Bình Định với chữ quốc ngữ
Nhằm ghi dấu và bảo tồn những di sản lịch sử này cũng như phát triển vì sự nghiệp phát triển Tiếng Việt, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ” ngày 12-13.1.2016 tại TP Quy Nhơn với sự tham dự 150 đại biểu.
Đất võ Tây Sơn đã sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt như: Quang Trung Nguyễn Huệ, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, hậu tổ Tuồng Đào Tấn... lừng danh nước Việt trời Nam, nơi có rượu Bầu Đá và nhiều đặc sản... lại là một địa danh có công với sự phát triển chữ Quốc ngữ. Khởi từ giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes đã Latin hoá Tiếng Việt giữa thế kỷ 17 với mục đích truyền phổ đạo Thiên Chúa, chữ Quốc ngữ được định chế từ thế kỷ 19 với công trình từ điển của Giám mục Bá Đa Lộc, đã giúp Việt Nam, một nước thuộc địa nghèo nàn lạc hậu rút bớt khoảng cách, tốc độ trong việc tiếp cận những nền tri thức văn minh của thế giới. Bình Định chẳng hổ danh “đất võ trời văn” có dấu ấn và đóng góp cho tiến trình phát triển chữ Quốc ngữ. Tại huyện Tuy Phước, Tiểu chủng viện Làng Sông, một công trình kiến trúc Pháp vẫn còn đến ngày nay, vẫn lưu giữ một trong những nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Nhằm ghi dấu và bảo tồn những di sản lịch sử này cũng như phát triển vì sự nghiệp phát triển Tiếng Việt, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ” ngày 12-13.1.2016 tại TP Quy Nhơn với sự tham dự 150 đại biểu từ các thành phố lớn của cả nước về dự, gồm các học giả, nhà khoa học, nhà nghiên cứu.
Những năm gần đây Bình Định nổi tiếng với việc thu hút nhân tài, biệt đãi tài năng, là điểm thu hút trí thức lớn ở miền Trung. GS. TS. Vật lý Trần Thanh Vân (quê Quảng Bình) và vợ là GS. Lê Kim Ngọc, Việt kiều Pháp đã vì thịnh tình rộng mở và tư duy táo bạo của lãnh đạo tỉnh Bình Định mà xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) - tổ hợp các công trình kiến trúc theo phong cách Pháp, trải rộng trên diện tích 20 ha, gồm: trung tâm hội nghị, khách sạn, nhà hàng, nhà chiếu hình vũ trụ....
Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ” là một ấn tượng bất ngờ, một khẳng định hấp dẫn cho giới nghiên cứu và những ai quan tâm đến Tiếng Việt trong và ngoài nước.
Đại biểu trẻ nhất được mời dự hội thảo này là nhà thơ Vi Thuỳ Linh, một người rất tâm huyết với việc gìn giữ và làm giàu Tiếng Việt.
Theo Gia Huy (VNN)