồn trong năm cũ, rồi cùng nhau tham gia những trò chơi “quái quỷ” nhất mà chúng tôi có thể nghĩ ra để cùng nhau cười thả ga, tẹt rốn. Vào khoảnh khắc đó, tôi nhận ra, khái niệm “gia đình” dường như đủ rộng để tôi gọi tên mái nhà ký túc đã chở che chúng tôi suốt ba năm học dài.
Bây giờ, những đứa trẻ ở ký túc xa xưa đã trưởng thành. Không ít cặp đã nên duyên chồng vợ, tạo thành những gia đình nhỏ trong đại gia đình ký túc. Dẫu tháng năm có làm nhòe kỷ niệm, nhưng chỉ cần có dịp gặp nhau, anh em, bè bạn lại nhắc nhở nhau một điều giản dị: “Ngày đó, ký túc mình vui…”
Vậy là đáng trân quý lắm rồi…
PHAN NGUYỄN TRÀ GIANG