Lê Nhật Ký và lối rẽ về phía trẻ con
Tại Hội thảo khoa học “Nguyễn Nhật Ánh - Hành trình chinh phục tuổi thơ” do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học - Nghệ thuật trẻ em thuộc Trường ÐH Sư phạm Hà Nội tổ chức vào giữa tháng 9 năm 2015, tham luận của Lê Nhật Ký (Trường ÐH Quy Nhơn) - được chọn mở đầu Hội thảo. Và Ban tổ chức đã không nhầm. Tham luận của ông được các chuyên gia nghiên cứu - phê bình văn học thiếu nhi hàng đầu cả nước đánh giá cao. Nhưng Lê Nhật Ký không chỉ có vậy…
Nhiều lần cùng ông chuyện trò, nghe ông hào hứng sẻ chia về hành trình gian nan, khó khăn nhưng không kém phần thú vị, hấp dẫn khi bước chân rẽ ngoặt sang lĩnh vực văn học thiếu nhi - một cách bài bản và nghiêm túc, dù thỉnh thoảng ông vẫn đùa rằng rẽ về phía đó để được chơi cùng bọn trẻ con - tôi vẫn nhận ra đằng sau chất giọng miền Trung sôi nổi và nụ cười hiền lành kia là cả một trời tâm tư, trăn trở cho “số phận” của mảng lí luận - phê bình văn học thiếu nhi trong dòng chảy của văn chương Việt Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng…
Lê Nhật Ký (bìa phải) tham gia Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lần thứ VII - năm 2015.
“Phải duyên thì gắn như keo” (Ca dao)
Tốt nghiệp đại học Ngữ Văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1987, Lê Nhật Ký về nhận công tác tại Trường ĐH Quy Nhơn, làm cán bộ giảng dạy ở Khoa Ngữ Văn. Đến cuối năm 1996, ông chuyển sang làm việc tại Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non. Một điều tưởng chừng rất khó - từ bỏ lĩnh vực cũ để chuyển hẳn sang một lĩnh vực vốn xa lạ, đầy mới mẻ với những đặc thù rất riêng, khác xa lĩnh vực nghiên cứu trước đó, ấy vậy mà mọi sự lại rất hanh thông. Nghĩ về điều này, ông cười hiền hiền bảo “là duyên”.
* Hẳn ông phải có lý do khi quyết định toàn tâm với văn học thiếu nhi, dù biết rằng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn?
“Họ đưa sách cho mình tức là cho mình công việc, hiện giờ bận bịu với việc hoàn thành các cuốn sách, sau đó tôi sẽ tranh thủ viết cho họ. Dù vậy, trong năm, tôi cũng sẽ dành thời gian hỗ trợ, hướng dẫn cho những người cần tôi giúp…”
- Tôi chỉ xác định rằng, đã rời văn học trung đại sang đây thì phải chí thú với nó mới có thể chinh phục các học trò của mình. Khi làm luận án tiến sĩ, tôi cũng chọn đề tài về văn học thiếu nhi, đó là thể loại truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại.
Tôi nghiên cứu văn học thiếu nhi với điểm xuất phát ban đầu là “tay trắng”, vì gần như không sẵn sàng, tích lũy được gì khi học đại học. Tôi thường nói vui với đồng nghiệp: Xưa tôi nghiên cứu về Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm… thì phải “theo đòi” trà, rượu; nay làm văn học thiếu nhi thì lại phải quay về “uống sữa” để có được sự đồng cảm với tâm lí thị hiếu của tuổi thơ. Nói chung, sự thay đổi này đã tạo nên không ít khó khăn, thử thách mà nếu không tìm cách vượt qua sẽ rất dễ chán nản.
* Vậy khó khăn lớn nhất với ông là gì?
- Khi vào cuộc mới thấy, văn học thiếu nhi là một bộ phận có nhiều khác biệt với văn chương người lớn. Chẳng hạn, câu ca: “Con mèo, con chó có lông/Cây tre có mắt, nồi đồng có quai” không đáp ứng được tiêu chuẩn của văn chương (đa nghĩa) nhưng lại được chấp nhận trong văn học thiếu nhi. Bởi vì, nó đem lại cho các em một lượng thông tin mới mẻ. Điều này đã tạo độ vênh giữa văn học thiếu nhi và văn học người lớn.
Mặt khác, so với người lớn, trẻ em không bị cái vụ lợi chi phối nên giữ được nét hồn nhiên, trong sáng cả khi sáng tác lẫn tiếp nhận tác phẩm. Vì thế, để giải mã được tác phẩm văn học thiếu nhi, người nghiên cứu đòi hỏi phải tự trang bị cho mình lí thuyết về đối tượng cũng như đặc trưng tâm lí lứa tuổi. Những tri thức này không thể bổ túc trong một sớm, một chiều mà gần như suốt cả quá trình công việc.
