Khiêm nhường Mai Hoa Thung
Xuôi Nam theo QL 1D, đến cây số 12, đoạn thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, khi vừa qua một con dốc thoải, trước mắt bạn là cầu Dốc Mít, hãy rẽ sang bên trái, đi theo lối mòn chừng dăm chục mét nữa thôi, bạn đã vào đến Mai Hoa Thung.
Khá nhiều người khi mới nghe giới thiệu đã nghĩ rằng đó là một nơi luyện võ. Nhầm như vậy cũng dễ hiểu vì “Mai hoa thung pháp” là một phép luyện võ trên cọc gỗ xếp theo đồ hình hoa mai - một công phu tập luyện võ thuật nổi tiếng. Nhưng anh Trần Hoàng, chủ nhân vườn hoa giải thích, “Mai Hoa Thung” có nghĩa “thung lũng hoa mai”. Luyện mai chứ không phải luyện võ! Rồi nửa đùa nửa thật anh mỉm cười, nhưng mức công phu thì không kém gì nhau đâu.
Từ quãng tháng 11 âm lịch nhiều người đã đến Mai Hoa Thung để tham quan và chọn trước những chậu mai vừa ý.
Luyện mai - chuyên cần và sáng tạo
Theo anh thăm vườn mai bonsai gần 500 chậu lớn nhỏ khác nhau, nghe anh nói về việc uốn sửa, nuôi dưỡng cây mai, tôi tin gọi “luyện mai” cũng không có gì là quá.
Nghe tôi hỏi về bí quyết, anh Trần Hoàng cười lớn: “Mình nghĩ, trong nghề trồng mai đến giờ có thể nói không còn thứ gì đáng gọi là bí quyết cả. Tất cả đều đã được tổng kết và phổ biến, rộng rãi. Chỉ cần đăng nhập vào internet và tìm kiếm, có cả tỉ trang tài liệu hướng dẫn cặn kẽ như cầm tay chỉ việc vậy. Tôi, thậm chí còn học được rất nhiều điều từ các chương trình dành cho nhà nông trên ti-vi đấy thôi.
Người hâm mộ mai xuân ở xứ mình ngày càng nhiều. Bình Định đang nổi danh là xứ mai. Có cả làng nghề trồng mai ở An Nhơn. Nghệ nhân trồng mai, chăm mai rất đông. Tạm có thể chia làm hai nhóm - mai trang trí và bonsai. Nhóm đầu chuyên cho ra đời những chậu mai xuân trang trí, dấu hiệu nhận diện cơ bản là dáng thế tương đối giống nhau, sử dụng cọc tre, lạt tre, sợi duối, cọng lác để cắm, kéo cành mai khi uốn sửa chi. Người chăm mai theo nhóm bonsai sẽ cho ra những tác phẩm cá biệt, chủ yếu sử dụng dây nhôm, đồng nhiều cỡ khi uốn tạo dáng cho cây.
Đưa tôi đi thăm vườn mai của mình, giới thiệu những cây đặc sắc, độc đáo, anh Hoàng vui vẻ cho biết: “Mỗi người làm cây, chơi cây thường có thị hiếu thẩm mỹ riêng; không ai giống ai, tùy vào đế, rễ mà mình phóng tác ra những tác phẩm riêng biệt. Riêng tôi, trước tiên tôi chú ý đến đặc điểm sinh lý của từng cây, từng nhóm cây, tôi buộc mình phải hiểu đúng thể trạng, sức khỏe của nó để có cách chăm sóc chính xác”.
Khác xa với sự hình dung ban đầu của tôi về anh, anh khá gần gũi và cởi mở giải đáp mọi thắc mắc, cũng như bí quyết từng công đoạn để cho ra một sản phẩm ưng ý. Theo anh Hoàng, tỉ như khi cây thiếu nước, sốc phân hoặc mắc phải chứng bệnh nào đó, tất cả các triệu chứng đều thể hiện lên mặt lá. Chỉ cần chịu khó quan sát, ghi nhớ chừng vài năm là có thể làm chủ được việc phòng bệnh cho cây. Điều quan trọng nhất khi chăm mai là phải thật sự chuyên cần, chăm sóc cây hoa hợp lý, định kỳ và theo mùa. Nhất là trong mùa mưa vì đây là thời kỳ cây dễ mắc chứng chết nhanh, chết chậm do tuyến trùng và vi khuẩn xâm nhập.
“Cho nên cũng như luyện võ, mình luyện mai cũng có biến chiêu. Một chiêu có thể biến thành nhiều thức. Khi kết hợp các biến chiêu sẽ có vô số chiêu thức. Muốn cây hoa có dáng thế phù hợp, độc đáo trước tiên mình phải suy nghĩ thật nhiều và phải giàu sự sáng tạo”
“Muốn tăng tiến trong nghề, cốt yếu là phải chăm chỉ, miệt mài. Đủ siêng năng, chăm chỉ là đi được nửa đường. Chịu khó học hỏi và sáng tạo thì thành công từ từ sẽ đến”. Sự lý này nghe giản dị mà thâm hậu biết bao! Ngắm cái cách anh đưa tay vuốt vuốt chiếc lá xanh tôi tin điều anh nói không phải là ngoa ngôn, không phải là văn vẻ làm điệu - Khi tưới nước hoặc bón phân cho cây, chỉ cần bạn lắng nghe một chút, bạn sẽ cảm nhận, sẽ cộng hưởng được với cây hoa, đời hoa.
