Thủ tướng Phạm Văn Ðồng với nghệ thuật tuồng
Thủ tướng Phạm Văn Ðồng là một nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc. Ông đặc biệt quan tâm tới hoạt động văn học nghệ thuật và đời sống văn nghệ sĩ bằng hành động, tấm lòng và việc làm cụ thể. Nghệ thuật tuồng Bình Ðịnh cũng vinh dự ở trong số đó.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Am hiểu, quan tâm và góp ý cụ thể
Năm 1952, Đoàn tuồng Liên khu V được thành lập. Sau buổi diễn ra mắt tại địa phương, Đoàn tiếp tục lên đường biểu diễn từ đồng bằng đến miền núi để đáp ứng lòng hâm mộ của đồng bào và bộ đội trong kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Trong hàng vạn khán giả lúc bấy giờ có cả nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng như: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh… Đó là nguồn động viên, khích lệ lớn đối với các nghệ sĩ Đoàn tuồng Liên khu V để họ đồng sức đồng lòng biểu diễn phục vụ Cách mạng.
Trong thời kì làm đại diện của Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ (1952), Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã xem và góp ý vở tuồng “Chị Ngộ”, về đề tài hiện đại đầu tiên và thành công nhất trong hơn 60 năm qua. Để khuyến khích các nghệ sĩ tuồng truyền thống biểu diễn đề tài hiện đại phục vụ bộ đội và nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã tặng Giải thưởng Phạm Văn Đồng cho vở tuồng này.
Nhiều lần ông dự tọa đàm về biểu diễn hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, ông nói: “Thể hiện hình tượng Bác Hồ là việc làm rất tốt, vì vậy mà thế nào tôi cũng phải tới gặp anh em nghệ sĩ”. Hiếm nhà lãnh đạo nào lại am hiểu nghệ thuật và quan tâm tới nghệ thuật dân tộc như Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Một cảnh trong vở tuồng “Quang Trung đại phá quân Thanh”.
Đề nghị nâng cao vở tuồng “Quang Trung đại phá quân Thanh”
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954) Đoàn tuồng Liên khu V tập kết ra Bắc. Tại đây, Đoàn phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ cả về đội ngũ, xây dựng nhiều tiết mục mới và phục hồi hàng chục vở tuồng cổ, tuồng lịch sử và hiện đại.
“Người nghệ sĩ cách mạng làm nghệ thuật phải đi vào cuộc sống để hiểu biết, khám phá và sáng tạo”
Trong một dịp Đoàn tuồng Liên khu V xây dựng xong vở “Sư già và em bé” (năm 1971) và diễn cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem. Sau khi xem xong, Thủ tướng mời tất cả ê kíp thực hiện (gồm tác giả Kính Dân, đạo diễn NSƯT Nguyễn Quang Vinh, âm nhạc NSƯT Đào Duy Kiền, thiết kế mỹ thuật - NSND Nguyễn Hồng) và lãnh đạo đoàn (giám đốc Cao Đình Chi) cùng các diễn viên: NSƯT Đình Thôn (vai sư già), NSND Hòa Bình (vai em bé), NSND Minh Ngọc (vai cảnh sát Ngụy), NSND Đình Bôi (vai người lái xe xích lô), NSƯT Kim Cúc (vai Diệu Linh) lên Phủ Thủ tướng chiêu đãi bữa cơm thân mật. Anh chị em nghệ sĩ trong Đoàn rất xúc động trước tình cảm và sự quan tâm chân tình, gần gũi của Thủ tướng. Đó là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm nghề của nghệ sĩ, lãnh đạo Đoàn tuồng Liên khu V.
Nhân kỷ niệm 191 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa xuân Kỷ Dậu (1789 - 1980), Nhà hát tuồng Nghĩa Bình (nay là Nhà hát tuồng Đào Tấn) dàn dựng vở tuồng “Quang Trung đại phá quân Thanh” của tác giả Trúc Đường, đạo diễn Hoàng Chương nhằm biểu diễn phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và công chúng thủ đô Hà Nội. Sau buổi biểu diễn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cho người gọi điện mời đến nhà riêng để góp ý kiến về vở diễn với tập thể sáng tạo, dàn dựng.
Giáo sư Hoàng Chương kể lại: “Sáng hôm ấy, đồng chí Nguyễn Tiến Năng, trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón chúng tôi ở cửa nhà riêng Thủ tướng rồi mời chúng tôi vào phòng khách ngồi đợi chỉ chừng ba, bốn phút thì Thủ tướng từ tầng hai xuống. Ông bắt tay từng người, mời chúng tôi cùng ngồi, Thủ tướng nói ngay:
- Vở tuồng Quang Trung đại phá quân Thanh tốt đấy. Bây giờ chúng ta cùng trao đổi về vở tuồng này.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Thưa Thủ tướng, đêm diễn ở hội trường Ba Đình, chúng cháu thấy Thủ tướng bận việc không đến dự được ạ?
