Mây “hồi sinh” trên đất rừng An Lão
Tận dụng ưu thế của rừng tự nhiên, nhiều năm qua, huyện An Lão đã có kế hoạch vận động người dân khoanh nuôi xúc tiến tái sinh mây dưới tán rừng. Việc làm đúng với chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh lại thuận lòng dân nên đã từng bước đưa huyện An Lão trở thành địa phương có vùng nguyên liệu mây rộng lớn và nổi tiếng trong tỉnh. Hoạt động này vừa góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương, vừa góp phần bảo vệ rừng.
Thương lái thu mua mây rừng tại huyện An Lão.
“Săn” mây trên ngàn
Với cộng đồng người Bana, Hre, cây mây mang nhiều ý nghĩa trong đời sống hằng ngày. Người làng làm gùi từ sợi mây rừng. Nhà sàn muốn vững chắc phải có sợi mây làm dây cột... Không chỉ gắn chặt với cuộc sống người đồng bào dân tộc thiểu số, mây còn là nguyên liệu được “săn đón” tại thị trường hàng thủ công mỹ nghệ bởi giá trị thẩm mỹ và độ bền. Do vậy, dân ở các xã vùng cao như An Dũng, An Vinh, An Quang, An Nghĩa hay An Toàn (An Lão) đều tranh thủ lúc nông nhàn đi “rút” mây rừng, kiếm thu nhập.
“Săn” mây vốn là công việc không mấy dễ dàng. Vì đặc tính chỉ phát triển mạnh dưới những tán rừng sâu, ẩm ướt nên người săn mây phải bỏ rất nhiều sức để băng rừng hàng giờ hoặc nhiều ngày trời. Một bụi mây thường cao từ 10-15 m, thân chằng chịt gai, lại được bao bọc giữa cây dại, dây leo rối rắm. Vậy nên, tuốt được sợi mây ra khỏi bụi mà buộc thành bó mang về nhà, người săn mây phải đổi bằng mồ hôi, công sức và lắm khi có cả máu.
Chỉ vào các vết sẹo chi chít trên bàn tay và cánh tay, anh Đinh Văn Bết (33 tuổi, ở thôn 6, xã An Vinh), một người đi bứt mây, tâm sự: “Ai đi bứt mây rừng đều phải có sẹo trên người. Kéo được một dây mây dài ngoằng ra khỏi bụi nhiều khi phải sướt da, chảy máu. Rồi việc vác mấy chục ký mây trên vai để đưa về làng cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều chuyến bứt mây kéo dài 2-3 ngày. Nếu gặp phải lúc thời tiết không thuận lợi thì cực gấp đôi, gấp ba bình thường”.
Anh Hlác bên những cây mây nuôi tại rẫy nhà mình.
Theo anh Bết, mùa săn mây của người làng thường diễn ra từ tháng 11 âm lịch đến tháng 3 năm sau. Thời điểm này, bà con đi bứt mây để bán, kiếm tiền tiêu Tết. Sau Tết, họ tiếp tục rút mây cho đến khi vào mùa thu hoạch và làm rẫy. Thông thường, anh Bết cùng vợ và mấy bạn trong làng xuất phát từ lúc 6 giờ sáng. Tầm 3 giờ đồng hồ sau, họ mới có thể đến được vùng có mây. Đầu tiên, đàn ông, đàn bà đều dùng rựa để phát số cây dại quanh bụi mây. Sau đó, họ lựa sợi mây cao nhất, đạt chuẩn theo yêu cầu của người mua (dài từ 3-5 m) rồi “bập” một nhát vào gốc, dùng hết sức để kéo sợi mây ra khỏi bụi. Róc hết phần gai, lá trên thân mây, họ cột thành bó. Hành trình đưa mây về nơi tập kết, thu mua sẽ bắt đầu vào khoảng đầu giờ chiều khi bó mây đã được hòm hòm 30 - 40 kg.
Nhân mây dựa vào sức dân
10 năm về trước, thu nhập cao từ mây đã từng tạo ra “cơn sốt” khai thác mây ồ ạt tại An Lão. Sự thiếu hiểu biết, cho rằng “lộc rừng là vô tận” của người dân đã khiến hàng chục ngàn hecta rừng tự nhiên có mây đã bị cạn kiệt. Nhận thức được tầm quan trọng của việc khai thác mây hợp lý, năm 2005, huyện An Lão đề ra chủ trương khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và khoanh nuôi có trồng bổ sung mây.
Ông Nguyễn Văn Tụ, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Lão, lý giải: “Ở phương án khoanh nuôi tái sinh, huyện đã cử các đơn vị phụ trách có chuyên môn phối hợp chính quyền địa phương khảo sát, khoanh vùng những khu rừng có mây tự nhiên, lên phương án giao khoán rừng cho dân để bảo vệ. Mỗi hécta như vậy, huyện hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ nhận chăm sóc. Khi cây mây đến tuổi khai thác, người dân nhận khoán được hưởng lợi 100% từ lộc rừng này. Mặt khác, họ có thể chủ động bứng mây con hoặc gieo hạt mây trên đất rẫy để tăng diện tích bao phủ mây. Tất nhiên, để cây mây phát triển ổn định cả diện tích lẫn sản lượng, cán bộ Phòng Nông nghiệp, Trung tâm khuyến nông huyện và xã sẽ hướng dẫn cách thức cho bà con”.