Trồng và chăm sóc cây mai để chính mình chơi khá đơn giản. Cây của mình, đẹp xấu ra sao là tùy ở mình, cứ thích là được. Nhưng làm mai để cung ứng ra thị trường thì không tùy hứng như vậy. Cũng là các kiểu dáng thế: trực, đổ, bay… nhưng với từng cây lại có nhiều biến thể khác nhau.
Anh Hoàng cười cười pha trò: Lúc nãy mình có nói luyện võ với luyện mai đó. Tỉ như mình có mấy chục cây mai có thể làm theo dáng “bay”, nhưng nếu cây nào cũng bay y khuôn như nhau, sẽ nhàm chán lắm. Khách hàng họ đến vườn mai của mình sẽ ngắm cái gì? Liệu họ về rồi có quay lại lần nào nữa không? Bonsai mà chậu này cũng na ná chậu kia làm sao tiêu thụ cho hết. Và như thế sao có thể gọi là tác phẩm, bonsai? Cho nên cũng như luyện võ, mình luyện mai cũng có biến chiêu. Một chiêu có thể biến thành nhiều thức. Khi kết hợp các biến chiêu sẽ có vô số chiêu thức. Muốn cây hoa có dáng thế phù hợp, độc đáo trước tiên mình phải suy nghĩ thật nhiều và phải giàu sự sáng tạo. Tất cả những người luyện mai bonsai thành công đều giàu sức sáng tạo. Càng phong phú thì khả năng chinh phục người tiêu dùng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lại càng cao.
Một gốc mai cỡ khủng được anh Trần Hoàng thu gọn lại, ghép giống mới để đào tạo thành một tác phẩm bonsai.
Cơ duyên và đời người, đời mai
Những người trồng mai tôi từng gặp đều thống nhất - Khi theo nghề mai, thoạt đầu ai cũng giống nhau. Nhưng khi có nhiều kinh nghiệm, tùy vào môi trường, điều kiện cụ thể, mỗi người lại đúc kết thành những quy tắc riêng trên cái nền chung.
Ông Lương Văn Trực (ở xã Cát Thắng, huyện Phù Cát) một bậc thầy trong nghề trồng mai, người nổi tiếng với khả năng thúc cho cây lớn nhanh, đế to, vững, kể: “Tôi đến vườn anh Hoàng nhiều lần, đã quan sát tất cả các công đoạn làm mai của anh ấy. Từ cách anh ấy cắt hạ những cây mai cao có khi đến hàng mét, mét rưỡi, thu gọn lại chỉ còn chừng vài tấc; đến cách anh ấy uốn sửa, rồi cách chăm bón, tưới tắm cho cây mai… Tất cả đều rất bài bản, khoa học và chỉn chu. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách anh ấy luyện ngón theo phong cách “3D”; cành mai của anh ấy thanh thoát, mịn và đều, ngắm ở chiều nào cũng thấy được nét uốn lượn, duyên dáng của chi, ngón. Một số người rất thích và thử học phong cách này của chủ nhân Mai Hoa Thung, nhưng nói thật là không dễ vì đây là năng khiếu cá nhân”.
Tôi nghĩ chúng ta không phải đại gia cây cảnh. Chúng ta chỉ là một nông dân giữa lòng thành phố, mưu sinh bằng linh cảm nghệ sĩ của một ngành nghề.
Giờ đây, Mai Hoa Thung đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của anh Trần Hoàng. Tại đây, tất thảy từ cắt tỉa, uốn sửa đến phun thuốc bón phân cho gần 500 chậu với diện tích 1.500m2 đều do một mình anh thực hiện. Liên tục, miệt mài suốt năm không ngơi nghỉ. “Tự tay làm thì mới vừa ý được. Vả lại, riết một hồi giờ thấy ở vườn lại dễ chịu hơn ở nhà. Tôi gọi cách chăm vườn mai của anh là “tình yêu”. Nhưng anh lại cười, bảo - Đừng nói quá vậy. Tình yêu gì đâu, nếu gọi thế thì ở Nhơn An, TX An Nhơn người ta yêu còn mãnh liệt hơn mình nhiều. Nhiều người trồng tới vài ba ngàn cây luôn, mỗi năm xuất bán có người thu được tiền tỉ đấy. Có người mang hoa vào Nam, ra Bắc để bán, chiều 30 chợ vãn mới lên xe về.
Được biết anh Trần Hoàng trước đây từng là thợ sửa chữa ti-vi lụi, ti-vi xì-cơn-hen số 1 ở Quy Nhơn, từng hành nghề xe khách đường dài. Xe bị tai nạn khiến anh phải... “trở về mái nhà xưa” và mưu sinh trong lĩnh vực vốn chỉ là thú vui một thời! Đến tuổi “nhi nhĩ thuận” này, có lẽ anh sẽ ở lại với nghề trồng mai.
KIỀU ANH