Trần Quốc Quân - Chưa phải “lão nông” nhưng đã “tri điền”
Ðến thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) hỏi thăm nhà anh Trần Quốc Quân (42 tuổi) cả thôn ai cũng biết. “Quân máy nông nghiệp hả, nhà kia kìa. Mới thấy nó hôm qua, dẫn đoàn máy gặt đập liên hợp về nhà tra dầu nhớt, chứ cả năm nay nó đi gặt lúa thuê có thấy tăm hơi đâu”, một nông dân trung niên cùng xóm với Quân chỉ tay.
Anh Quân tập kết dàn máy GĐLH của mình về nhà để bảo trì.
Người xưa có câu “lão nông tri điền”, hàm ý những người làm ruộng nhiều tuổi sẽ tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm, am hiểu về đồng ruộng và giỏi nghề làm ruộng và các lĩnh vực liên quan. Nói cho thoát ý là “lão nông tri điền” không chỉ giỏi làm ruộng mà còn giỏi cả chăn nuôi, làm thủy lợi, hiểu được thời tiết, mùa màng… Như vậy có nghĩa không phải ai là “lão nông” cũng có thể là “lão nông tri điền”. Chính vì thế mà chuyện Trần Quốc Quân - năm nay mới 42 tuổi - “tri điền” mới là chuyện rất đáng kể để nhiều người cùng hay.
1.
Lúc tôi đến nhà, là lúc Quân đang chăm chú cùng một thợ thuê từ TP Hồ Chí Minh ra, bảo dưỡng 3 máy gặt đập liên hợp (GĐLH). Vừa thấy tôi, anh hồ hởi kể chuyện: “Tôi mới đưa 3 máy GĐLH về hôm qua, 2 máy nữa để trong tỉnh Bình Thuận, ít bữa nữa là vô gặt. Đi miết, tuy vất vả nhưng cũng vui vì mình biết đó biết đây, học hỏi được nhiều điều”.
9 năm trước, năm 2007, Quân mạnh dạn xin địa phương được thuê một ao hoang giữa đồng rộng 1.300m2, bỏ ra hơn 100 triệu đồng đầu tư, đổ trụ bê tông cất trại nuôi gà trên mặt nước, dưới thả nuôi cá. Nhiều người lúc đó nhận xét Quân là người biết nhìn xa trông rộng, bởi đây là gia trại chăn nuôi thứ 2 của anh, sau thành công của gia trại cũ với dãy chuồng heo rộng 220m2, mỗi năm nuôi 4 lứa, mỗi lứa 130 con heo thịt, cùng 30 con heo sinh sản, và dãy chuồng nuôi gà thịt 1.000 con/lứa. Để tránh ô nhiễm môi trường do phân gia súc, gia cầm thải ra, anh xây dựng hầm khí biogas đưa vào sử dụng đầu tiên ở địa phương.
Cứ thế, anh tích lũy lợi nhuận, tái đầu tư, lại vay mượn ngân hàng, mở rộng quy mô chăn nuôi…, cho đến khi trả hết nợ. Kết dư được vài trăm triệu đồng, Quân suy nghĩ, tìm tòi để chọn ra cơ hội đầu tư.
Anh Quân hiện có đội ngũ thợ chuyên nghiệp vận hành máy GĐLH gồm 16 người.
2.
Tháng 4.2011, ở Phước Sơn quê anh diễn ra Hội thi Máy GĐLH các tỉnh phía Nam, do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh tổ chức, nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ sau thu hoạch vào sản xuất nông nghiệp; giảm bớt chi phí trong thu hoạch lúa cho nông dân.
Chứng kiến các máy thu hoạch lúa hoạt động hiệu quả trên đồng ruộng, Quân lân la tìm hiểu, hỏi thăm các doanh nghiệp về tính năng kỹ thuật, giá cả, thị trường, rồi nhẩm tính thời gian thu hồi vốn, cứ như thể anh có sẵn phương án trong đầu. Năm 2012, anh quyết định mua máy về làm dịch vụ.
Thời điểm đó ở Bình Định chưa có máy GĐLH nhãn hiệu Kubota (Nhật Bản), anh phải vào tận một đại lý ở tỉnh Bình Dương, ở lại nửa tháng trời xem máy và học cách vận hành, rồi quyết định mua 1 máy GĐLH hết 515 triệu đồng, thuê xe tải chở về. Hôm máy về đến sân nhà, nhiều bà con trong thôn kéo đến xem, trầm trồ.
Đội máy GĐLH của anh Quân thu hoạch lúa.
Được nhà phân phối hướng dẫn, chỉ sau ít hôm anh Quân đã thực nghiệm gặt thành thạo trên đồng ruộng và vụ gặt đầu tiên, máy GĐLH của anh hoạt động hiệu quả ngay trên quê hương mình. Hết vụ, trừ chi phí, anh còn dư hơn 200 triệu đồng.
