Ngổn ngang Nhơn Phước
“Ðời sống của người dân khu tái định cư (TÐC) Nhơn Phước mới tương đối thôi, chứ còn ngổn ngang lắm!” - ông Trần Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, đã tâm tư như vậy. Gần 10 năm qua, một bộ phận nông dân “rặt” ngày xưa giờ đã thành thị dân; nhà cửa khang trang, cơ sở hạ tầng đủ đầy, tiện đủ bề. Song, đã “an cư” mà chưa “lạc nghiệp” nên ai cũng thấy lo.
Một góc khu TĐC Nhơn Phước.
Chúng tôi đến khu TĐC Nhơn Phước (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn) ngay sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Những dãy nhà khang trang nằm cạnh tuyến đường 639 còn phảng phất không khí Tết. Ông Khiêm bảo, Tết năm nay bà con Nhơn Phước ăn Tết vui và đủ đầy, mỗi nhân khẩu có 15 kg gạo đỏ lửa. Cả xã Nhơn Hội được hỗ trợ 42 tấn gạo thì bà con ở khu TĐC Nhơn Phước chiếm phần lớn.
An cư
Ngược về trước, cây cầu vượt biển nối nhịp đưa Nhơn Hội gần hơn với trung tâm thành phố không chỉ về khoảng cách. Rồi, liên tiếp niềm vui khi tỉnh xúc tiến xây dựng Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội. Dù phải giải tỏa trắng 3/5 thôn của xã Nhơn Hội thì nông dân xã bán đảo vốn quanh năm bám ruộng, bám hồ, bám biển gần như đều bỏ phiếu “thuận” cho một tương lai khác trên vùng đất TĐC.
Vậy là khu TĐC Nhơn Phước được hình thành, với tên gọi thôn Nhơn Phước. Hôm chúng tôi về đây, lãnh đạo thôn đang lo giao nốt phần gạo hỗ trợ của Nhà nước cho một số bà con chưa kịp đến nhận trước Tết. Ông Nguyễn Hùng, Phó trưởng thôn, tặc lưỡi bảo cái thôn giờ nở ra to đùng. Dẫn chúng tôi đi khắp thôn, ông bảo bắt đầu đón hộ dân đầu tiên vào năm 2007, đến nay khu TĐC Nhơn Phước có 536 hộ dân, với hơn 2.000 nhân khẩu đến từ các thôn của xã Nhơn Hội và 110 hộ dân của thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải). Những con đường trải dài, được đánh số thứ tự 1, 2 ken dày nhà cửa, không ít những ngôi nhà tầng. Nhơn Phước bây giờ đông đúc, tinh tươm, điện - đường - trường - trạm, chợ búa, hàng quán đủ cả.
Theo ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn của tỉnh, ngay từ khởi đầu, thành phố đã ưu tiên bố trí ngân sách xây dựng khu hành chính, trường học, trạm y tế, từng bước hình thành khu dân cư hoàn chỉnh, hạ tầng đồng bộ. “Cuối năm 2015, thành phố tiếp tục tranh thủ các khoản đầu tư gần 5 tỉ đồng xây dựng chợ cho người dân buôn bán. Từ năm 2012, thành phố hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình có đời sống khó khăn TĐC. So với các khu TĐC khác, Nhơn Phước nhận được sự quan tâm rất lớn, gần như riêng biệt từ chính sách đền bù đến an sinh xã hội để đảm bảo điều kiện sống của người dân” - ông Nam khẳng định.
Ổn định chỗ ở thì đất cũng bén hơi người. Nhiều hộ dân nhạy với thời cuộc bắt tay vào chuyện làm ăn, mở hàng quán dịch vụ ăn uống, sắm xe tải vận chuyển hàng hóa, mở rộng quy mô cơ sở kinh doanh…
Một cửa hàng vật liệu xây dựng ở Nhơn Phước.
Nhưng chưa lạc nghiệp
Ông Hùng thuộc làu thông tin của thôn: “Dân Nhơn Phước làm lao động chân tay khoảng 300 người, còn công nhân kỹ thuật chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cả thôn có 7 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo. Hộ khá của thôn cũng chẳng được bao nhiêu”.
Trước đây, ở thôn Hội Bình, gia đình anh Mai Hoàng Trung làm đủ nghề, từ trồng lúa, nuôi tôm, đánh bắt, câu gành… Chuyển đến Nhơn Phước từ năm 2010, kinh tế gia đình lâm vào cảnh bấp bênh, hỏi chuyện nghề nghiệp, anh bảo “đụng gì làm nấy”. Hai năm nay, anh đứng ra chạy chân “đại lý” nhận hàng đan mây gia công. Anh còn có nghề sửa xe máy, và làm công nhân ở khu du lịch FLC Nhơn Lý. “Cuộc sống khó khăn quá, phải giải quyết công ăn chuyện làm trước mắt, chứ đi học nghề thì biết lúc nào mới có việc làm” - anh tâm sự.
