Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ”
Sáng 13.1, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam… tổ chức Hội thảo khoa học “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ”.
Hội thảo được tổ chức nhằm hướng đến mục đích khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học tiến trình hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ, trong đó có vai trò quan trọng của đất và người Bình Định - nơi phôi thai, điểm khởi nguyên hình thành chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu và phát triển, phổ biến chữ Quốc ngữ ở các giai đoạn tiếp theo.
Đài tưởng niệm 3 linh mục dòng Tên: Cristophoro Borri, Francesco Buzomi (người Ý), Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha) đặt tại nhà ông Võ Cự Anh - ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.
Hoàng Phạm (thực hiện)
Phối hợp chuẩn bị tốt cho Hội thảo
Để có sự phối hợp chuẩn bị tốt, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã quyết định thành lập Ban tổ chức Hội thảo gồm 17 thành viên là lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, hội ở tỉnh và Trung ương, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải và GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cùng đồng Trưởng Ban. Đồng thời UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch tổ chức Hội thảo, giao Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
Nằm trong các hoạt động hưởng ứng Hội thảo “Bình Ðịnh với chữ Quốc ngữ”, chiều 12.1, Sở VH-TT&DL đã tổ chức đưa đại biểu tham quan những địa điểm ở đô thị Nước Mặn ngày xưa, Tiểu chủng viện Làng Sông ở huyện Tuy Phước và một số di tích lịch sử - văn hóa khác. Ngoài ra, còn tổ chức trưng bày, triển lãm hình ảnh, tư liệu, sách báo liên quan đến quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ tại địa điểm tổ chức Hội thảo là khách sạn Hải Âu, TP Quy Nhơn.
Từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, Sở VH-TT&DL - cơ quan thường trực Ban tổ chức Hội thảo đã có thư mời viết tham luận đến nhiều nhà nghiên cứu có uy tín trong nước. Qua đó, đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của 67 tác giả gửi 72 tham luận cho Ban tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Thành viên Ban nội dung của Hội thảo gồm có: Nhà Sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Công Đức, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Hạnh, Phó Tổng biên tập tạp chí Xưa và Nay; ông Võ Văn Bình, Phó Trưởng ban Ban tuyên giáo Tỉnh ủy. Các tham luận đã được chuyển sớm cho các thành viên Ban nội dung và các đơn vị liên quan để có thể chuẩn bị thiết kế chương trình, chọn các tham luận báo cáo, cũng như biên soạn đề dẫn, định hướng thảo luận và tổng kết Hội thảo”.
Những ngày qua, các thành viên Ban tổ chức Hội thảo đã cùng chung niềm phấn khởi chờ đón các tác giả về dự và trình bày tham luận Hội thảo. Trong đó, có hơn 20 Giáo sư và Phó Giáo sư thuộc hai ngành lịch sử và ngôn ngữ đến từ các Viện nghiên cứu và các trường Đại học ở Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Quy Nhơn; Hội Sử học Đồng Tháp, Hội Sử học Bình Định… cùng các nhà nghiên cứu ở Quảng Nam, Nha Trang. Trong số này, có có 5 tác giả thuộc Giáo hội Thiên Chúa giáo, đó là các linh mục, giáo sư ở Đại học Santa Clara (Hoa Kỳ).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân (người mặt áo vest và đội mũ) đã nhiều lần đưa các đoàn, nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước đến những địa điểm liên quan đến việc phôi thai, hình thành chữ Quốc ngữ ở Nước Mặn ngày xưa.
Tham luận có chất lượng và vượt số lượng dự kiến
72 tham luận của các tác giả đã bám sát nội dung yêu cầu của Hội thảo. Trong đó, có 26 tham luận về “Quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 22 tham luận về “Sự đóng góp của Bình Định vào tiến trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ”, 24 tham luận về “Chữ Quốc ngữ với sự phát triển nền văn hóa dân tộc”.
Được biết, sau khi thẩm định nội dung các tham luận, Ban tổ chức Hội thảo đã đánh giá hầu hết đều đảm bảo chất lượng và vượt số lượng dự kiến ban đầu, đáp ứng mục đích yêu cầu của Hội thảo đặt ra: làm sáng tỏ những đóng góp của Bình Định trong giai đoạn đầu sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ (1618-1622), cũng như các giai đoạn tiếp theo phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Đặc biệt, những bài viết về lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ đều có điểm chung xác định: “Nước Mặn - Bình Định là nơi phôi thai, khởi nguồn chữ Quốc ngữ”.
Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Định Nguyễn Xuân Nhân (85 tuổi) là một trong những người rất quan tâm đến Hội thảo. Bởi trong công trình sưu tầm, nghiên cứu “Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền” (đã xuất bản, được tặng giải A Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ IV), ông đã dành một phần nội dung quan trọng để đưa ra những nghiên cứu, nhìn nhận về “Nước Mặn - nơi góp phần La tinh hóa tiếng Việt và sáng chế ra chữ Quốc ngữ”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân tâm sự: “Khi tôi thực hiện công trình sưu tầm, nghiên cứu, thì Giáo sư Trần Quốc Vượng đã hai lần đến Nước Mặn để thẩm định. Ông đã dặn tôi phải cố gắng bảo vệ cho được công trình nghiên cứu về việc khởi đầu sáng chế ra chữ Quốc ngữ để viết kinh giảng đạo và giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài đến sau ở Nước Mặn. Từ rất lâu, tôi đã mong muốn có hội thảo về chữ Quốc ngữ được tổ chức để khẳng định đóng góp quan trọng của Nước Mặn- Bình Định. Vì vậy, sẽ trình bày những nghiên cứu, ý kiến tâm huyết tại Hội thảo khoa học “Bình Định với chữ Quốc ngữ”.
Năm 1618 linh mục dòng Tên Cristoforo Borri đến Ðàng Trong. Sau đó phần lớn thời gian ông lưu lại tại Nước Mặn (nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh) trước khi sang Macao vào năm 1622. Trong thời gian truyền giáo tại Nước Mặn, ông cùng 2 linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina, viết tác phẩm “Tường trình về Khu Truyền giáo Ðàng Trong” bằng tiếng Ý, đây là tài liệu in đầu tiên có một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai.
HOÀI THU