Kỹ sư Ðào Trần Bằng: Luôn tìm cách để giỏi hơn hiện tại
Ðào Trần Bằng - cựu học sinh chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn, niên khóa 2003-2006, hiện là Trưởng nhóm lập trình phần mềm Công ty East Agile Việt Nam. Tại Cuộc thi lập trình công nghệ trong lĩnh vực giáo dục lớn nhất Ðông Nam Á Edtech Asia Hackathon 2016 (9-10.4), do Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica và Công ty Phát triển Công nghệ giáo dục EdTech Asia đồng tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, với sự tài trợ của Facebook và Google, kỹ sư Ðào Trần Bằng (cùng Lý Thụy Vi) đã giành được giải Nhì, và được Facebook chọn trao gói tài trợ FB Start trị giá 80.000 USD dành cho đội có sản phẩm Mobile App xuất sắc nhất là phần mềm Kid REC.
Đội Eezy của Đào Trần Bằng và Lý Thụy Vi giành được tài trợ 80.000 USD từ Facebook. Ảnh: THANH HÀ
Sáng tạo và thực dụng
* Tham gia Cuộc thi Edtech Asia Hackathon 2016, nghe nói, anh và đồng sự đã phải làm việc liên tục trong 24 giờ để hoàn thành sản phẩm?
- 24 giờ là thời gian để kích thích khả năng sáng tạo và độ mạnh mẽ của dân IT. Ai làm liên tục 16 giờ rồi sẽ thấy số 24 đó kinh khủng thế nào. Đội của chúng tôi từ TP Hồ Chí Minh ra đến Hà Nội lúc 1 giờ sáng, ngủ tới 7 giờ sáng thì bắt đầu đi tới địa điểm thi, cho nên làm được khoảng 4 tiếng là tôi thấm mệt. May là sau đó, cả hai xốc lại tinh thần và làm việc khá tốt, về đích trước dự kiến, còn có thời gian chuẩn bị mọi thứ liên quan và trở thành đội duy nhất đủ thời gian để thuyết minh sản phẩm trong 3 phút như quy định của ban tổ chức.
* Facebook đã chọn tài trợ cho sản phẩm đạt giải Nhì mà không phải là giải Nhất. Hẳn phần mềm Kid REC có những ưu điểm đặc biệt?
- Kid REC hướng tới xây dựng kỹ năng cảm xúc cho trẻ từ 5-10 tuổi bằng cách dùng công nghệ làm công cụ để giúp các bé tương tác với ba mẹ và tương tác với người thân xung quanh.
Sản phẩm của chúng tôi nhằm giải quyết 3 vấn đề là cha mẹ không quan tâm đúng mức tới việc phát triển khả năng cảm xúc của trẻ em so với việc chú trọng những kỹ năng mang tính học thuật, vấn đề trẻ em tiếp xúc quá sớm với đồ chơi công nghệ mà không có sự hướng dẫn quan tâm từ cha mẹ dẫn đến chuyện các bé chỉ tự chơi với điện thoại, và vấn đề không có nhiều những công cụ, tiện ích trên điện thoại để hướng dẫn và giúp đỡ cha mẹ chơi chung và hướng dẫn con cái trong việc phát triển kỹ năng cảm xúc.
Chúng tôi thiết kế phần mềm ứng dụng (app) này buộc khi trẻ chơi với app thì sẽ phải chơi chung với người khác, tăng thời gian tương tác với người khác chứ không phải chỉ chơi với màn hình. Ngoài ra các bài học trong ứng dụng sẽ dạy được cho trẻ kiến thức và phát triển kỹ năng xã hội cũng như kỹ năng chia sẻ và kể chuyện.
Đào Trần Bằng.
Mạnh dạn chinh phục thử thách
Hồi học phổ thông ở Trường Lê Quý Đôn, Bằng và nhóm bạn lớp chuyên Toán từng được khen thưởng, tuyên dương vì thành tích lập website ddhsonline.com cho trường. Website ddhsonline.com trở thành chiếc cầu nối nhiều thế hệ học sinh và giáo viên trường chuyên, từ năm 2005 đến 2012.
* Anh có thể chia sẻ kỉ niệm về việc lập website ddhsonline.com cho Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn?
- Đó là một thời bồng bột mà vui. Năm 2005, mạng internet ở Bình Định chưa phổ biến lắm, chuyện lập website trong trường học cũng chưa có nhiều người làm. Tôi và nhóm bạn cùng lớp lập kế hoạch làm 1 trang tin tức và 1 diễn đàn cho trường. Tôi tham gia vào việc cài đặt cũng như quản lý website này. Giờ nhớ lại chuyện đó, hình ảnh hiện về là những buổi chiều tôi và 3 đứa bạn đạp xe ra quán net ngồi làm. Cả nhóm háo hức lắm, lúc làm xong website, báo với các thầy cô, được trường thông báo đến từng lớp, thấy hãnh diện lắm.
