Sức sống một con đường
Cuối năm 2005, tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan (còn gọi là tỉnh lộ 639) dài hơn 100 km chính thức được khánh thành, đã làm nức lòng bao người dân địa phương. Hơn 10 năm đưa vào khai thác, sử dụng, con đường huyết mạch này đã tạo sức bật mạnh mẽ trong việc phát triển KT-XH cho các xã ven biển của tỉnh.
Đường ven biển đoạn qua xã Cát Hải (Phù Cát).
“Đánh thức” những vùng đất khó
Những ngày giữa tháng 5, chạy xe máy trên quãng đường dài hơn 100 km, đi qua nhiều địa phương ven biển của tỉnh, từ TP Quy Nhơn đến các huyện: Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, đi đến đâu, chúng tôi cũng nhận thấy bộ mặt KT-XH ở các địa phương ven biển có sự đổi thay đến kỳ diệu.
Tỉ như hơn 12 năm trước, xã Cát Hải (Phù Cát) từng được mệnh danh là vùng đất “3 đèo 4 động”, giao thông cách trở, cái đói, cái nghèo luôn đeo bám. Vậy nhưng, khi đường ven biển hình thành ngang qua địa bàn xã, đã tạo điều kiện đổi đời cho người dân Cát Hải.
Nông dân xã Cát Hải đầu tư hệ thống phun nước tự động để tưới cho cây đậu phụng.
Ông Võ Kế Cu, một người dân ở thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải), tâm sự: “Tuyến đường ven biển qua địa bàn xã hoàn thành đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội giao thương cho nông sản địa phương. Nhờ đó, người dân chúng tôi đã mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu từ các loại cây trồng cạn, như cây hành, cây đậu phụng... Hàng năm, gia đình tôi sản xuất 6 sào đậu phụng, 2 sào hành, thu nhập đều đặn trên 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng. Khoảng 2 năm nay, bà con trong thôn đã lắp đặt thiết bị tưới phun mưa tự động trên ruộng hành, ruộng đậu phụng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước”.
Theo ông Lê Văn Diêu, Chủ tịch UBND xã Cát Hải: “Tuyến đường ven biển mở ra động lực đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Xã đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, Cát Hải từ chỗ nằm trong diện đặc biệt khó khăn nay đã trở thành xã có thu nhập trong tốp đầu của huyện Phù Cát; thu nhập bình quân đầu người toàn xã năm 2015 đạt gần 27 triệu đồng”.
Nuôi tôm trên cát dọc đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan thuộc địa bàn xã Mỹ An.
Tuyến ĐT 639 hình thành đã phá thế cô lập 3 bên là núi, phía còn lại là biển của vùng đất Lộ Diêu thuộc xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn). Hai con đèo Phú Thứ và Lộ Diêu giờ đã không còn là nỗi ám ảnh của hơn 2.000 người dân nơi đây.
Chỉ tay về phía ngọn núi trước mặt với các dấu tích của con đường đèo um tùm lau lách ngày trước, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, nói: “Đấy, anh thử tưởng tượng xem, bao đời nay người dân Lộ Diêu phải vượt qua những ngọn đèo cheo leo như vậy. Phương tiện duy nhất để đem những sản phẩm từ ruộng, vườn ra thị trường chỉ có đôi thúng oằn trên vai những người phụ nữ. Có đường ven biển, nhiều tiềm năng kinh tế của địa phương đã và đang được phát huy và khai thác có hiệu quả”.
Hiện nay, thôn Lộ Diêu đã phát triển được đội tàu cá trên 50 chiếc chuyên khai thác xa bờ và 42 tàu cá công suất nhỏ đánh bắt gần bờ, với các ngành nghề truyền thống như lưới chuồn, lưới cảng, câu tay, khai thác tôm hùm giống... Ở Lộ Diêu, còn một bộ phận người dân từng bước giàu lên từ trồng rừng và chăn nuôi. Hiện toàn thôn có 155 hộ, trồng từ 1-4 ha rừng nguyên liệu giấy/hộ. Chăn nuôi phát triển khá, nhiều hộ nuôi từ 10-20 con bò, thu lãi 80-100 triệu đồng/năm.
