Khi người trẻ khởi nghiệp
Khởi nghiệp kinh doanh không bao giờ là điều dễ dàng, nhất là với người trẻ. Vậy mà, nhiều bạn trẻ tại TP Quy Nhơn đã thành công. Dù mỗi người có đam mê, mục đích khác nhau nhưng điểm chung là họ dám từ bỏ lối mòn để tạo lập một hướng đi riêng, tạo lập những mô hình mới mẻ.
Tuấn (đứng, bên trái), cùng khách chụp hình lưu niệm tại quán cà phê Nơron.
Biến ý tưởng thành hiện thực
Một tháng sau chuyến du lịch Đà Lạt vào giữa năm 2015, Lê Cẩm Tú vẫn bị món bánh tráng nướng kiểu Đà Lạt ám ảnh. “Thật ra, khi đó tôi đã bị món ăn độc đáo này hớp hồn nên quyết định ở lại 3 ngày để tìm hiểu về nó. Mà cũng chỉ vậy thôi chứ chưa nghĩ gì chuyện kinh doanh”, sau này cô gái 22 tuổi nhớ lại.
Món bánh tráng nướng Đà Lạt khác hẳn bánh tráng nướng trứng ở Quy Nhơn: nhỏ bằng bàn tay xòe, nướng với nhiều loại nhân khác nhau, vun lên, trông hấp dẫn như một chiếc pizza, nhưng Tú chưa dám, mãi cho đến khi một người bạn động viên: “Thích là nhích. Tôi sẽ cùng làm”. Vậy là cô vào cuộc, dù vốn ban đầu của hai người hùn lại chỉ có 30 triệu đồng, trong khi tiền đặt cọc thuê nhà đã là 15 triệu đồng. Gần 2 tuần nỗ lực, quán bánh tráng nướng Neko ở 67 Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn ra đời. Đó là vào tháng 10.2015.
Còn với Hoàng Công Tuấn, cũng 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, chủ quán cà phê Nơron ở 19 Nguyễn Lạc, thì 4 năm kinh nghiệm kinh doanh quần áo qua mạng và kinh qua nhiều nghề bán thời gian đã giúp anh tự tin cùng anh trai và một người bạn sang lại quán cà phê vốn ế khách với giá 20 triệu đồng. Để giảm tối đa chi phí, hai anh em Tuấn tìm mua các vật dụng cũ, đồ phế liệu về sơn, vẽ lại trang trí cho quán. Tuấn đảm nhận khâu pha chế và để hoàn thiện thực đơn cho quán, trong một tháng, các bạn bè cùng nhà trọ của anh đã trở thành những khách hàng miễn phí đầu tiên, chỉ với yêu cầu: uống và góp ý. Cuối cùng quán cà phê Nơron được mở, hai anh em Tuấn và người bạn vừa là chủ vừa là nhân viên.
Vậy mới thấy, vốn không phải là rào cản một khi người trẻ đã quyết chí. Ứng dụng kinh nghiệm làm hàng handmade vào nghề wedding planner (lập kế hoạch và trang trí đám cưới), cuối năm 2014, chị Tăng Thanh Thanh, 26 tuổi, đã khai mở thị trường dịch vụ mới mẻ này tại Quy Nhơn và hiện giờ là chủ 2 cửa hàng - Marguerite Wedding (50A Trần Phú) và studio Rose Bridal (166 Tăng Bạt Hổ), chuyên cung cấp trọn gói dịch vụ thiết kế và tư vấn lễ cưới từ chụp ảnh, trang điểm, đến thiệp mời, trang trí không gian lễ cưới, hỏi… Thành quả này đến với chị sau 2 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm bằng việc cung cấp dịch vụ này qua mạng.
Khách đến thưởng thức bánh tráng nướng tại quán Neko.
“Chất” và lạ
Khởi nghiệp của họ đều khó khăn về vốn dẫn đến nhiều khó khăn khác nhưng điểm chung là họ có ý tưởng tạo ra sự khác biệt trong kinh doanh. Đối tượng khách hàng của họ là giới trẻ luôn thích cái mới, lạ và phong cách riêng.
Quán cà phê Nơron bất lợi bởi không gian nhỏ, ít vốn nên Tuấn tìm cách trang trí đơn giản, với điểm nhấn là những chiếc lốp xe cũ sơn đủ màu, các hình vẽ mộc mạc, cách điệu, xung quanh dán hình ảnh của khách hàng đến quán được Tuấn tự chụp lại. Tuấn cho biết thêm: “Để hút khách trẻ với nhu cầu đa dạng, quán có hai nhóm nhạc acoustic khác nhau, một của sinh viên với phong cách mộc mạc, gần gũi, một mang tính chuyên nghiệp hơn”. Thỉnh thoảng, quán thay đổi không khí với các màn ảo thuật, hài kịch do sinh viên biểu diễn. Đó là lý do vì sao Nơron luôn đông khách, thậm chí các bạn trẻ chấp nhận đứng uống nước để thưởng thức nhạc, xem kịch, ảo thuật.
