Viễn Trình - tháp tùng chiếc lá hồi hương
“Chiếc lá hồi hương” (NXB Hội nhà văn, quý IV-2015) là tập thơ thứ hai của tác giả trẻ Viễn Trình. Tập thơ gồm 66 bài, được sáng tác trong gần mười năm trở lại đây.
Có thể thấy, theo thời gian, thơ Viễn Trình đang dần vào độ chín của cảm xúc, sự nhuần nhuyễn trong cách sử dụng thể thơ và biểu đạt. Đó là tín hiệu đáng mừng cho tác giả và phong trào sáng tác văn nghệ tỉnh nhà.
Nét nổi bật ở ngòi bút Viễn Trình (hiện đang công tác ở Hội VHNT tỉnh) là cảm hứng “trở về”, “hồi hương”. Cảm hứng này thể hiện ở cả hai phương diện nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Về nội dung, đó là những trạng thái cảm xúc mang màu sắc hoài vọng, thương nhớ chốn quê nhà với biết bao kỷ niệm buồn vui của một thời thơ dại. Anh nhớ “thương cây ổi nếp sau nhà”, nhớ “nụ cười hoa cải”, nhớ đồng làng “đất thở ấm cuộc tình rơm rạ” và nhiều hình ảnh, sự việc khác.
Tập thơ “Chiếc lá hồi hương”.
Lớn lên ở làng, lập nghiệp ở phố, nhưng không như nhiều người trẻ tuổi khác, Viễn Trình ít khi để thơ ca chạm vào góc phố hay quán cà phê để nỉ non khúc tình yêu nam nữ vốn rất phổ biến trong văn chương hiện nay. Anh trở về với làng, về với những gì dung dị nhất của cuộc sống quê nhà, và hát ca bằng ngôn từ của một thi sĩ thảo dân, chân thành và bộc trực: “Đi trong khô khốc ruộng cày. Dấu chân còn lấm thấm ngày gặp nhau. Gạo vo thành tiếng cơ cầu. Chìm trong cạn cạn sâu sâu đời mình” (Gạo vo thành tiếng cơ cầu). “Muối thời gian mặn trong hồn. Gừng pha kỷ niệm mắt còn cay cay. Em về đấy, em nào hay. Đường quê hương nhặt gió đầy tay mơ” (Mùa xuân nghĩ cạnh dòng thơ).
Những câu, đoạn thơ như trên có khá nhiều trong thi tập, góp phần làm nên vẻ riêng cho “Chiếc lá hồi hương”. Tác giả Viễn Trình có thế mạnh về thơ lục bát. Sự hứng thú và chuyên chú đã đem đến cho “Chiếc lá hồi hương” một số lượng lớn bài thơ lục bát: 33/66 bài, chiếm tỉ lệ 50%. Chính là từ những bài lục bát đó, người đọc thỉnh thoảng bắt gặp những câu thơ phóng khoáng, chạm nét tài hoa. Tôi muốn nói đến những câu thơ như: “Rau xanh trộn với sương trời. Bát cơm ấm giữ tình người nước Nam” (Bát cơm ấm giữ tình người). “Những đêm ngồi khóc nai vàng. Suối ngơ ngác cạn không tàn trăng phai” (Người từ sơn cước). “Tiếng chim giã bạn ngọt ngào. Ngược đường ríu rít va vào rạng đông” (Mặc khải).
Lục bát của Viễn Trình, cố nhiên, gợi cho người đọc nghĩ đến lục bát của một vài thi sĩ Bình Định khác, trong đó có thân phụ anh là Khổng Vĩnh Nguyên. Đó là điều tất yếu của hoạt động sáng tạo. Những người viết trẻ thường chấp nhận “tiếp sóng”, học tập người đi trước để trưởng thành. Cá nhân tôi tin rằng, Viễn Trình có nội lực, rồi đây sẽ đạt được sự vượt thoát cần thiết để khẳng định mạnh mẽ hơn bản sắc ngòi bút của mình. Tôi cũng mong anh tiếp tục đi trên con đường thơ lục bát nhằm kiến tạo thành tựu sáng tác của bản thân, đồng thời góp phần vào việc nối dài sức sống thể thơ dân tộc này.
Mong muốn nữa là anh, cũng như một số cây bút trẻ khác, tiếp tục mở rộng biên độ thơ ca, hướng cảm xúc về phía đời sống lao động, tìm kiếm và tôn vinh những vẻ đẹp nảy sinh từ đó. Làm được điều này, thơ anh chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm của một lực lượng công chúng rộng rãi hơn.
LÊ NHẬT KÝ