PGS-TS Lương Thị Vân, giảng viên Trường ÐH Quy Nhơn:
Ðã mang lấy nghiệp vào thân…
Tại Lễ Tuyên dương điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015, một trong hai giảng viên của các trường đại học cả nước được Bộ TN-MT vinh danh là PGS.TS Lương Thị Vân, giảng viên khoa Ðịa lí - Ðịa chính Trường ÐH Quy Nhơn. Với chị, dạy học là nghề, làm nghiên cứu khoa học là nghiệp.
PGS-TS Lương Thị Vân nhận Bằng khen tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
“Địa lí đã trở thành máu thịt”
● Mối quan tâm của chị đối với Địa lí được bắt nguồn từ khi nào?
- Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 1944, cả hai gia đình nội ngoại của tôi di cư từ Quảng Nam vào Phú Yên để sinh cơ lập nghiệp. Tôi còn nhớ, khi học bài “Small Town” trong sách English For Today, chương trình Trung học Đệ Nhất cấp (tương đương THCS hiện nay) tại Trường Trung học Nguyễn Huệ, Tuy Hòa (cũ), tôi đã không mô tả về công việc của người dân trong thành phố tỉnh lỵ của bài khóa, mà tôi mô tả về công việc trồng rau, chặt mía, thu hoạch sắn nước, các chuyến xe lam, xe ngựa lóc cóc chở đầy nông sản… từ các vùng quê xuống chợ mà mỗi sáng tinh mơ tôi đã nghe, đã quan sát được. Vì bài làm không đúng yêu cầu của thầy giáo nên bị điểm thấp, nhưng bù lại tôi được thầy giáo động viên bằng lời nhận xét: Bài làm không đúng yêu cầu, nhưng có tư duy Địa lí, có hình ảnh thật của quê hương.
Đó là gợi ý đầu tiên, khuyến khích tôi đi vào tìm hiểu Địa lí, mò mẫm đến với Địa lí, rồi yêu Địa lí một cách tự nhiên, nhưng đầy đam mê và cầu thị từ chính trong tâm. Những bài học Địa lí trong chương trình phổ thông đã cho tôi nhiều kiến thức và ấn tượng sâu sắc về quê hương Việt Nam xinh đẹp. Và, tôi biết được, chính cái vị trí “oằn mình” của “khúc ruột miền Trung” với dãy Trường Sơn hẹp, kéo dài… nguyên nhân sinh ra những trận lũ lụt kinh hoàng. Tôi có suy nghĩ và mong muốn được làm điều gì đó có ích từ sự hiểu biết về thiên nhiên, đất nước và con người.
● Tình yêu Địa lí sẵn trong lòng nên khi được đánh thức, chị đã không ngần ngại đến với nó ?
- Đúng vậy. Năm 1978, tôi thi đậu vào ngành Cử nhân tiếng Anh của Trường ĐH Sư phạm Huế theo định hướng của gia đình và thầy cô phổ thông. Nhưng sau đó tôi quyết định chuyển sang học ngành Địa lí.
Nhìn lại chặng đường phấn đấu đã qua, tôi luôn biết ơn NGND - GS. Hoàng Thiếu Sơn (đã quá cố), nhà Địa lí thực thụ đầu tiên mà tôi may mắn được gặp, rồi bị mê hoặc bởi những câu chuyện thầy kể, đã khiến tôi đưa ra quyết định chuyển hướng.
Còn nhớ, với đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên của tôi thời sinh viên là “Tìm hiểu mưa và phân hóa mưa khu vực Huế - Bình Trị Thiên”, thầy hướng dẫn Lê Khắc Phò đã động viên và tận tình chỉ bảo, hệt như người đi rừng lâu năm từng bước kiên nhẫn giảng giải và dẫn dắt cho anh thợ tiều phu lần đầu vào nghề. Sau lần đó, tôi học được sự cẩn thận, kiên trì, nhẫn nại và say mê - điều mà tôi luôn tâm niệm trong suốt những năm tháng làm việc sau này.
● Từ bấy đến giờ này, có khi nào chị thấy tiếc vì lựa chọn ấy không?
- Trong những mẩu chuyện nói cùng sinh viên tại các dịp gặp gỡ, sinh hoạt đầu khóa hoặc trên lớp, tôi thường chia sẻ: Nếu cho làm lại, cô vẫn chọn Địa lí và sẽ chọn Địa lí tự nhiên vì nó là nền tảng.
Muốn phát triển, muốn làm gì thì phải hiểu biết về tự nhiên, hiểu biết căn cơ của vấn đề mới có thể quy hoạch và khai thác nó; địa lý tự nhiên là cái gốc, kinh tế xã hội là cái ngọn. Thời nào cũng vậy, theo chuyên ngành này nhiều lắm, may lắm cũng chỉ đủ sống (cười), nhưng tôi vẫn chọn Địa lí vì tình yêu với nó, một tình yêu được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu!
PGS-TS Lương Thị Vân cùng sinh viên tham gia trồng cây gây rừng ngập mặn tại đầm Thị Nại.