- Đúng, nhưng sau đó tôi đã xem ở Quy Nhơn (Bình Định) - Thủ tướng trả lời.
Hóa ra Thủ tướng về thăm quê hôm mồng 4 Tết âm lịch năm 1980 và sau đó đã xem vở tuồng này ở trong đó mà chúng tôi không biết. Trong hơn hai giờ đồng hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao đổi cặn kẽ tác giả Trúc Đường về những tư liệu mà ông dựa vào đó để viết kịch bản. Rồi Thủ tướng lại hỏi rất kỹ về từng nghệ sĩ đóng các vai anh hùng Quang Trung- Nguyễn Huệ (NSND Võ Sỹ Thừa đóng), công chúa Ngọc Hân, thậm chí đến cả những người lính Tây Sơn múa võ... Ông tỏ ra rất thích vai Ngọc Hân do NSND Hòa Bình đóng và vai người nữ binh Tây Sơn do NSƯT Tuyết Mai thủ vai.
Chúng tôi trả lời rất chi tiết và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tỏ ra rất hài lòng. Ông phân tích rất sâu cho chúng tôi về phong trào nông dân Tây Sơn và về người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ông cũng chỉ cho chúng tôi thấy ý nghĩa và những giá trị chính trị, quân sự của chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. Cuối cùng Thủ tướng đề nghị nên nâng cao và quay vở tuồng “Quang Trung đại phá quân Thanh” thành phim để chiếu rộng rãi cho công chúng ở trong nước và nước ngoài thưởng thức. Kết thúc cuộc trò chuyện về vở tuồng, Thủ tướng lấy những bông hoa phong lan thật đẹp đang cắm trong lọ tặng chúng tôi trước khi ra về”.
Quan tâm đến nghệ sĩ tuồng
Nhớ lại chuyện Thủ tướng về tận Quy Nhơn xem vở tuồng “Quang Trung đại phá quân Thanh” vào mồng 4 Tết Canh Thân (1980), NSƯT Đào Duy Kiền - nguyên Phó giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn kể: “Sau khi trực tiếp xem tuồng tại Hội trường công an tỉnh, Thủ tướng nhận xét: “Diễn hay lắm” và nói vui với Chủ tịch UBND tỉnh Nghĩa Bình lúc ấy là đồng chí Tô Đình Cơ (cũng là người nổi tiếng mê tuồng): “Tìm người thay tôi thì dễ nhưng tìm người thay Võ Sỹ Thừa thì khó”. Tiếp đến, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi thăm tình hình của anh chị em nghệ sĩ tuồng về chế độ chính sách, cuộc sống thường ngày, thấy đời sống của giới nghệ sĩ còn gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng nhắc nhở Chủ tịch Tô Đình Cơ cần cố gắng quan tâm, đầu tư nhiều hơn về chế độ chính sách cho các nghệ sĩ để họ yên tâm công tác. Rồi bỗng nhiên Thủ tướng vừa cười vừa hỏi lại :“Sao? Đồng chí chủ tịch tỉnh có làm được không? Nếu không lo được cho anh chị em nghệ sĩ tuồng thì đừng làm chủ tịch xứ Tuồng nữa?”.
Chỉ là nói vui nhưng chính câu nói vui của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc: từ trong thâm tâm của Thủ tướng dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn quan tâm đến nghệ thuật tuồng và đời sống của văn nghệ sĩ. Và hơn thế nữa là thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc của ông.
Năm 1983, Nhà hát tuồng Đào Tấn lưu diễn các nước Đông Âu: Ba Lan, Tiệp Khắc… đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Chủ tịch nước Võ Chí Công đến thăm Đoàn và chụp ảnh chung với diễn viên ngay tại phòng hóa trang đồng thời chúc Đoàn đi lưu diễn thành công. Đó là động lực rất lớn để tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tuồng Đào Tấn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng - một nhà lãnh đạo cách mạng uyên thâm, đáng kính, một con người bình dị, đức độ, khiêm nhường, giàu tình cảm. Tại cuộc họp Ban Bí thư ngày 10.11 và 23.11.1968, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Ta dùng đội ngũ văn học nghệ thuật như dùng văn công thì không tốt; phải lo xây dựng đội ngũ, phải nhìn lâu dài, phải có biện pháp tốt, phải có sự hướng dẫn của Đảng, sự giúp đỡ của Nhà nước. Người nghệ sĩ cách mạng làm nghệ thuật phải đi vào cuộc sống để hiểu biết, khám phá và sáng tạo”.
Những lời phát biểu và căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với anh chị em nghệ sĩ đều hết sức sâu sắc và có giá trị. Đến nay, chúng tôi - những người nghệ sĩ đang sống và công tác trên cái nôi của nghệ thuật tuồng- Bình Định luôn nhớ và thực hiện theo lời khuyên của Thủ tướng, xứng đáng với Nhà hát tuồng mang tên Đào Tấn, con chim đầu đàn của ngành tuồng cả nước có tuổi đời hơn 60 năm.
NGUYỄN NGUYÊN