Trước yêu cầu của nghề nghiệp và với tính cầu toàn, không ngại khó của mình, quyết tâm cao cùng nỗ lực vượt khổ, thầy chịu khó vào Nam ra Bắc, liên hệ với nhiều nguồn, nhiều người có uy tín trong giới nghiên cứu - phê bình văn học thiếu nhi trong nước để tìm kiếm các tư liệu, tài liệu quý hiếm và học hỏi kinh nghiệm từ các bậc tiền bối.
Sau 6 năm vất vả, đứa con tinh thần - Luận án: “Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại” của thầy được bảo vệ thành công (2011), tạo thêm tự tin cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy văn học thiếu nhi tại Trường ĐH Quy Nhơn, cũng như tham gia hợp tác với các đơn vị khoa học khác trong Nam, ngoài Bắc.
Khi tôi gọi tên bước ngoặt trong con đường nghiên cứu khoa học của ông bằng một câu ca dao: “Phải duyên thì gắn như keo”, thầy đã vui vẻ gật đầu đồng tình.
Đi trên con đường vắng người
Về lý thuyết, văn học thiếu nhi luôn được đề cao, nhưng trên thực tế, vẫn còn có quá ít người gắn bó với nó. Trong khi đó, tất cả các trường đại học, cao đẳng sư phạm có khoa Giáo dục mầm non, tiểu học trên cả nước đều bắt buộc phải dạy-học về văn học thiếu nhi (hay văn học trẻ em). Thế nhưng, số người chuyên tâm với nó lại rất khiêm tốn.
* Có lần, nhà văn Võ Quảng nói rằng, người viết cho thiếu nhi như đi trên một con đường vắng, gọi hoài mà chẳng ai thưa. Ông có đồng tình với cách nghĩ này không?
- Đó là một tâm tư được đúc kết qua nhiều năm hoạt động văn học thiếu nhi của nhà văn Võ Quảng. Có thể hiểu, nhiều lí do đã chi phối tới người sáng tác lẫn nghiên cứu phê bình văn học thiếu nhi. Tôi cho rằng, lực lượng viết văn học thiếu nhi hiện nay khá dồi dào, và thật vui khi có khá nhiều cây bút trẻ tham gia. Nhưng như đã biết, do tính rõ ràng, nặng về giáo dục nên không ít tác phẩm vô tình gây khó cho người nghiên cứu. Ngoài một số bài phê bình kịp thời trên báo chí, lượng bài nghiên cứu sâu về tác giả, tác phẩm văn học thiếu nhi rất hạn chế. Do đó, người sáng tác cảm thấy ít được tương tác, động viên.
Bản thân người nghiên cứu văn học thiếu nhi cũng cảm thấy có chút tự ti trong công việc khi so sánh với đồng nghiệp làm ở lĩnh vực văn chương người lớn. Nhớ năm 2006, tôi đến thăm nhà văn Thi Ngọc tại nhà riêng ở Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Trong câu chuyện, ông kể rằng, mỗi lần tới trụ sở Hội lại được nghe câu chào của đồng nghiệp: “Chào ông nhà văn trẻ con”. Biết là chào vui nhưng vẫn có chút cám cảnh cho vị thế của người viết lẫn văn học thiếu nhi. PGS-TS Vân Thanh, một chuyên gia về văn học thiếu nhi cũng có lúc khuyên tôi rằng, để tồn tại, nên mở rộng phạm vi nghiên cứu ra ngoài đối tượng văn học thiếu nhi.
* Vậy chọn đi trên con đường đó, sẽ có cảm giác lẻ loi, cô độc…
- Ấy không! Tôi không hề có cảm giác cô độc. Sau rất nhiều nỗ lực để khẳng định cho mình một vị trí, tôi hiện có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp cùng tâm huyết, chí hướng ở trong Nam, ngoài Bắc. Nói cách khác, tôi tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc của mình trong công việc.
Thế mạnh của Lê Nhật Ký là nghiên cứu lịch sử. Lê Nhật Ký chịu khó đọc và viết. Cái nhạy của Lê Nhật Ký là phát hiện, nắm bắt nhanh những vấn đề thời sự thuộc về văn học trong nước, đánh giá đúng, chuẩn xác những giá trị văn học đang hình thành, những giá trị bị bỏ rơi. Trong quá trình hợp tác nghiên cứu, tôi rất cần những tư liệu lịch sử và những nhận định tinh tế từ các bài viết của anh.
Tiến sĩ CHÂU MINH HÙNG - Trường ÐH Quy Nhơn
Phải nhắc đến đầu tiên là cô Vân Thanh ở Viện Văn học. Tuy không hướng dẫn tôi làm luận án tiến sĩ nhưng cô đã thường xuyên gọi điện, động viên, hỏi han tôi đã làm đến đâu. Nhiều lúc công việc làm tôi bế tắc, tôi lại nghĩ đến cô, và có niềm tin, tôi đã xốc lại mình để bước tiếp. Tôi mang ơn cô và quyết tâm cố gắng trả ơn bằng cách miệt mài làm việc.
