TẠP BÚT
Mưa ngày ấy…
Mùa mưa lại về… Những con đường nhỏ vắng bóng người. Mưa cứ rả rích, triền miên mãi không ngớt. Từ mái hiên qua khung cửa sắt, tôi ngồi ngắm ngày mưa của thành phố. Những cơn mưa kéo dài theo từng đợt, cuộn tròn những bọt nước cuốn đi những rác rưởi của ngày dài. Tiếng mưa của thành phố khác hẳn tiếng mưa quê tôi. Quê tôi mùa nước lên nghe như ầm ầm thác đổ, tiếng mưa vang dậy cả đất trời.
Mỗi lần mưa đến, anh em tôi phải “sống chung với mưa”. Đó là điều mà tôi rất sợ. Mưa đổ xối xả kèm theo những cơn gió giật mạnh. Gian nhà trống với những tàu lá dừa che tạm bợ vì bức tường phía sau nhà trong một trận gió đã ngã sập. Mái tôn thủng nhiều lỗ vì rỉ sét, không thể nào chắn nổi dòng nước mưa. Mưa về, má phải đội nón trong nhà để nấu ăn. “Ông táo” thì lúc nào cũng tắm mưa vì gian bếp chẳng còn chổ nào để ông trú ngụ. Có những hôm trời mưa to gió lớn, gian nhà tôn phủ mái dừa ngập nước, mẹ tôi phải bê bếp lò lên gian trên để nấu.
Mưa về anh em tôi như con chim non lạc tổ. Ở trong nhà mà như ở ngoài trời, trên đầu không trùm chiếc nón rách thì cũng là cái bị ni-lông để cho đầu khỏi ướt vì nước mưa. Có hôm mưa to đến nỗi giấc mơ đẹp đang chìm vào đêm khuya bỗng tan biến, khi một làn nước đổ ào lên người. Rồi đêm đó sẽ là một đêm thức trắng vì mọi thứ đã hòa cùng với nước mưa...
Cứ thế anh em tôi lớn lên cùng mưa. Mưa để lại bao nỗi lo âu cùng với những kỉ niệm. Thế đấy, mười lăm năm trời mỗi khi mưa về, chúng tôi ăn cơm cùng mưa, hát với mưa, ngủ với mưa... Nhiều lúc tôi thầm ao ước sau này có được một chỗ ngủ khô ráo là đủ rồi. Giấc mơ tuổi thơ cứ theo tôi mãi từ ngày này qua tháng nọ. Hết mùa mưa thì ước mơ ấy cũng bị thời gian cuốn trôi đi...
Một cái vỗ vai của đứa bạn trọ cùng phòng làm tôi giật mình: “Mày làm gì mà ngồi nhìn mưa kĩ thế?”. Tôi bất giác trả lời: “Không có gì!”... Nhưng sao vẫn còn đọng lại những giọt mưa hoài nhớ trong lòng của người con xa quê.
LÊ THỊ CẨM TÚ