Nơi trường cũng là nhà
Bên cạnh nhiệm vụ như mọi trường phổ thông khác, các trường phổ thông dân tộc nội trú trong tỉnh còn thay mặt gia đình để nuôi dưỡng học sinh trong suốt quá trình học tập tại trường. Thực hiện vai trò “2 trong 1” ấy các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên như người cha người mẹ thứ hai của các em.
Toàn tỉnh có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), bao gồm Trường PTDTNT tỉnh tiếp nhận học sinh THPT và 4 trường ở các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân chăm sóc, nuôi dạy học sinh cấp THCS. Tùy vào đối tượng học sinh, điều kiện thực tế, mỗi trường có những giải pháp sáng tạo, hiệu quả giúp học sinh đi vào nề nếp, chuyên tâm học tập.
Học sinh Trường PTDTNT tỉnh chơi bóng chuyền trong sân trường.
Trường cũng là nhà
Năm nay Đinh Văn Trải học lớp 12, cũng là năm thứ 3 cậu học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ ở làng Canh Lãnh (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) chuyển từ Trung tâm Bảo trợ xã hội An Nhơn đến học tập, ăn ở tại Trường PTDTNT tỉnh. Theo Trải, sự quan tâm, khích lệ của các thầy cô trong trường, đặc biệt tình yêu thương, gần gũi, am hiểu tâm lý học trò dân tộc của chú Tạo Anh (người phụ trách công tác quản lý nội trú của trường) là “sợi dây neo” giúp chàng trai vốn tính khí bốc đồng này bám trường bám lớp.
Làm sao để tạo ra môi trường sống tốt nhất để các em yên tâm nỗ lực học tập là điều mà mọi trường PTDTNT trong tỉnh đều trăn trở và ưu tiên hàng đầu. Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Nguyễn Văn Thật nhấn mạnh: “Phải am hiểu tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số nhất là các em ở lứa tuổi thanh thiếu niên, những biến động tâm lý, tình cảm khi di chuyển đến môi trường sống mới, các đặc điểm học sinh nội trú thì công tác quản lý nội trú mới đạt hiệu quả như mong muốn. Học sinh được quản lý, giáo dục sinh hoạt có nề nếp, ăn ở ổn định, đó chính là điều kiện tốt để công tác giảng dạy đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất”.
Công tác quản lý nội trú đạt hiệu quả giúp chất lượng đào tạo của Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh không ngừng nâng lên.
Mới nhìn qua, rất dễ nhầm Trường PTDTNT tỉnh là một doanh trại bộ đội. Giày, dép được xếp ngăn nắp trước cửa mỗi phòng nội trú, trên giường thì chăn, màn được xếp gọn gàng. Trường lên thời gian biểu sinh hoạt và học tập cho học sinh (căn cứ theo thời khóa biểu học tập chính khóa và phụ đạo), mọi giờ giấc và sinh hoạt thông qua tiếng kẻng. Nhưng, ẩn bên trong cách thức quản lý và lịch trình sinh hoạt bài bản chính xác, quy củ ấy, là rất nhiều tình cảm chan hòa, như một gia đình dưới mái nhà chung. Vì lẽ tất cả những đặc trưng của một gia đình đều có đủ ở đây, chuyện nửa đêm gà gáy học sinh đột ngột đau ốm phải nhập viện, người của trường túc trực tại bệnh viện nuôi bệnh, ân cần chăm sóc…đã trở thành chuyện bình thường.
