Quy định mới về tổ chức lễ hội
Bộ VH-TT&DL vừa ban hành Thông tư số 15 Quy định về tổ chức lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 5.2.2016. Triển khai thực hiện tốt Thông tư số 15 là vấn đề đặt ra đối với việc tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Thông tư số 15 của Bộ VH-TT&DL bao gồm 3 chương 16 điều, quy định cụ thể về cấp giấy phép tổ chức lễ hội; lập ban tổ chức; chế độ báo cáo tổ chức; thực hiện nếp sống văn minh; tổ chức hoạt động dịch vụ trong khu vực lễ hội; quản lý, thu, chi tiền công đức, tài trợ; tuyên truyền; đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông trong lễ hội.
Quy định như thế nào
Theo Thông tư số 15, việc tổ chức lễ hội phải đáp ứng những yêu cầu về nội dung: Nghi lễ được tiến hành trang trọng trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không phù hợp. Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất của lễ hội; khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống. Không tổ chức các lễ hội kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác. Không tổ chức các lễ hội mê tín dị đoan, gây tác động xấu đến nhận thức (điều 4, chương I).
Thông tư số 15 khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian trong lễ hội .
- Trong ảnh: Du khách tham dự Lễ hội Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: VĂN LƯU
Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Thông tư 15 quy định các tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoặc tham gia phải có trách nhiệm: Thực hiện đúng nội quy, quy định của Ban tổ chức; tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu đặt đúng nơi quy định; không ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ, cài tiền lên tay tượng, tay Phật và thực hiện các hành vi phản cảm khác. Trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; không nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng xấu đến không khí trang nghiêm của lễ hội (điều 8, chương I).
Thông tư 15 cũng quy định cụ thể về tổ chức các hoạt động dịch vụ trong khu vực lễ hội. Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng quán, nhà hàng, khách sạn, bến bãi phục vụ người tham gia lễ hội phải bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích, không cản trở giao thông trong khu vực lễ hội. Niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá; không bày bán các đồ chơi có tính chất bạo lực (điều 9, chương I).
Việc tổ chức lễ hội phải thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định (điều 7, chương I). Trước ngày tổ chức lễ hội ít nhất 30 ngày làm việc, cơ quan tổ chức lễ hội gửi báo cáo bằng văn bản trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đối với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc lễ hội, Ban tổ chức lễ hội có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về kết quả công tác chỉ đạo điều hành; đánh giá ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân… tới các cơ quan có thẩm quyền.
Cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả
Hội thảo về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 308/2005 của Thủ tướng Chính phủ, được Sở VH-TT&DL tổ chức vào tháng 6.2015, đã nêu ra thực trạng: khá nhiều lễ hội dân gian trên địa bàn tỉnh chưa phát huy được hết chức năng giáo dục, ý thức bảo tồn di sản. Trong các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội ở khu vực đô thị có sự giản lược những phong tục hay, mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp. Một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn có biểu hiện xa rời tính truyền thống. Đặc biệt, lễ hội đâm trâu của đồng bào Ba na còn mang nặng tín ngưỡng, chưa thể hiện được tính nhân văn trong cộng đồng…
Về việc này, cần nhìn lại lễ hội đâm trâu đã trở thành truyền thống của đồng bào dân tộc Ba na ở huyện Vĩnh Thạnh. Đầu tháng 1.2016, tại làng văn hóa M9 (xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh) đã tổ chức lễ hội đâm trâu nhân khánh thành nhà rông. Trong khi đó, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà văn hóa, cơ quan quản lý, cơ quan thông tấn báo chí... đã thống nhất quan điểm những tập tục trong lễ hội còn chứa đựng yếu tố phản cảm gây bức xúc dư luận, phải xem xét, đánh giá lại để điều chỉnh cho phù hợp.
Sắp đến, từ đầu tháng Giêng đến tháng Hai âm lịch là mùa lễ hội vui xuân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những mặt tích cực, những tồn tại trong việc tổ chức một số lễ hội trong dịp Tết Ất Mùi năm 2015 cũng cần phải nhắc lại như hình thức tổ chức thiếu đa dạng; tăng giá khách sạn, giữ xe; lấn chiếm lòng đường, môi trường vệ sinh chưa bảo đảm…Vì vậy, UBND tỉnh cần nhanh chóng chỉ đạo Sở VH-TT&DL, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện và hướng dẫn việc triển khai thực hiện Thông tư 15 trên địa bàn nghiêm túc và hiệu quả.
HOÀI THU