Bà Lưu Thị Được (53 tuổi) trước đây chuyên giúp việc nhà ở nội thành, giờ cũng chuyển sang đan mây, ròng rã cả tháng cũng chỉ được 2,5 triệu đồng, không đủ cho con đi học và 3 miệng ăn. “Nhận bao nhiêu tiền đền bù giải tỏa mới đủ cất nhà chui ra chui vào. Ngặt nỗi công ăn chuyện làm không ổn định, lo lắm mà chẳng biết làm sao!” - bà Được thở dài. Chung nỗi lo, ông Nguyễn Hùng (60 tuổi) bộc bạch: “Tuổi như tôi làm công nhân không ai nhận. Còn thêm một nỗi lo nữa là đất ở cho con cái khi đã đến tuổi cập kê, có rẻ bèo gì cũng 2-3 triệu đồng/m2 ”.
Nói về việc làm của bà con, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Khiêm cho biết, đến nay, cuộc sống của người dân ở khu TĐC Nhơn Phước đã tương đối ổn định. Hai năm gần đây, các khu du lịch đã thu hút nhiều lao động phổ thông ở Nhơn Phước, rồi công nhân may mặc, nhà máy chiết xuất gas, nhà máy mì, rồi đan mây, buôn bán… Tuy nhiên, người dân - nhất là số mới chuyển đến - rất bỡ ngỡ và chật vật. Trước đây, người dân làm nghề nông, giờ ruộng không còn, chuyển đổi nghề nghiệp thì thấy chưa có gì sáng sủa.
“Phải làm sao cho dân tự mình chuyển đổi được nghề nghiệp, cho cần câu để tự câu, chứ cho con cá ăn riết rồi cũng hết. Nhà nước cũng có nhiều chính sách quan tâm trong hỗ trợ và đào tạo nghề. Tuy nhiên, mở các lớp đào tạo nghề thì dân lại không mặn mà. Các phiên tư vấn việc làm cũng rầm rộ ở xã, có lần tuyển mấy chục thanh niên, sau đó chỉ nộp được hơn hai chục hồ sơ” - ông Khiêm tâm tư.
Chợ mới Nhơn Phước được TP Quy Nhơn đầu tư gần 5 tỉ đồng, đang được xây dựng, và phần diện tích mở rộng giai đoạn 2 của khu TĐC Nhơn Phước.
Và nỗi lo việc làm
Chúng tôi đem nỗi lo của người dân và trăn trở của lãnh đạo xã Nhơn Hội đặt vấn đề với Ban quản lý KKT tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Toàn - Phó trưởng ban - chia sẻ rằng, chủ trương của tỉnh là di dời dân đến nơi ở mới để lấy đất làm KKT thì đời sống của người dân phải hơn nơi cũ. Ngoài chính sách của Trung ương, suốt thời gian qua, tỉnh ta cũng có những chính sách uyển chuyển dành cho dân Nhơn Phước, trong đó tập trung cho hỗ trợ đào tạo nghề và tuyển dụng ưu tiên để ổn định việc làm.
“Với các lớp đào tạo nghề, tỉnh hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nghề cho người dân, 50% còn lại doanh nghiệp lo. Còn có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí, rồi hỗ trợ thêm 150 ngàn đồng/người đi học. Nhưng qua phản ảnh của các doanh nghiệp tuyển dụng và trường đào tạo nghề, đến nay việc hỗ trợ này chưa hiệu quả. Chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp ở KKT Nhơn Hội tạo điều kiện cho lao động là dân TĐC, song vẫn cần lắm sự chuyển động của người dân” - ông Toàn lo lắng.
Cùng với 30 ha đầu tư ở giai đoạn I với hạng mục khu dân cư, khu hành chính xã và khu neo đậu tàu thuyền, hiện nay khu TĐC Nhơn Phước đã được mở rộng về phía Nam để tiếp tục di dời số hộ dân còn lại của thôn Hội Lợi, qua đó hoàn thiện khu TĐC Nhơn Phước khoảng 60 ha. Theo ông Ngô Hoàng Nam, chuyện “ăn ở” của người dân Nhơn Phước đã giải quyết xong, vấn đề quan tâm và trăn trở nhất lúc này của lãnh đạo tỉnh và thành phố là phải lo việc làm. “Phải có việc làm thì mới có sự phát triển bền vững được. Chúng tôi vẫn trông chờ KKT đi vào hoạt động, khi đó người dân có nhiều việc làm. Sự hình thành và hoạt động của KKT cũng kích cầu phát triển dịch vụ và sản xuất của người dân nơi đây”.
Ông Ngô Hoàng Nam cũng cho hay, thành phố tích cực tìm kiếm các mô hình kinh tế để triển khai cho người dân TĐC. Đề án giải quyết việc làm và công tác an sinh xã hội cũng đã được trình lên tỉnh. Thành phố còn mạnh dạn đề xuất chính sách an sinh xã hội cho nhóm 60-80 tuổi. Tuy nhiên, để đề án được phê duyệt và đi vào thực tế, thì vẫn phải… đợi.
THU HIỀN
Con đường 639 từ cầu Thị Nại về thôn Nhơn Phước xuống cấp qúa. Mong nhà báo có phản ảnh để được nâng cấp lại. Cảm ơn