* Được biết khi chưa tốt nghiệp đại học anh đã thành lập công ty riêng. Điều gì khiến anh mạnh dạn như vậy?
- Năm 2010, khi có ý tưởng làm Blueup Flashcard (tập giấy 2 mặt với các ghi chú và hình ảnh minh họa giúp dễ nhớ, dễ thuộc từ vựng tiếng Anh), tôi và nhóm bạn ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TP Hồ Chí Minh) quyết định thành lập Công ty Blueway để phát triển ý tưởng này. Năm 2011, sản phẩm này đạt giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp cuối tuần (Startup Weekend) 2011, do Tổ chức Startup Weekend Hồ Chí Minh kết hợp cùng John von Neumann Institute trực thuộc Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Ý tưởng hoàn thành và đưa ra thị trường một năm sau đó, rồi nhận được sự đầu tư. Tuy nhiên, vừa học vừa làm không kham nổi nên tôi đã xin bảo lưu kết quả học tập năm thứ 4 để toàn tâm toàn ý với công ty.
* Và bây giờ, với cương vị là Trưởng nhóm lập trình phần mềm (Lead Programmer) của Công ty East Agile Việt Nam, áp lực cũng không ít?
Nhiệm vụ của một Trưởng nhóm là lập kế hoạch, tổ chức hoạt động cho các thành viên nên tôi làm công tác tư vấn là chủ yếu. Dù không dễ dàng so với nhiều người nhưng tôi có thời gian làm ở công ty nên không gặp nhiều khó khăn.
Đào Trần Bằng (bìa trái) và các bạn cùng lớp chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Luôn tìm cách để giỏi hơn hiện tại
Đào Trần Bằng tự nhận, những điều mình đạt được không hề có định hướng, chỉ là nhìn thấy cơ hội và nỗ lực nắm bắt. Cũng như lần cùng nhóm bạn phổ thông lập diễn đàn, mở công ty với nhóm bạn đại học, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp và lần dự cuộc thi lớn này, Bằng nói ưu điểm của mình là... mê công nghệ thông tin nên làm việc với nó chỉ sợ không đủ sức làm chứ không bao giờ thấy chán nản.
* Một tạp chí nước ngoài đã liệt kê 10 thói quen người thành công phải từ bỏ để làm việc hiệu quả hơn như làm việc trong vùng an toàn, làm mà không học trước, là người đi sau... Điều này có vẻ đúng với anh?
- Tôi luôn tìm cách để mình giỏi hơn hiện tại nên nhiều bạn bè yêu mến trêu tôi là “quái dị” bởi hay nghĩ đến và muốn làm những điều mới mẻ và khác lạ. Chẳng hạn như việc đến năm thứ 4 tôi quyết định bảo lưu kết quả học tập để mở công ty. Sản phẩm Blueup Flashcard của chúng tôi tính ra đã thành công sau khi bán cho Alpha Book thì hiện ở vị trí số 1 trên thị trường cùng loại. Sở dĩ chúng tôi thất bại không giữ lại được sản phẩm này là vì cách quản lý, tầm nhìn, định hướng không tốt.
* Những lần khởi nghiệp như vậy đã đem đến cho anh những kinh nghiệm gì?
- Tôi đã có được nhiều kinh nghiệm quý giá. Khách quan nhìn nhận thì không phải lần nào cũng là lựa chọn sáng suốt, thế nhưng trong mọi chuyện luôn có cái được-cái mất. Chỉ có điều, nếu tôi không sớm khởi nghiệp như vậy thì tôi sẽ không có được những điều như bây giờ. Tất cả đang giúp tôi làm tốt công việc hiện tại.
* Vậy còn những dự định sắp đến?
- Tôi và Vi đang nỗ lực hoàn thiện sản phẩm Kid REC để cuối tháng ra mắt người dùng. Rồi cũng tính tiếp tục đem sản phẩm này vào các cuộc thi khác để phát triển tốt hơn các tính năng ưu việt của nó. Tôi và nhóm bạn cũng đang có sản phẩm đăng ký tham dự Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp (STARTUP WHEEL) dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhóm khởi nghiệp, thanh niên - sinh viên yêu thích khởi nghiệp được khởi xướng bởi Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) và Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo của Hội LHTN Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Trong kế hoạch, tôi sẽ tiếp tục tham gia Edtech Asia Hackathon và một số cuộc thi lớn khác...
Ðào Trần Bằng xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước. Lên lớp 10, khi vào học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn (Quy Nhơn), Bằng mới có cơ hội tiếp cận và say sưa khám phá máy tính. Thấy con trai đam mê tìm tòi, mẹ Bằng đã bán cả một cây vàng lúc đó để mua máy tính cho con.
NGỌC TÚ
Tuyệt vời các bạn trẻ đất võ!!!