Ở Trường ĐH Quy Nhơn, Tiến sĩ Châu Minh Hùng là người đồng hành cùng tôi vì thầy là người đầu tiên giảng dạy môn nghiên cứu văn học thiếu nhi ở trường. Tôi và thầy bổ sung cho nhau về nhiều mặt, và đã xuất bản cuốn Văn học cho thiếu nhi (2003) và Hệ thống thể loại trong văn học thiếu nhi (Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009). Nhiều bạn bè gần xa luôn hỗ trợ tôi trong quá trình tìm kiếm tư liệu, tài liệu. Tất cả họ đã tiếp sức để tôi “chân cứng, đá mềm” trên hành trình của mình.
Tôi nghĩ, làm nghiên cứu văn học thiếu nhi giống như mình bước đi, lúc mình đi có người trước giúp đỡ thì giờ người đi sau họ thiết tha thì mình giúp. Những sinh viên làm khoa luận tốt nghiệp, giảng viên làm luận văn, luận án theo mảng đề tài này cần tư liệu và định hướng tìm đến, tôi luôn đón nhận và giúp đỡ họ. Tôi cũng tìm cách khuyến khích những người có nguyện vọng chọn con đường vắng này như trong Hội thảo Nguyễn Nhật Ánh, có hai trường hợp, tôi khuyến khích họ viết, rồi biên tập và gởi ra Hội thảo. Trong quá trình làm việc, tôi thấy vẫn có một số người mong muốn, nếu được tạo vị trí công việc phù hợp, họ sẽ theo đuổi.
Thao thiết bao suy tư
Nhiều năm qua, Tiến sĩ Lê Nhật Ký thường xuyên có mặt tại các hội thảo văn học từ Nam chí Bắc với mục đích duy nhất: báo cáo về văn học thiếu nhi. Ông cho rằng, không trông mong một thay đổi gì lớn mà chỉ chèn một tiếng nói về văn học thiếu nhi vào những hội thảo lớn, chỉ từng bước như vậy với hy vọng tạo chuyển biến dần dần. Nhận thấy giai đoạn 1930-1945 có nhiều tác giả viết ra những tác phẩm hay lắm, ông thường chọn lựa đưa sinh viên đọc, rồi đưa lên blog cá nhân giới thiệu cho nhiều người cùng đọc.
* Trong năm 2016, ông có những kế hoạch gì mới?
- Tôi sẽ in một cuốn sách chuyên luận về truyện đồng thoại và nếu kịp thì khoảng cuối năm sẽ in một cuốn truyện cổ tích hiện đại. Những bài viết lẻ dự định rất nhiều, sẽ tham gia các hội thảo, hợp tác với các nhà xuất bản chuyên xuất bản về văn học thiếu nhi để giới thiệu sách đến đông đảo công chúng hơn.
Năm ngoái, tại Hội thảo Nguyễn Nhật Ánh, rất may mắn hai Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ đã tiếp cận tôi. Đến nay, Nhà xuất bản Kim Đồng gởi vào cho tôi gần 100 cuốn sách. Tôi cũng được NXB Kim Đồng mời tham gia vào một hội thảo về nhà văn Anh Roald Dahl vào tháng 9 tới nhân kỷ niệm 100 năm sinh của “Người kể chuyện số một thế giới này”. Họ đưa sách cho mình tức là cho mình công việc, hiện giờ bận bịu với việc hoàn thành các cuốn sách, sau đó tôi sẽ tranh thủ viết cho họ. Dù vậy, trong năm, tôi cũng sẽ dành thời gian hỗ trợ, hướng dẫn cho những người cần tôi giúp…
Được biết, ngoài văn học thiếu nhi, Tiến sĩ Lê Nhật Ký vẫn còn nghiên cứu văn học dân gian và một ít văn học trung đại. Những mảng miếng cứ ngỡ tách biệt nhau nhưng ông đã tìm thấy điểm chung, lại có sự bổ sung, tương hỗ nhau. Đó là sự thú vị mà bản thân ông tìm thấy để công việc trở nên hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn. Ông bảo, văn học dân gian cho thiếu nhi rất nhiều. Tới thời hiện đại người ta viết cổ tích hiện đại cũng theo phong cách dân gian, đồng dao của dân gian sau này có thơ dân gian.
Ấp ủ rất nhiều ý tưởng, nhiều đề tài sẽ thực hiện cùng với sự hỗ trợ của nhiều người cho văn học thiếu nhi thời gian tới. Tuy nhiên, điều mà Tiến sĩ Lê Nhật Ký tha thiết hơn cả là cùng Tiến sĩ Châu Minh Hùng làm một bộ sách về lý luận văn học thiếu nhi. Khi hệ thống lí thuyết được xây dựng thì việc nghiên cứu, giảng dạy văn học thiếu nhi cũng sẽ dễ dàng hơn với mọi người…
NGỌC TÚ - TRÀ GIANG