Vì khó về vốn nhưng lợi thế là người tiên phong, chị Tăng Thanh Thanh xác định điểm mạnh, yếu của mình để kinh doanh. Chị và các nhân viên tự làm các chi tiết nhỏ nhất: trang trí bánh cưới, hoa cưới, thiết kế thiệp mời, âm nhạc, ánh sáng, chương trình... với tinh thần chuyên nghiệp nhất. Phần lớn lợi nhuận được chị dùng để tái đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Để vượt qua một khó khăn nữa là không có nhiều khách hàng ở Quy Nhơn chấp nhận chi một khoản tiền tương đối lớn cho dịch vụ này (từ 5 - 30 triệu đồng/đám cưới), chị Thanh chấp nhận các đơn hàng từ TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ… dù chẳng lời bao nhiêu và “nhân sự tùng sự”: cập nhật thường xuyên hình ảnh về các đám cưới này trên facebook của mình để dần dần thay đổi quan niệm và xu hướng của khách hàng ở Quy Nhơn. Hiệu quả mang lại là chị bắt đầu nhận được nhiều đơn hàng ở TP Quy Nhơn và các huyện, thị trong tỉnh. Chia sẻ về nghề nghiệp của mình, chị Thanh nói: “Tôi phải thường xuyên học hỏi để nâng cao khả năng, trình độ thẩm mỹ của mình bởi nghề này không chấp nhận cái cũ và sự lặp lại”.
Cũng vậy, “cô gái bánh tráng nướng” Cẩm Tú duy trì và phát triển quán ăn của mình bằng sự khác biệt. Từ đó, ngoài nhân phô mai, tép, bò khô, bánh tráng nướng Neko còn có thêm vị chua của nem Bình Định, gà xé phay. Ăn ngon còn phải đẹp, đó là lý do bánh tráng nướng Neko còn được trang trí bởi bắp sú tím chua ngọt rắc lên trên. Vị chua ngọt, cùng các loại nguyên liệu khác khiến bánh đỡ ngán, lại chấm với tương ớt, nước sốt me đã khiến tất cả các giác quan của khách cùng “bật dậy” khi thưởng thức món này. Ngoài ra, Neko còn đa dạng món ăn với trứng cút chiên, bánh tráng cuốn, khoai tây chiên phô mai, nem chua rán… cùng các loại trà sữa, thức uống giới trẻ ưa chuộng. Và giá cả thì rất phù hợp với giới trẻ, chỉ từ 8.000 - 20.000 đồng/món.
Nhân viên của Marguerite Wedding trang trí tiệc cưới.
Đam mê + liều = thành công
Thành công của Tú, Tuấn và Thanh, ngoài yếu tố yêu nghề, mạnh dạn kinh doanh, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thị trường, còn là sự chủ động “ăn theo thuở, ở theo thời”: vốn ít thì lấy công làm lãi, phát triển chậm mà chắc, tận dụng sự phát triển của mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, chào hàng.
Món bánh tráng nướng được nhiều người nước ngoài ghé ăn rồi bình luận qua facebook Neko Cakes: “Pizza Việt Nam very good!”. Tú kể: “Dù khách đặt 1-2 cái bánh, ở đâu tôi cũng giao hàng để giới thiệu món ăn này đến với nhiều khách hàng hơn. Quán còn ra mắt món bánh donut, loại bánh ngọt nổi tiếng và phổ biến ở phương Tây, dùng tráng miệng hoặc ăn vặt. Với tôi, tuổi trẻ là thích hợp nhất để làm nhiều việc mang tính thử thách nên đừng ngại thử sức mình”.
Phải kể về Tuấn nhiều hơn mới có thể minh họa rõ cho sự liều lĩnh, tự tin khi dám sang lại một quán cà phê ế để biến nó thành quán cà phê Nơron khá đắt khách như bây giờ. Tuấn là con trong một gia đình nông dân nghèo có 7 người con ở xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Khi mới học năm nhất, Tuấn đã khởi nghiệp kinh doanh qua mạng với số vốn 1 triệu đồng, mượn của… 12 người bạn cộng lại. Nhớ lại việc này, Công Tuấn bật cười: “Tôi đã cỡi xe đạp khắp thành phố để giao hàng và khi nhận đủ tiền thì vội đi trả ngay vì sợ đánh rơi. 5 tháng sau, tôi thoát khỏi cảnh vay mượn tiền đi lấy hàng nữa khi dành dụm đủ vốn. Với tôi, khởi nghiệp là khi bạn nắm bắt tốt xu hướng thị trường bằng việc quảng bá, lắng nghe ý kiến phản hồi trực tiếp của khách hàng và thay đổi theo yêu cầu của họ”.
Bí quyết khởi nghiệp mà Thanh Thanh chia sẻ khá đơn giản: “Hãy bắt đầu bằng đam mê, sự liều lĩnh nhưng phải tự mình làm mọi việc, nếu bạn không muốn bị người khác chi phối, áp đặt làm lệch xu hướng, mục tiêu ban đầu đặt ra. Từ đầu năm đến nay, tôi biết có 4 người tham gia vào lĩnh vực nghề nghiệp mình đang làm nên sự cạnh tranh ngày càng cao. Song, tôi vẫn xác định phân khúc riêng thị trường của mình là đối tượng khách hàng thu nhập cao để phấn đấu sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của họ. Vào mùa cưới, tôi nhận 20 - 30 đơn hàng/tháng nên càng phải đầu tư công sức, ý tưởng cho thật tốt để giữ chữ tín”.
Vẫn còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng đang từng bước khởi nghiệp, nhưng việc tồn tại trên thương trường là điều không dễ dàng. Nhiều bạn đã đánh đổi thời gian, công sức, tiền bạc cho những ý tưởng, sự táo bạo nhưng đã thất bại. Kinh nghiệm của những người trẻ đã bước đầu thành công nêu trên có lẽ phần nào giúp các bạn trẻ định hướng tốt hơn trong việc khởi nghiệp của bản thân.
HẢI YẾN