Thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 412 Phan Xuân Sơn:
“Tính mạng của dân là trên hết”
11 năm gắn bó với tàu cứu nạn SAR 412 thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Da Nang MRCC), thuyền trưởng Phan Xuân Sơn (58 tuổi) cùng các thuyền viên đã không biết bao nhiêu lần đối mặt với hiểm nguy, sóng dữ, thực hiện 98 vụ cứu nạn, cứu được trên 500 ngư dân bị nạn, trong đó có nhiều ngư dân Bình Ðịnh.
Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn nhận Bằng khen của UBND tỉnh Bình Định sau khi cứu tàu cá BĐ 95427-TS và BĐ 91069-TS cùng 11 ngư dân gặp nạn trên biển. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Tôi may mắn được gặp vị thuyền trưởng tàu SAR 412 này nhiều lần, những khi tàu SAR 412 cứu nạn ngư dân cập cảng Quy Nhơn hoặc qua những cuộc điện thoại vệ tinh, ông gọi cho tôi từ ngoài khơi thông tin về một vụ cứu nạn có liên quan đến ngư dân Bình Định hoặc trên vùng biển Bình Định. Nhưng bởi đặc thù công việc của ông, nên chúng tôi gặp nhau lần nào cũng vội.
Mới đây nhất, sáng 25.4.2016, khi tàu SAR 412 đưa ngư dân Phan Ngọc Quốc (21 tuổi, ở Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) trên tàu cá BĐ 96415-TS, bị ốm nặng khi đang đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa cập cảng Hải đoàn Biên phòng 48 (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) an toàn, kịp thời vào bệnh viện cứu chữa, tôi mới có dịp trò chuyện với ông lâu hơn.
Ông tâm tình: “Tôi quê ở Nghệ An, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng) thì đi làm thủy thủ, rồi làm thuyền trưởng tàu viễn dương được 30 năm. Đến năm 2005, tôi về làm thuyền trưởng tàu SAR 412 đến nay. Khi quyết định về làm thuyền trưởng tàu cứu nạn, thu nhập thấp hơn nhiều so với thủy thủ tàu viễn dương, tôi không hề tính toán thiệt hơn gì cả. Chắc là tôi có duyên nợ với ngư dân…”.
Tàu SAR 412 kịp thời đưa ngư dân Phan Ngọc Quốc vào bờ cứu chữa. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Cứu nạn trong tình huống “thập tử nhất sinh”
● Ông có lần nói, trong hàng chục vụ cứu nạn ngư dân Bình Định trên biển, hầu như vụ nào cũng trong tình huống “thập tử nhất sinh”. Đâu là “kim chỉ nam” để ông đưa ra những quyết định quan trọng, chính xác trong những tình huống đó?
- Dường như có một sự trùng hợp là lần nào cứu ngư dân Bình Định cũng đều trong tình huống nguy cấp, như vụ cứu ngư dân Phan Ngọc Quốc. Khi tàu SAR 412 tiếp cận tàu BĐ 96415-TS, bệnh nhân Quốc được chuyển sang tàu SAR 412 và được bác sĩ của Trung tâm Y tế 115 Đà Nẵng đi theo tàu chữa trị và chẩn đoán là xuất huyết tiêu hóa, rất nguy hiểm đến tính mạng, nếu đưa vào bờ chậm thì tính mạng khó đảm bảo.
Trước tình huống này, tôi quyết định cho tàu chuyển hướng về Quy Nhơn thay vì về Đà Nẵng như ban đầu. Vì về Quy Nhơn sẽ sớm hơn 2 giờ đồng giờ, có nhiều thời gian hơn để đưa bệnh nhân Quốc vào bệnh viện tiếp tục cứu chữa. Còn nếu về Đà Nẵng thì thuận cho chúng tôi, vì sẽ không phải mất 12 giờ lênh đênh trên biển từ Quy Nhơn về lại Đà Nẵng, nhưng làm công tác cứu nạn không cho phép chúng tôi làm vậy, phải xem tính mạng của ngư dân trên hết.
● Hẳn ông vẫn còn nhớ những vụ cứu nạn ngư dân Bình Định khác cũng trong tình huống tương tự?
Tôi nhớ chứ. Đó là vụ kịp thời cứu ngư dân Lê Văn Thắng (ở thôn Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh) trên tàu cá BĐ 95046 -TS, bị co giật liên tục, khi tàu đang đánh bắt tại vùng biển đảo Tri Tôn - Bom Bay (quần đảo Hoàng Sa) vào ngày 12.12.2015. Là vụ cứu tàu cá BĐ 96652-TS cùng 6 ngư dân gặp nạn ở vùng biển đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) vào ngày 8.11.2015. Vụ cứu tàu cá BĐ 95744-TS cùng 8 ngư dân gặp nạn ở vùng biển phía Đông - Nam quần đảo Hoàng Sa vào ngày 23.1.2015.
Đặc biệt, vụ cứu tàu cá Bình Định gặp nạn vào năm 2005 để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên. Lúc đó, tôi mới về nhận nhiệm vụ thuyền trưởng tàu SAR 412, thì nhận lệnh đi cứu tàu cá BĐ 1867-TS cùng 10 ngư dân. Tàu này bị chết máy và trôi dạt trên biển giữa sóng gió cấp 6, cấp 7, phát tín hiệu cứu nạn xong thì mất liên lạc hoàn toàn với đất liền. Vì vậy, tôi chỉ còn biết cách dựa vào kinh nghiệm đi biển để tính toán, xác định vị trí ban đầu tàu gặp nạn, dự đoán hướng tàu đang trôi dạt và tổ chức tìm kiếm. Sau một ngày một đêm ròng rã tìm kiếm trên biển, chúng tôi mới gặp được tàu bị nạn. Khi cứu được thì tàu cá đã trôi dạt trên biển 5 ngày, các ngư dân đều kiệt sức.