Có thể thấy, điểm chung của 2 phương án nhân rộng mây này là đều phải dựa vào sức dân. Người dân sẽ là người làm chủ số mây tại rẫy của mình hoặc diện tích rừng được nhận giao khoán. Giá trị của loại lâm sản dưới tán rừng này có bền vững hay không đều phụ thuộc vào họ. Nhận thức được điều đó, đồng bào Bana, Hre ở huyện An Lão đã tích cực tham gia vào các dự án khoanh nuôi tái sinh mây.
Bên cạnh diện tích rừng tự nhiên có mây, nhiều hộ miền núi còn đưa mây về trồng tại rẫy nhà theo phương án khoanh nuôi bổ sung. Dẫn chúng tôi lên rẫy nhà có trồng mây, anh Đinh Văn Hlác, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh, kể: “Rẫy mây này được cha tôi trồng từ 10 năm trước. Hồi đó, ông vào rừng kiếm được 5 lon hạt mây về ươm. Để cây mây phát triển tốt, mình phải cung cấp độ ẩm, bóng mát, tức phải giữ được số cây cổ thụ trên rẫy nhà. Đến nay, gia đình tôi đã có thể thu hoạch được mây để phục vụ nhu cầu đời sống hoặc bán để kiếm thêm thu nhập. Xã An Vinh có khoảng 10 hộ đem mây về trồng tại rẫy nhà như thế này”.
Anh Đinh Văn Bết vác thành quả lao động của mình sau một ngày làm việc trở về làng.
Trước sự “hồi sinh” của mây sau nhiều năm nỗ lực, ông Bùi Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, trao đổi: “Hình thức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh mây có ý nghĩa như việc trao cần câu cho người dân. Đến nay, người dân địa phương đều hiểu: càng nhân rộng số mây, kết hợp với khai thác mây theo hình thức tỉa thưa - nghĩa là bứt những cây mây già, đủ tuổi - thì nguồn lợi kinh tế sẽ lâu dài. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và Hạt Kiểm lâm cũng quản lý chặt chẽ việc thu mua mây rừng trên địa bàn”.
Theo bà Nguyễn Thị Sương (35 tuổi) - người duy nhất thu mua mây tại xã An Vinh, chính quyền địa phương quản lý rất chặt việc khai thác mây. Để thu mua mây, bà đều phải xin giấy phép, thông báo số lượng cũng như thời điểm thu mua, nếu không sẽ bị Kiểm lâm bắt giữ. Từ Tết đến nay, bà Sương thu mua được hơn 20 xe tải mây tại xã An Vinh, tương đương gần 200 tấn mây (trung bình 8 - 10 tấn/xe) chở về thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn. Từ đây, mây sẽ được chở về các nơi trong nước, sản xuất nên các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
Hiện tại, mây được thu mua với giá từ 3.500 đồng đến 4.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi người dân khai thác được 40 kg mây/ngày, kiếm về khoảng 150 ngàn đồng/ngày. Đây là khoản thu nhập không nhỏ đối với đồng bào miền núi, góp phần làm thay đổi đời sống bà con.
Góp phần bảo vệ rừng
Đặc điểm của cây mây chỉ sinh trưởng tốt dưới tán rừng già. Thế nên, muốn trồng mây đạt hiệu quả kinh tế cao, người dân phải nêu cao ý thức bảo vệ rừng. Mặt khác, những bụi mây với gai nhọn, tua tủa cũng trở thành vũ khí ngăn bước chân của lâm tặc. Nói như nhiều người dân địa phương, mây vừa là “hũ gạo” giữa rừng của người dân, đồng thời cũng là “loại cây giữ rừng”.
Những sợi mây cắt từ rừng mang về được bà con chẻ thành sợi, phơi khô để đan gùi.
Thật khó ngờ, trên con đường vào các làng xa xôi của huyện An Lão, những cung rừng nguyên sinh ken dày cây đại thụ vẫn được người dân giữ gìn gần như nguyên vẹn. “Dân mình giữ rừng già lại bởi trong đó có mây rừng”, anh Đinh Văn Cung, Chủ tịch UBND xã An Vinh, tâm tình.
Theo thống kê của huyện An Lão, hiện có trên 20.000 ha rừng có mây rừng tự nhiên sinh sống, gấp 4 lần so với thời điểm mây bị khai thác cạn kiệt (năm 2005). Đến nay, ngành chức năng của huyện đã giao khoán bảo vệ rừng kết hợp chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh mây rừng cho trên 1.000 hộ dân.
Theo Chương trình hành động về đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của huyện An Lão, trung bình mỗi năm, huyện sẽ nhân rộng, phát triển 100 ha mây rừng tự nhiên theo hình thức khoanh nuôi tái sinh. Cây mây rừng đang “phủ sóng” tại 10 xã, thị trấn trong huyện. Theo đó, rừng cũng lên xanh, “hồi sinh” theo sự nỗ lực bảo vệ, theo khát vọng làm giàu bằng lâm sản dưới tán rừng của người dân.
NGUYỄN MUỘI - TRỌNG LỢI