Làm giàu từ trang trại VietGAP
Ðó là ông Trần Thái, 64 tuổi, ở thôn Phú Lâm, xã Tây Phú - huyện Tây Sơn; người dân địa phương hay gọi ông là Bảy Thái. Với sự cần cù, bền chí làm ăn, ông đã biến vùng đất hoang hóa, khô cằn thành trang trại đa canh, được triển khai theo hình thức VietGAP (từ viết tắt Vietnamese Good Agricultural Practices - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam); với doanh thu mỗi năm cả tỉ đồng.
Xuất thân từ nông dân, thấy cảnh đất đai bị bỏ hoang ông Thái rất xót và quyết tâm biến vùng đất Gò Giữa thuộc thôn Phú Lâm thành trang trại đa canh. Sau nhiều năm đầu tư, ông đã xây dựng được trang trại trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP với quy mô 56 ha, doanh thu bình quân hàng năm 1,3 tỉ đồng, thu lãi 500 triệu đồng.
Ông Trần Thái giới thiệu vườn hồ tiêu sản xuất theo quy trình VietGAP.
Lão nông “nhào nặn” vùng đất khó
Buổi đầu làm ăn kiểu mới “chắc làm, chắc ăn”, bao nhiêu vốn liếng được dồn vào cải tạo đất, san lấp mặt bằng, phát quang cây bụi, bắt cầu ván làm đường đi. Cả chủ trang trại, người nhà và người làm công - mấy chục con người ta - đã phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” hì hục, cần mẫn lật từng viên đá, trốc từng gốc cây rừng, quy hoạch lại để có mảnh đất sản xuất “coi cho được” - ông Bảy Thái bộc bạch.
Có đất tốt rồi, ông Bảy Thái liền khai thác nguồn nước tưới cho trang trại, bằng cách dẫn nước từ núi cao, cách vườn nhà ông chừng 20 km về tích trữ trong bể xi măng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ngày ông lấy được nước về dùng, đã làm bao người dân địa phương ngỡ ngàng và thán phục.
Tham quan một vòng trang trại của ông Bảy Thái, chúng tôi rất ấn tượng với cách làm trang trại khá bài bản của ông. Trong tổng diện tích rộng 56 ha, ông chia đất ra từng khu để trồng trọt, chăn nuôi với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau. Khu đất lớn nhất có diện tích 46 ha ông trồng rừng kinh tế; còn lại 10 ha trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP, an toàn, sản xuất sản phẩm sạch.
Ông Thái bên khu rừng măng tre điền trúc. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Chỉ tay về khu trồng măng tre điền trúc rộng hơn 3 ha gần mép sông Đồng Giang, ông Bảy Thái cho biết: Ở vùng đất Tây Phú này chắc không tìm được nơi nào có vị trí thuận lợi để trồng măng tre điền trúc như vậy đâu. Giờ thì nhìn ham vậy đó, chứ cách đây gần 10 năm, đây chỉ là khu đất bỏ hoang, lởm chởm đá, cỏ dại mọc um tùm, chỉ nhìn thôi đã thấy sợ. Có một số người cũng đã đến đây khai hoang sản xuất, nhưng chỉ một vài vụ là “bỏ của chạy lấy người”.
Trang trại kiểu VietGAP
Theo hướng sản xuất mới, ông đã dày công cải tạo đất, biến vùng đá, sỏi, khô cằn ngày nào, thành vườn canh tác trù phú, màu mỡ, cây cối xanh tươi bốn mùa với các loại cây trồng truyền thống và đặc sản mà ở Tây Phú chỉ có ông sở hữu, như: măng điền trúc, mít tố nữ, hồ tiêu, chanh, chuối tiêu... Ông còn chăn nuôi bò, dúi, gà thả vườn... để tăng thu nhập. Để có môi trường xanh, sạch, không khí trong lành nơi canh tác, ông Thái thu dọn rác sinh hoạt, lá rụng, cành cây khô, mục, phế phụ phẩm nông nghiệp và xử lý nước thải chăn nuôi, nước sinh hoạt, vì thế cảnh quan trang trại luôn thoáng đãng.
Sản phẩm nông sản từ trang trại của ông Bảy Thái được làm theo quy trình “sạch”, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nên được khách hàng tin dùng. Hiện ông không chỉ cung cấp các loại nông sản sạch cho chợ đầu mối ở Tây Sơn mà còn liên kết cung cấp cho thị trường các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum…
Ông Thái chăm sóc đàn bò lai 6 con.