Bãi biển thôn Lộ Diêu thuộc xã Hoài Mỹ (Hoài Nhơn).
Mở hướng phát triển
Con đường chạy qua những động cát hoang vu giờ đã thành những hồ nuôi tôm cho thu nhập cao; những cánh đồng lúa, những vựa rau xanh tốt; những xóm làng đông vui. Đường ven biển mở ra vận hội mới cho những làng chài nghèo đi lên. Đây cũng là con đường mở hướng khai thác tiềm năng du lịch cho cả một dải biển xanh cát trắng thơ mộng, yên bình phía Đông Bắc tỉnh.
Tuyến đường Nhơn Hội - Tam Quan đã góp phần làm đổi thay một cách kỳ diệu cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ở các xã ven biển. Từ con đường này, các xã ven biển của tỉnh đã vượt qua thời kỳ khó khăn, đã và đang vươn mình lớn dậy trong hành trình đi tới tương lai
Ông ĐỖ NGUYÊN ĐỨC, Phó Giám đốc Sở GTVT
Nhiều người dân cả cuộc đời gắn liền với khu vực đầy cát và gió ở vùng ven biển Nhơn Hội - Tam Quan đều cho rằng: Nhà nước đã xây dựng cho nhân dân nơi đây một tuyến đường “đổi đời”. Theo lời ông Lê Văn Diêu, giao thông thuận lợi sẽ còn đưa kinh tế địa phương phát triển hơn nữa trong vài năm tới. Đặc biệt là sự kiện UBND tỉnh trao Giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện Dự án Khu giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam với tổng diện tích trên 60 ha tại xã Cát Hải, tổng vốn đầu tư 210 tỉ đồng. Hiện nay, Ban quản lý Khu kinh tế đang tích cực phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư. Đây là cơ hội để Cát Hải đánh thức tiềm năng, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong một tương lai gần.
Chia sẻ về tầm quan trọng của tuyến ĐT 639 đối với địa phương, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, đánh giá: Tuyến đường ven biển đã tạo kết nối thông thương cho các xã khu vực ven biển của tỉnh. Vì thế, trong chiến lược phát triển kinh tế, huyện Phù Mỹ xác định kinh tế biển là mũi nhọn hàng đầu. Hiện nay, huyện đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi tôm trên cát thuộc các xã Mỹ An, Mỹ Thắng và Mỹ Đức; quy hoạch tổng thể và chi tiết dự án nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, với tổng diện tích 460 ha. Phù Mỹ đã giao trên 100 ha đất ven biển cho Tập đoàn Việt - Úc thực hiện dự án nuôi tôm siêu thâm canh tại xã Mỹ Thành; xây dựng bến cá Tân Phụng (xã Mỹ Thọ) và đang mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển.
Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh từ con đường chiến lược này, cần quan tâm sửa chữa, nâng cấp, mở rộng kịp thời những đoạn đường đang bị hư hỏng, xuống cấp. Có như vậy, tỉnh lộ 639 mới thật sự đem tới sự phồn thịnh và tạo nên “cú hích” mạnh mẽ hơn cho tiến trình phát triển KT-XH ở các địa phương ven biển Bình Định.
NGUYỄN HÂN
Tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan dài 107 km; điểm đầu tại xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), chạy dọc ven biển theo hướng Bắc qua các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, điểm cuối nối với quốc lộ 1 tại km1130 thuộc thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn), tổng vốn đầu tư 246 tỉ đồng, khánh thành vào tháng 8.2005. Trên tuyến đường này có 3 cầu lớn là cầu Cát Minh (dài 154 m), Hà Ra (312 m), Lại Giang (540 m) và 5 đèo. Tuyến đường được xây dựng với quy mô đường cấp 6 đồng bằng, bề mặt đường rộng 6,5 m, nền đường 3,5 m (các đoạn đèo và đoạn từ cầu Hà Ra đến cầu Lại Giang rộng 6 m), có tải trọng 13 tấn. Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa dày 7 cm. Cầu, cống thiết kế có tải trọng 13 tấn.