Dấu ấn với “ngôi nhà Địa lí” ĐH Quy Nhơn
Chị về công tác tại Trường ĐH Quy Nhơn năm 1990. 7 năm sau, bộ môn Địa lí chính thức được tách riêng thành một khoa độc lập, chị được tín nhiệm đảm nhận vai trò là Trưởng bộ môn Địa lí tự nhiên và Bản đồ. Năm 2004, chị trở thành một trong số ít nữ trưởng khoa của Trường ĐH Quy Nhơn. Bằng nhiều cách, chị đã đề xuất trường xây dựng cho khoa các phòng thực hành với đầy đủ trang thiết bị và công cụ hiện đại phục vụ cho giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Chị là người không thể thiếu trong những buổi sinh hoạt chuyên môn, bàn về định hướng phát triển của khoa. Hình ảnh của chị luôn gắn với sinh viên trong các hoạt động phong trào và cộng đồng, như lúc cô - trò đạp xe quanh đường phố để hưởng ứng Ngày không túi ny lon, Giờ trái đất; rồi cùng nhau về xã Nhơn Lý (Quy Nhơn) tìm hiểu về nguy cơ nước biển xâm thực nhà ở; người ta cũng thấy chị với sinh viên xuống chân cầu Thị Nại trồng cây gây rừng ngập mặn, hay làm báo cáo viên môi trường cho các phường, xã.
● Nhiều giảng viên khoa Địa lí chia sẻ, sự phát triển của khoa hôm nay có nhiều dấu ấn của chị…
- Tôi luôn ý thức phải nỗ lực để khẳng định bản thân, làm gương cho lớp trẻ, và tâm huyết xây dựng khoa Địa lý lớn mạnh.
Điều tôi luôn canh cánh là làm sao để khoa bắt kịp sự phát triển chung của Trường ĐH Quy Nhơn và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Từ một đơn vị khoa chỉ có một ngành đào tạo là Sư phạm Địa lí với số lượng vài ba chục sinh viên mỗi khóa và số cán bộ, giảng viên đếm trên đầu ngón tay (1997), sau đó đơn vị đã được đổi tên thành Khoa Địa lí - Địa chính (2009) với 3 ngành Sư phạm Địa lí, Địa lí tự nhiên và Địa chính (Quản lí đất đai), quy mô đào tạo hàng trăm sinh viên mỗi khóa. Hiện nay, khoa có 25 cán bộ, giảng viên được chuẩn hóa là thạc sĩ, tiến sĩ và PGS-TS; trong số đó một số cán bộ, giảng viên trẻ được đi đào tạo nâng cao chuyên môn ở nước ngoài. Khoa đã hoàn thành đề án mở thêm hai ngành mới là Quản lý tài nguyên-môi trường và cao học chuyên ngành Địa lí tự nhiên. Hy vọng cả hai ngành đều được tuyển sinh trong năm nay.
● Với đa số đồng nghiệp và sinh viên, chị là người bạn đáng tin cậy, có khi nào điều đó trở thành một áp lực chưa?
- Đó là niềm hạnh phúc chứ. Và không bao giờ một niềm hạnh phúc lại trở thành áp lực. Từ trước đến nay tôi luôn vui vẻ chia sẻ, nhận đỡ đầu các ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học của đồng nghiệp và sinh viên, và sát cánh cùng họ đến bước cuối cùng. Bởi tôi biết, sau những vất vả phải trải qua, họ sẽ trang bị được nhiều kỹ năng cùng kinh nghiệm có lợi ích cho công việc.
Tôi đã cố gắng truyền thụ lại nhiều nhất có thể cho các lớp học viên, sinh viên. Tôi cũng cố gắng “truyền lửa” lòng say mê Địa lí và từng bước dìu dắt họ thành những giáo viên Địa lí thực thụ hoặc những cán bộ Địa lí giỏi. Những bài học kinh nghiệm của bản thân về “đứng vững và vượt lên” thường được tôi chia sẻ và hâm nóng với họ, nhất là khi nói về muôn vàn khó khăn và áp lực của phái nữ làm khoa học.
Gia đình PGS-TS Lương Thị Vân.
“Đã mang lấy nghiệp vào thân”
Nghĩ lại quãng đời đã qua, ở tuổi 56, PGS-TS Lương Thị Vân đang hài lòng với “những gì mà cuộc đời ưu ái cho tôi”. Với niềm đam mê Địa lí, chị đã sống trọn vẹn với nhiều công trình khoa học có giá trị thực tiễn, có nhiều học trò tiếp nối và đạt được những thành tích đáng tự hào. Là vợ, là mẹ, chị vun vén nếp nhà được ấm êm. Chị thành đạt tròn trịa trong mắt nhiều người, nhưng bản thân lại nhìn nhận cũng chỉ là một người phụ nữ Việt Nam bình thường - cũng bởi “đã mang lấy nghiệp vào thân” (Nguyễn Du), thì phải xoay xở, liệu toan cho vẹn đủ bề...
● Sau lưng người đàn ông thành công luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Còn chị...
- Tôi là người sống nội tâm và khá đa đoan, lại hay cả nghĩ. 7 năm làm chủ nhiệm bộ môn, 10 năm làm Trưởng khoa với nhiều thăng trầm buồn vui đã cho tôi trải nghiệm và tích lũy được rất nhiều “cảm xúc” ở... ngoài đường (cười). Cái may mắn của tôi là khi đem những điều ấy về giãi bày với ông xã, tôi nhận được từ anh sự lắng nghe trọn vẹn. Anh ấy là người hiền lành, bao dung, từng trải cuộc sống, điềm tĩnh, am hiểu về chính trị, xã hội hơn tôi nên lúc nào cũng cho tôi những lời khuyên “chí tình đạt lý”.
● Ở tuổi 56, là PGS-TS nên có điều kiện kéo dài thời gian công tác ở trường. Xem ra chị vẫn chưa được thảnh thơi ?
- Tôi vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tham gia hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh; viết giáo trình, giáo án mới cho hệ đại học và bồi dưỡng giáo viên THPT, tiếp tục thực hiện các dự án về cộng đồng. Vợ chồng tôi đang ấp ủ kế hoạch thực hiện một chuyến xuyên Việt, chủ yếu là ra để thăm lại những địa phương, con người từng cưu mang, nuôi nấng anh trong những năm chiến tranh.
NGỌC TÚ (Thực hiện)