Nhận thấy đây là dịch vụ tiềm năng, anh Quân vay mượn tiền mua thêm 2 máy GĐLH nữa. Kể từ đó cho đến năm 2014, anh rong rủi khắp trong Nam ngoài Bắc, lên Tây Nguyên gặt thuê. Năm 2015, anh tiếp tục vay trên 1 tỉ đồng nữa từ chương trình tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, mua thêm 2 máy GĐLH. Để vận chuyển 5 máy GĐLH đi làm xa, anh đầu tư thêm 400 triệu đồng nữa mua xe tải.
Quân tự tin kể về công việc của mình: “Bây giờ tôi có đội ngũ chuyên nghiệp 16 người vận hành máy GĐLH, gồm thợ lái và công nhân đứng máy hứng lúa, đều là thanh niên trai tráng cả. Tôi bao ăn và trả công mỗi tháng 9 triệu đồng/thợ lái, 6 triệu đồng/công nhân hứng lúa. Để máy hoạt động liên tục, ở mỗi tỉnh tôi đều có “vệ tinh”; đồng ruộng nơi nào lúa chín là họ “a lô”, lập tức tôi điều máy đến gặt chừng 1 tuần đến nửa tháng là xong, lại đi tỉnh khác”.
Thời gian máy không hoạt động, anh Quân ở nhà chăm sóc đàn gà.
Vậy nên, cả năm đội quân làm dịch vụ của anh Quân chỉ nghỉ được non 1 tháng, từ nửa cuối tháng Chạp vắt qua nửa đầu tháng Giêng, còn lại dẫn máy đi “ăn đồng” suốt. “Trước năm 2014, mỗi năm tôi thu lãi trên 600 triệu đồng, năm 2015 rồi có thêm máy, lợi nhuận đạt hơn 1 tỉ đồng. Tính đến nay, tôi chỉ còn nợ ngân hàng 1 tỉ đồng, đến hết năm 2017 mới đến hạn. Nhưng nói thiệt, ngay bây giờ cũng dư tiền để trả cho ngân hàng. Nhưng tôi còn tính toán xem có thể đầu tư gì nữa!”, Quân cởi mở.
Vì liên tục đi lại điều hành máy và tìm kiếm hợp đồng gặt thuê nên 3 năm nay, Quân tạm nghỉ nuôi heo, chỉ duy trì gia trại nuôi 2.000 con gà ta đẻ trứng và 1.000 con gà ta thịt/4 lứa/năm cùng ao cá, do vợ anh ở nhà quản lý. Công việc này cũng mang lại cho gia đình anh mức lợi nhuận mỗi năm hơn 100 triệu đồng.
3.
Nói chuyện nay, anh Quân không quên chuyện xưa, bởi thành công không đến với anh một cách dễ dàng, suôn sẻ như vậy. Phải nghe anh kể về những thất bại đã nếm trải mới thấy được ý chí quyết tâm của người nông dân này mạnh mẽ như thế nào.
Gia trại nuôi gà trên mặt nước, bên dưới thả nuôi cá của anh Quân.
“Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, tôi đã trải qua thời kỳ gian khó, vất vả, khổ cực suốt 2 năm 2001-2002. Khi đó tôi theo nghề nuôi tôm, làm hồ ở Lộc Hạ (xã Phước Thuận). Tôm bị dịch, tôi lỗ 16 triệu đồng (tương đương 9,4 cây vàng) phải bán hồ. Rồi trong một lần dự lớp tập huấn chăn nuôi heo, gà do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, tôi thấy hay hay và xét khả năng mình có thể làm được, nên đã tự chu du một chuyến vào miền Nam tham quan, học hỏi các trang trại chăn nuôi. Sau đó tôi về vay vốn xây chuồng nuôi heo thịt. Giá heo hơi thời điểm đó rớt xuống còn 10.000 đồng/kg, tôi lỗ đứt 16 triệu đồng nữa, may là gà được giá nên bù vốn lại cho heo. Không nản chí, tôi vẫn nuôi heo tiếp, giá cả sau đó ổn định nên mỗi năm cho lãi khá, tôi trả hết nợ nần, mới đầu tư xây trại nuôi gà - cá kết hợp và tích lũy vốn mua máy GĐLH làm dịch vụ”.
Không giấu nghề, thời điểm nuôi gà, anh Quân còn trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn nhiều hộ trong thôn phương pháp nuôi gà thịt, gà đẻ trứng và họ đều thành công, có thu nhập khá. Đến nay, có hơn 50 hộ trong thôn Mỹ Trung theo nghề nuôi gà và đều ăn nên làm ra.
Bài, ảnh: XUÂN THỨC