“Phải am hiểu tâm lý của đồng bào dân tộc thiểu số nhất là các em ở lứa tuổi thanh thiếu niên, những biến động tâm lý, tình cảm khi di chuyển đến môi trường sống mới, các đặc điểm học sinh nội trú thì công tác quản lý nội trú mới đạt hiệu quả như mong muốn”
Thầy NGUYỄN VĂN THẬT - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh
Nhắc đến lần ốm gần đây nhất của mình, Đinh Thị Hiểm (lớp 11A3, Trường PTDTNT tỉnh) vẫn còn xúc động: “Trận sốt xuất huyết khiến em nằm li bì trên giường bệnh mấy ngày liền, nhưng hễ tan cơn sốt, mở mắt ra là thấy cô chủ nhiệm túc trực, nhỏ nhẹ, ép ăn cháo, nhắc uống thuốc. Thật sự em rất áy náy vì không thể hình dung cô đã tổ chức thời gian như thế nào để vừa đi dạy, vừa chăm sóc gia đình, vừa nuôi bệnh cho em. Trước đó, nghe tin em sốt, cô lập tức đến trường cùng chị phụ trách y tế đưa em vào viện, chính cô cho mượn tiền đóng tạm ứng viện phí. Mẹ em từ quê (xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) vào nghe kể lại vậy, bà rất xúc động nói rằng, gia đình lần lượt gửi cả 3 đứa con vào học ở đây và luôn yên tâm vì những tình cảm quý báu như thế”.
Bữa cơm trưa của học sinh Trường PTDTNT Vân Canh.
“Chìa khóa” mang tên tình thương
Được ông Nguyễn Văn Vĩnh, cán bộ quản lý học sinh Trường PTDTNT Vân Canh đồng ý, chúng tôi vào vai “trợ lý” để tìm hiểu công việc thường ngày của ông. 18 giờ, chúng tôi gặp nhau tại phòng trực ở cuối dãy hành lang dưới đất của khu nội trú. 19 giờ đến 21 giờ, học sinh đến phòng tự học, chúng tôi dạo quanh các phòng xem còn ai ở bên trong. 21 giờ, học sinh rời phòng tự học, bắt đầu giải trí. Một số em đến phòng xem tivi, số khác tụm năm tụm ba chuyện trò. Ông Vĩnh “quần đảo” khắp nơi, đặc biệt ở những góc tối để xem có “cặp” nào hẹn hò hay học sinh nào vượt rào ra ngoài trường. Đến 22 giờ, ông đánh kẻng báo hiệu đến giờ đi ngủ. Chúng tôi cùng ông đi điểm danh từng phòng một, ông phải dòm mặt từng học sinh để tin tất cả đều đã ở trong phòng.
16 năm trước, khi về trường nhận công tác, công cụ làm việc mà lãnh đạo nhà trường cấp cho ông Ngô Tạo Anh là một chiếc… roi điện. “Lúc ấy tôi thật sự bất ngờ vì đây là trường học cơ mà, đâu phải một trại lính! Tôi từ chối, kiên quyết không nhận công cụ trang bị cho công việc lẫn để tự vệ ấy. Vài tháng sau, tôi đã tận mắt chứng kiến học sinh của trường quậy, hung hăng như thế nào, nhưng tôi vẫn tin phương pháp quản lý của mình là đúng và phù hợp với đối tượng học sinh là người dân tộc”, ông Tạo Anh cho biết.
Buổi giao lưu giữa học sinh Trường PTDTNT tỉnh với các cựu học sinh thành đạt.
Với ông Tạo Anh, phương pháp quản lý ấy chỉ gói gọn trong 2 từ “dạy - dỗ”. Bằng tình thương đối với học sinh, ông không chỉ dạy mà nhiều khi còn phải dỗ dành, bảo ban, chăm sóc, gần gũi, lắng nghe.“Với học sinh dân tộc thiểu số, không nên nói nặng lời, cũng không nên làm lớn chuyện hay đưa ra tập thể, điều này dễ khiến các cháu tự ái, dẫn đến suy nghĩ và hành động tiêu cực. Phải chịu khó tìm hiểu về những khác biệt trong văn hóa, tập quán, suy nghĩ… của học sinh để có thể hiểu các cháu hơn. Bản thân mình cũng phải luôn bình tĩnh, nhẫn nại; kiên quyết hay mềm mỏng đúng đối tượng, đúng chuyện thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”, ông Tạo Anh bộc bạch.
