Một công trình nghiên cứu quy mô, giá trị về tục ngữ Việt
Đó là cuốn sách “Cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của tục ngữ Việt” của TS. Nguyễn Quý Thành (giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn), vừa được NXB Khoa học xã hội ấn hành, gồm hai tập với cả ngàn trang.
Cuốn sách “Cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của tục ngữ Việt” của TS. Nguyễn Quý Thành
Năm 2012, công trình này đã giành giải A giải thưởng hàng năm của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Đến nay, công trình tiếp tục được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam lựa chọn xuất bản trong Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hoá, văn nghệ dân gian Việt Nam giai đoạn 2013-2017..
Ở dạng sách, công trình được bố trí thành hai quyển, với tổng cộng gần 1.000 trang, thể hiện hai nội dung cơ bản là khảo cứu và mô tả bức tranh tục ngữ Việt, có so sánh với tục ngữ một số dân tộc khác trên thế giới.
Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu về tục ngữ Việt vốn diễn ra từ rất sớm và khá thường xuyên, với sự tham gia của nhiều người, dựa trên nhiều lí thuyết khác nhau. Tác giả Nguyễn Quý Thành chọn hướng tiếp cận tục ngữ Việt từ góc độ văn hóa - ngôn ngữ học. Đó là hướng tiếp cận mới, cho phép người nghiên cứu vừa làm rõ được cấu trúc cú pháp của thể loại, vừa soi chiếu lớp văn hoá ẩn tàng qua từng đơn vị tục ngữ cụ thể.
Công trình “Cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của tục ngữ Việt” được Nguyễn Quý Thành thực hiện trong một thời gian dài. Trước khi đưa in thành sách, công trình đã được công bố dưới nhiều hình thức khác nhau, được nhiều chuyên gia thẩm định, góp ý. Vì thế, những kết luận của công trình có độ xác tín cao, rất đáng tham khảo và sử dụng.
Theo tác giả, “tục ngữ là một dạng đặc ngữ phản ánh khá rõ nét những đặc trưng của ngôn ngữ và văn hoá dân tộc”. Theo đó, tục ngữ Việt đã phản ánh một cách sinh động quan niệm thẩm mĩ, triết lí ứng xử và đặc điểm đời sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Chẳng hạn, hình ảnh con trâu xuất hiện phổ biến trong tục ngữ Việt, trong khi đó nó gần như vắng bóng trong các nền văn hoá Âu châu. Tương tự, tục ngữ Việt có nhiều từ ngữ biểu trưng liên quan tới Phật giáo, chứng tỏ tôn giáo này có vị trí quan trọng trong tâm linh người Việt…
Công trình “Cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của tục ngữ Việt” còn có giá trị lớn về mặt tư liệu. Điều này thể hiện trong phần II “Sưu tập tục ngữ Việt”, trải dài từ nửa sau quyển 1 (bắt đầu từ trang 269) cho đến hết quyển 2. Từ 16.098 đơn vị sưu tầm được, tác giả tiến hành quy hoạch bức tranh tục ngữ theo hai tiêu chí “cấu trúc - ngữ nghĩa” và “mệnh đề lôgic - ngữ nghĩa”. Công trình cũng dành một phần thích đáng giới thiệu, so sánh tục ngữ Việt với tục ngữ Hán, Anh, Đức, Nga theo mệnh đề lôgic - ngữ nghĩa. Cách làm này khiến việc mô tả không dừng lại ở mức độ mô tả thuần tuý mà thực sự cũng là một kết quả nghiên cứu đầy công phu, có giá trị soi sáng cho những nhận định được nêu ra ở phần I.
Vào những tháng cuối cùng của năm 2015, nhiều cuốn sách của hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định được xuất bản. Cuốn “Cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của tục ngữ Việt” của Nguyễn Quý Thành nằm trong số đó. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn chút là cuốn sách này thuộc thể loại nghiên cứu - một lĩnh vực chưa có nhiều thành tựu ở tỉnh ta. Đặt trong bối cảnh chung đó, cuốn sách càng đáng được trân trọng.
LÊ NHẬT KÝ