Một nghị lực phi thường & mênh mông tình mẹ
Chào đời tháng 2.2007, chưa đầy một năm sau, cháu Nguyễn Quang Khang (ở thôn Tráng Long, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), phải nhập viện điều trị bệnh teo cơ tủy bẩm sinh (SMA - Spinal Muscular Atrophy). Từ đó đến nay đã 8 năm, Khang chưa một lần về lại nhà. Trên giường bệnh em lớn dần lên trong tình thương mênh mông của mẹ và sự yêu thương, chăm sóc tận tình của thầy thuốc, nhân viên y tế Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi (BVÐK tỉnh).
Chị Lê Thị Trò cho Khang uống sữa.
Năm 21 tuổi, chị Lê Thị Trò (SN 1973) - mẹ của cháu Khang - có con trai đầu lòng, sau đó chị có 2 cháu trai nữa. Nhưng không may cho vợ chồng chị, chỉ có người con đầu được bình thường, 2 người con sau đều mắc bệnh hiểm nghèo. Người con thứ hai mắc bệnh SMA, ở với cha mẹ không bao lâu thì qua đời. Khang là con thứ ba, 8 năm nay, cũng như người anh, Khang phải chống chọi với căn bệnh SMA quái ác đó.
Bất hạnh
Có lẽ, đó là hai từ phù hợp nhất khi nói về vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hoàng (SN 1969) và chị Trò. Anh Hoàng suy sụp, hoang mang cùng cực khi biết Khang cũng mắc bệnh SMA và cũng từ đó, bệnh tiểu đường của anh chuyển biến nặng hơn. Chị Trò cũng chẳng hơn gì chồng, những ngày đầu đưa con đến bệnh viện, chị rũ xuống như tàu chuối hơ trên lửa. Nhưng rồi, chị gạt nước mắt, gượng đứng dậy để chăm con.
Mặc ruộng vườn thiếu người cấy trồng chăm bón, mặc nhà cửa không người trông nom, lo liệu và mặc gia cảnh ngày càng khó khăn, kiệt quệ, chị Trò ở luôn trong bệnh viện ôm ấp, ẵm bồng Khang. Tình thương mênh mông dành cho con không chỉ giúp chị vượt qua bao khó khăn không lường hết, mà còn thắp sáng trong trái tim chính mình niềm hy vọng mong manh.
Khi Khang đến tuổi đi học, chị Trò nảy ra ý định dạy chữ cho con. Thế là Khang học chữ, học làm tính từ mẹ. Từng ngày, từng ngày bên giường bệnh, chị Trò kiên trì, tỉ mẩn chỉ cho con học, cầm tay con tập viết, giúp con làm toán. Bây giờ, Khang đã có thể ghép vần những từ đơn giản và làm được toán cộng, trừ ba con số. Còn vẽ, không ai chỉ dạy, thấy Khang thích, chị Trò tìm giấy bút, làm giá vẽ cho con.
Tôi thăm Khang vào một buổi trưa đầu tháng 5.2016. Trên giường bệnh đặt gần tường, Khang nằm nghiêng, miệng ngậm ống thở, tay phải cầm bút lông vẽ tranh. Giá vẽ là tập giấy trắng khổ A4 xếp theo chiều đứng đặt trước mặt. Trên chiếc ghế nhựa đặt cạnh giường, chị Trò âu yếm dõi ánh mắt theo từng nét bút của con.
Các bác sĩ đang thăm khám cho cháu Khang.
Những bức tranh khiến nhiều người rơi nước mắt
Từ năm 2014 đến nay, trên giường bệnh, Khang nằm vẽ hàng trăm bức tranh về phong cảnh, về chó, mèo, chim muông, hoa lá… Lúc đầu nét vẽ còn đơn giản, sơ sài; càng về sau lại càng cứng cáp. Và đến nay, mỗi bức tranh của Khang, dù có chú thích hay không, cũng đều mang đến cho người xem một thông điệp nào đó.
Mới đây, nghe người quen nói về trường hợp của Khang, một phụ nữ từ Hà Nội đã bay vào Quy Nhơn, đến Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi, BVĐK tỉnh tìm thăm mẹ con Khang và được Khang gửi tặng 150 bức tranh em đã vẽ trong những tháng trước đó. Nhiều bệnh nhi và người nhà bệnh nhi cũng được Khang vẽ tranh tặng. