Champasak, nơi dòng sống chảy chầm chậm
Cuối năm 2015, tôi có dịp tham gia chuyến công tác cùng Tỉnh đoàn Bình Ðịnh đến Champasak, một tỉnh lớn ở Tây Nam nước CHDCND Lào. Nước Lào cổ kính, êm đềm, người Lào hiền lành, nhã nhặn. Trải nghiệm này khiến tôi càng thêm yêu người Lào, nước Lào.
5 ngày ở đây, ngoài chương trình làm việc với Tỉnh đoàn Champasak, đoàn chúng tôi còn được khám phá những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Lào và trải nghiệm cuộc sống chầm chậm, an nhiên của người dân đất nước Triệu Voi.
Một góc TP Pakse, tỉnh Champasak.
Pakse - thành phố thân thiện
Qua cửa khẩu Bờ Y - nơi tỉnh Kon Tum, Việt Nam tiếp giáp với tỉnh Atapư, Lào chúng tôi đã vào ngay rừng già. Xe bon bon trên con đường 18B thảm nhựa bóng loáng xuyên giữa đại ngàn, thảng hoặc mới có một chiếc xe đồng hành, hoặc ngược chiều. Những nơi chúng tôi dừng nghỉ chân, các cây cổ thụ vài ba người ôm chồm ra sát đường. Suốt đường đi, thỉnh thoảng mới thấy một cụm dân cư. Những cụm dân cư này luôn cách quốc lộ khá xa chứ không bám đường như ở nước ta. Sau này, khi đi được nhiều nơi ở Champasak, tôi nhận ra, ở bất kỳ đâu, hễ cứ ra ngoài thành phố, thị trấn, lập tức lọt vào rừng nguyên sinh. Có thể nói ngay là tài nguyên rừng được người dân Lào bảo tồn rất tốt.
Từ biên giới đến TP Pakse, thủ phủ tỉnh Champasak đường dài khoảng 600km, nhưng chúng tôi đi chỉ quá một buổi là đến. Pakse nhỏ bé, hào hiệp nằm dọc bên bờ sông, tạo ấn tượng đầu tiên với chúng tôi bằng những tòa nhà, khách sạn đậm chất kiến trúc Pháp.
Hướng dẫn viên của đoàn chúng tôi là Phoukeo Chittanavanh, du học sinh năm thứ 4, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quy Nhơn. Là người Pakse “chính hiệu”, Phoukeo khá am hiểu về văn hóa, lịch sử quê hương mình. Phoukeo giải thích: “Pakse có nghĩa là “thành phố cửa sông” vì nằm trong sự bao bọc của hai con sông Sê Pôn và Mê Kông. Ở Pakse, có rất nhiều người Việt Nam sinh sống lâu đời với công việc chủ yếu là kinh doanh quán cà phê, nhà hàng. Có thể nói, cuộc sống ở Champasak sẽ minh chứng cho tình hữu nghị thắm thiết, thủy chung của người Lào và người Việt”. Quả thật, những ngày sau đó, chúng tôi có thể thoải mái đi ăn sáng, uống cà phê, vui chơi, mua sắm mà không cần biết tiếng bản xứ. Rất nhiều người dân địa phương có thể giao tiếp thoải mái với chúng tôi bằng tiếng Việt. Và phải nói rằng, họ rất thân thiện.
Anh Phoukeo (đi trước, mặc áo khoác sẫm màu) giới thiệu về đền Wat Phou.
Đất trời hùng vĩ
Từ Pakse, vượt 50km về phía Nam, đoàn chúng tôi đến tham quan Đền Wat Phou, di sản văn hóa thế giới thứ hai của Lào. Đền nằm gần biên giới Campuchia và Thái Lan, tọa lạc trên diện tích 15.000km2, được các vương triều Khmer xây dựng từ thế kỷ thứ V và kéo dài đến thế kỷ XIII.
Wat Phou, tiếng Lào có nghĩa là “chùa trên núi”. Anh Phoukeo giải thích: “Trước đây, ở Wat Phou có hàng trăm trụ linga, nhưng giờ chỉ còn vài chục trụ đứng dọc hai bên đường. Toàn bộ đền thờ, cung điện ở Wat Phou đang đứng trước nguy cơ hư hỏng nặng, nhiều bức tường của hai cung điện Bắc - Nam đã đổ xuống”. Theo chân Phoukeo, chúng tôi sải bước trên các lối đi lát đá, dưới bóng những cây sứ trắng cả trăm năm tuổi, và leo 77 bậc đá để lên đền chính. Tới nơi, ai cũng thấm mệt, nhưng đưa tay hứng một vốc “nước thánh”, theo cách gọi của người dân địa phương, từ một mạch ngầm trong vách đá chảy ra, uống mát lạnh, ai cũng thấy thoải mái đến lạ thường. Khách hành hương đến đây có thể mua những bó hương trầm được kết quanh bằng hoa sứ trắng, do người dân địa phương làm bán, để cầu nguyện, xin quẻ xăm may mắn.
Một kỳ quan thiên nhiên của Lào mà chúng tôi được khám phá, đó là thác Khone Phapheng, thác lớn nhất Đông Nam Á, nằm ở làng Thakho, huyện Muong Khong, cách TP Pakse khoảng 160 km. Khone Phapheng không cao nhưng đổ dài đến hơn 12km, nối hai bờ sông Mê Kông; nối tỉnh Champasak (Lào), bên này sông, với tỉnh Strung Treng (Campuchia), bên kia sông. Hai bên đường dẫn vào thác là hàng cây cổ thụ xanh mướt cao vút. Hiện nay, thác Khone Phapheng được đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế với khu resort, quầy lưu niệm, quán ăn, khu nghỉ ngơi, cắm trại và ngắm cảnh chụp hình lưu niệm… khá đẹp và hiện đại.
Những món ăn đặc trưng rau rừng, cá sông của người Lào.
Nước Lào, nơi dòng sống chảy chầm chậm
Ở Pakse, chúng tôi đi bộ dọc các con đường trong thành phố, khám phá, lắng nghe được nhiều điều. Đó là các ngôi chùa có mái uốn lượn, thếp vàng rực rỡ, được bao quanh bởi hàng trăm wats (tháp nhỏ chứa tro cốt người đã mất, được thân nhân gởi vào chùa), tạo thành những “hàng rào” với kiểu dáng đa dạng, trang trí nhiều màu sắc và kích thước khác nhau, rất độc đáo.
Đó là lối sống hiền hòa, chầm chậm của người dân Lào. Ấn tượng nhất là người dân nơi đây có ý thức chấp hành luật giao thông rất cao. Các phương tiện giao thông (chủ yếu là ô tô) lại đi với tốc độ chậm, người lái tự giác tuân thủ luật lệ, nhường đường và gần như không có tiếng còi xe, không có tình trạng người đi bộ, đi xe máy hay ô tô đột ngột đi tắt qua đường. Phương tiện giao thông công cộng ở Pakse chủ yếu là xe tuk tuk (một loại xe ba bánh có gắn động cơ) và pickup (xe bán tải) chứ không có xe ôm, còn taxi thì chỉ có vài chiếc của hãng xe Mai Linh - Champasak nhưng giá cước khá cao.
Hầu hết các công sở, cửa hàng ở Pakse đều mở cửa lúc 8 giờ và đến khoảng 16-17 giờ là khép lại một ngày làm việc.
Các nhà hàng, quán ăn mà chúng tôi vào đều có chung phong cách phục vụ từ tốn chậm rãi, dù khách có đông đến mấy vẫn cứ chu đáo, tươm tất. Và thực khách thì ăn, uống nhẹ nhàng, nói, cười vừa đủ, không hề ảnh hưởng đến các bàn xung quanh. Ở các cửa hàng, quầy lưu niệm, chợ…, cũng không có việc chủ tiệm mời chào ồn ào, khách thích gì thì ngắm, thoải mái xem hàng, không mua vẫn nhận được nụ cười của chủ.
Ẩm thực của người Lào có 3 vị chính là cay, chua, ngọt với rất nhiều món lạ. Riêng ớt có đến hàng chục món và cay nồng. Món mà nhiều người trong đoàn chúng tôi nghiện nhất là gỏi đu đủ. Đu đủ xanh bào trộn với mắm cá sông và rất nhiều ớt, cay đến xé lưỡi và đậm đà vị mắm rất đặc trưng của đất Lào. Các món ăn Lào khác như gà rán, sụn gà, cằm vịt chiên giòn với lá chanh, canh chua sườn gà, cá tằm, cá chẽm sông Mê Kông nướng cũng rất hấp dẫn. Và không thể không kể đến thứ cơm nếp thơm phức, những ly bia Lào hương vị dịu dàng…
Trong những ngày làm việc tại Paske, đến bất cứ nơi đâu, chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp trọng thị và chân tình khiến mọi người trong đoàn đều xúc động. Sau những điệu Lăm vông thắm tình hữu nghị, hòa trong lời ca: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…” chúng tôi bịn rịn rời Paske trở về Bình Định.
Ấn tượng trong tôi về Champasak chính là tính cách hồn nhiên, chân chất, thân thiện của người dân nơi đây. Dù Champasak là tỉnh lớn thứ hai của Lào, chỉ sau thủ đô Viêng Chăn, thì từ việc mua bán, kinh doanh đến hành chính và cả lễ hội, dường như đều rất thong thả, an nhiên.
HẢI YẾN