“Trường PTDTNT tỉnh đã sáng tạo và áp dụng “mô hình đoàn huyện” để học sinh tự quản trong 5 năm qua. Mỗi đoàn huyện (gồm tất cả học sinh của huyện, cả 3 khối lớp 10, 11 và 12) có trưởng đoàn được nhận “chức vụ” nhờ vào sự tín nhiệm của trường và kết quả thống nhất bầu chọn của học sinh huyện đó. Trưởng đoàn giống như “già làng” của cộng đồng, địa phương, là “tổng đài 1080” tiếp nhận tâm tư của học sinh huyện nhà, đóng vai trò cầu nối giữa nhà trường với học sinh và ngược lại”.
Ở Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh, các đồng nghiệp cứ trêu thầy Nguyễn Tấn Rạng: Trường mới chính là nhà của thầy Rạng, bởi hàng tuần thầy chỉ có mặt ở nhà vào ngày Chủ nhật. Thầy đến trường dạy, trống tiết cũng ở lại trường để tiếp nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến học sinh nội trú. Còn ban đêm thì thầy thường trực từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. “Hàng xóm cứ trêu hoài, rằng tôi là cha ruột của học sinh nội trú, bởi các em đau ốm đêm hôm có tôi cận kề, còn con đẻ ở nhà ốm đau toàn nhờ bà con, hàng xóm giúp đỡ trước tiên”, thầy Rạng trải lòng.
Ở các trường huyện, cái khó dồn nhiều vào lứa học sinh lớp 6 mới vào trường. Quen sống theo ý thích, việc nắn chỉnh theo nề nếp, nội quy mất rất nhiều công sức. Thầy Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện An Lão Nguyễn Văn Chung cho biết: “Trước kia có một số nhóm học sinh lớn tuổi tụ tập hút thuốc, uống rượu rồi tổ chức đánh nhau. Chúng tôi đã tìm hiểu thật kỹ nội tình, phân loại các đối tượng để tìm cách thuyết phục, giáo dục phối kết hợp với các đoàn thể liên quan ra sức vận động, răn đe… Nhờ những can thiệp kịp thời, những năm gần đây đã chấm dứt hẳn chuyện mất an ninh trật tự trong trường, tạo niềm tin với phụ huynh khi gởi con vào học tập”.
Thay lời kết
Trong những cuộc chuyện trò với những người làm công tác quản lý học sinh dân tộc thiểu số ở nội trú, chúng tôi luôn cảm nhận được thật nhiều sự thương cảm và bao dung từ họ đối với những học sinh đang ở tuổi bồng bột của mình. Hỏi thầy Nguyễn Tấn Rạng có bao giờ thấy mệt mỏi vì thói trở chứng của học sinh, thầy cười hiền chia sẻ: “Từ huyện Tây Sơn lên Vĩnh Thạnh làm việc, đến giờ tôi vẫn kiên định và hài lòng khi đã thực hiện được mục tiêu đặt ra ngay từ đầu là phải luôn hết mình phục vụ học sinh miền núi…”.
Rất nhiều phụ huynh dân tộc thiểu số quanh năm bám rừng bám rẫy đã tin tưởng tuyệt đối vào sự chăm sóc, dạy dỗ của các nhà trường nội trú. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thật kể: “Nhiều năm mời phụ huynh xuống trường họp, chỉ lèo tèo vài người có mặt, tôi nghĩ ra cách mỗi năm 2 lần tổ chức cho cán bộ, giáo viên nhà trườn đi về 5 huyện có học sinh của Trường PTDTNT tỉnh và họp phụ huynh tại trường nội trú huyện. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa nhà trường và phụ huynh trong việc dạy dỗ các em…”.
NGỌC TÚ - SAO LY