“Tôi xem trọng sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân xanh trong quy trình sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho cây trồng; hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất khác. Mặc dù, phải mất công quản lý, giám sát, chi phí cho việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, nhưng tôi xác định làm là bởi lợi ích cho sức khỏe gia đình tôi, cho bạn hàng làm ăn và cho sức khỏe người tiêu dùng” - ông Thái khẳng định.
Hiệu quả vượt trội
Với kinh nghiệm làm trang trại kinh tế đặc trưng mùa nào thức ấy, sản phẩm của ông Bảy Thái luôn có đầu ra ổn định, giá bán cao nên lợi nhuận mang lại lớn. Tỉ như năm ngoái, ông thu được 18 tấn măng tre điền trúc, trong đó, có 3 tấn trái vụ bán được giá (30.000 đồng/kg); 12 tấn mít tố nữ hạt lép giống Malaysia; 150 kg hồ tiêu; xuất bán 5 con bê lai, 20 con dúi; 500 con gà ta thả vườn. Ông còn thu hoạch 500 tấn gỗ keo lai từ diện tích rừng trồng 46 ha, bán 6 cây sưa đỏ (15 triệu đồng/cây). Ông còn nhận khoán quản lý, bảo vệ 50 ha rừng phòng hộ đầu nguồn cạnh Khu du lịch Hầm Hô. Ông nhẩm tính, tổng doanh thu năm 2015 của trang trại được gần 1,3 tỉ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi gần 500 triệu đồng.
Gần đây, ông tìm tòi nuôi thử nghiệm con dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông kể: “Tình cờ sau trận lũ năm 2013, tôi bắt được 2 con dúi đang đào hang ăn rễ tre và măng tre trong trang trại. Tôi đem về nuôi, theo dõi thấy chúng ăn uống bình thường trong điều kiện nuôi nhốt. Qua thời gian ngắn chúng đẻ ra 3 con, tôi bèn lên kế hoạch nuôi thử nghiệm rồi tiến lên nuôi bài bản, quy mô hơn. Dúi nuôi tròn 1 năm có trọng lượng khoảng 1,4 kg - 1,5 kg/con, giá thị trường trên dưới 400 ngàn đồng/kg, tiêu thụ mạnh. Qua 3 kỳ sinh sản, đến nay đàn dúi của tôi đã tăng lên được 30 con”.
Ông Thái kiểm tra sự phát triển của đàn dúi.
Cùng với làm giàu cho gia đình, trang trại của ông Thái cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thời vụ/năm và 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. “Theo tôi, làm kinh tế trang trại là cách làm có tính khoa học và bền vững, giúp người nông dân có đời sống ngày càng khá hơn. Trang trại không chỉ phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra hình ảnh đẹp cho xóm làng, quê hương” - ông Thái tâm sự.
Theo ông Trần Văn Lành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Phú, với những kinh nghiệm làm trang trại của mình, ông Bảy Thái đã tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật, giống cây trồng, hỗ trợ vốn cho nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế trang trại, cùng làm giàu. Trên địa bàn xã có 25 hộ nông dân nghèo nhờ ông Bảy Thái giúp đỡ từ khó khăn đã vươn lên khá giả.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế trang trại của ông Bảy Thái, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, cho rằng: “Hiện nay, trang trại của ông Bảy Thái có mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất nhì huyện. Điều mang lại thành công trong cách làm kinh tế trang trại của ông Bảy Thái là dám nghĩ, dám làm, có quyết tâm, có tìm tòi, nghiên cứu và không sợ thất bại. Ông còn thường xuyên cập nhật thông tin, học hỏi và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm nông sản sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Bảy Thái tiêu biểu cho mẫu người nông dân mới với tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, đời sống văn hóa mới và quyết tâm mới ”.
Nhờ thành tích làm kinh tế trang trại, trong các năm 2007, 2011, 2012, 2014, 2015 ông Trần Thái được UBND huyện Tây Sơn, Hội Nông dân tỉnh, UBND tỉnh và Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam tặng Bằng khen và công nhận nông dân sản xuất giỏi cấp quốc gia. Vừa qua, ông Thái vinh dự được chọn là đại biểu của tỉnh Bình Ðịnh đi dự Ðại hội toàn quốc Hội Làm vườn Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2014-2019) tại Hà Nội.
NGUYỄN HÂN - ĐÀO MINH TRUNG