Đối với Bình Định, tàu SAR 412 đã cứu được gần 70 ngư dân, lai dắt 5 tàu cá vào bờ.
Tàu SAR 412 lai dắt tàu cá BĐ 96652 -TS cùng 7 ngư dân gặp nạn cập cảng Hải đoàn biên phòng 48 an toàn. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Cờ Tổ quốc tung bay giữa Hoàng Sa
Trong số gần 100 vụ cứu nạn mà thuyền trưởng Phan Xuân Sơn chỉ huy tàu SAR 412 thực hiện từ năm 2005 đến nay, có 32 vụ cứu nạn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Trong những lần làm nhiệm vụ đó, tàu SAR 412 luôn bị tàu hải cảnh, hải giám và máy bay Trung Quốc bao vây, quần thảo trên đầu để cản trở, uy hiếp. Dù vậy, thuyền trưởng Phan Xuân Sơn vẫn bình tĩnh, kiên quyết chỉ huy tàu cứu các ngư dân đưa về đất liền an toàn.
● Những lần gặp sự khó khăn và nguy hiểm như vậy, thuyền trưởng xử lý thế nào?
- Hầu như chuyến ra khơi cứu nạn nào ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu SAR 412 cũng phải đối mặt với tàu Trung Quốc và bị họ cản trở. Trong những trường hợp như thế, với trách nhiệm thuyền trưởng, tôi luôn đưa ra chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, quyết đoán, để các thủy thủ trên tàu vững vàng tâm lý. Nếu thuyền trưởng dứt khoát, không dao động, thì các thuyền viên không bao giờ nao núng. Nhờ vậy, dù bị cản trở, nguy hiểm nhưng chúng tôi đều tổ chức cứu nạn ngư dân thành công, an toàn.
Tàu SAR 412 lai dắt tàu cá BĐ 95744-TS cùng 8 ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa vào bờ. Ảnh: Tư liệu của tàu SAR 412
● Được biết, vụ cứu 11 ngư dân trên 2 tàu cá Bình Định bị mắc cạn và chìm tại đảo Chim Én vào ngày 11.2.2015 được cho là cam go nhất, nguy hiểm nhất nhưng cũng để lại trong ông và tập thể tàu SAR 412 nhiều xúc động, tự hào nhất?
- Thời điểm đó, tàu chúng tôi nhận lệnh đi cứu tàu cá BĐ 95427-TS, do ông Lê Hồng Vương (ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng và tàu cá BĐ 95569-TS do ông Trần Văn Quốc (ở thôn Nhuận An, xã Hoài Hương) làm chủ kiêm thuyền trưởng, cùng bị mắc cạn và chìm tại đảo Chim Én. Tổng cộng hai tàu này có 11 ngư dân.
Cam go, nguy hiểm là do trong quá trình tiếp cận tàu cá gặp nạn, tàu SAR 412 luôn bị các tàu và máy bay quân sự Trung Quốc bám sát. Khi tàu cách đảo Phú Lâm khoảng 20-25 hải lý thì có một tàu hải quân của Trung Quốc trang bị pháo ở mũi bám theo từ vòng ngoài.
Sau khi cứu được các ngư dân trên tàu cá BĐ 95427-TS, tàu SAR 412 tiếp tục tiếp cận vị trí tàu BĐ 95569-TS để cứu nạn thì lại có thêm một tàu hải cảnh của Trung Quốc cùng một máy bay quần thảo xung quanh tàu cứu hộ gây áp lực. Các tàu của Trung Quốc dùng loa phát bằng hai thứ tiếng Trung Quốc và Việt Nam, yêu cầu tàu SAR 412 rút khỏi khu vực này. Tôi dùng loa phát bằng tiếng Anh và Việt với nội dung: “Đây là tàu cứu nạn của Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Chúng tôi đang cứu một tàu cá của Việt Nam đang gặp nạn, các ông không được cản trở và không có quyền cản trở”. Phía Trung Quốc tiếp tục mở súng ống trên tàu ra đe dọa, nhưng chúng tôi vẫn quyết định cho hạ xuồng cứu hộ vào đảo cứu các ngư dân. Khi tàu SAR 412 hoàn thành việc cứu nạn, quay trở về thì tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn đeo bám theo đến hơn 60 hải lý mới thôi.
Điều khiến tất cả tập thể tàu SAR 412 xúc động, tự hào là chúng tôi chứng kiến việc, trước khi rời tàu cá BĐ 95569-TS bị mắc cạn để lên tàu cứu nạn, thuyền trưởng tàu cá Trần Văn Quốc vẫn kịp treo lá cờ Tổ quốc còn mới tinh lên mũi tàu bị mắc cạn để nó mãi tung bay giữa bốn bề Hoàng Sa. Hình ảnh lá cờ Việt Nam bay phấp phới giữa quần đảo Hoàng Sa thật vô cùng ý nghĩa và ấn tượng mà chúng tôi không thể nào quên. Hình ảnh ấy luôn nhắc nhở chúng tôi phải vượt qua mọi khó khăn để làm tốt hơn nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN PHÚC (Thực hiện)