Tôn vinh cần kịp thời
Mới đây, khi nhận điện thoại của một võ sư hỏi thăm kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) đã có chưa, tôi không khỏi bất ngờ, bởi kết quả này đã được công bố từ giữa tháng 11.2015 (tại hai Quyết định số 2533, 2534 do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký ngày 13.11.2015 về việc phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước NNƯT). Sau đó không lâu, nhiều địa phương trong cả nước có nghệ nhân đạt danh hiệu, đã tổ chức ngay những buổi lễ trao tặng danh hiệu.
Còn ở Bình Định, gần 2 tháng sau khi có kết quả, người võ sư nọ - 1 trong 18 NNƯT của Bình Định - cho biết mình vẫn chưa được “báo tin vui”. Có chút “an ủi” là ông không phải là trường hợp duy nhất, bởi khi hỏi thăm các nghệ nhân bài chòi dân gian, diễn viên tuồng không chuyên…, cũng người biết người không. Điều đáng nói, người biết thì từ nguồn tin “không chính thống” (bạn bè, gia đình qua nghe đài, xem tivi, đọc báo… ) thông báo cho, hay giữa những nghệ nhân tham gia xét tặng truyền tin kết quả cho nhau. Các NNƯT xác nhận chưa nhận được thông tin về kết quả một cách chính thức, trực tiếp bằng văn bản hay điện thoại từ Sở VH-TT&DL, “đầu mối” tiếp nhận hồ sơ xét tặng và là cơ quan có nhiệm vụ thực hiện xét tặng ở hội đồng cấp cơ sở.
Thiết nghĩ, cần sớm tiến hành trao tặng danh hiệu trên cho 18 NNƯT của Bình Định (trong đó, lưu ý hình thức truy tặng đối với trường hợp NNƯT Công Lễ đã mất) nhằm thể hiện sự tôn vinh kịp thời đối với những nghệ nhân đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể; bởi sự kiện đến thời điểm này đã là hơi “nguội”. Hoặc, chí ít thì 18 NNƯT cũng phải được thông báo một cách chính thức, tránh trường hợp những lão nghệ nhân, nghệ nhân là người dân tộc thiểu số vốn ít có điều kiện tiếp cận thông tin hơn, lại băn khoăn, ngóng trông kết quả hay điện, nhắn hỏi thăm như vừa xảy ra…
KHẢI THƯ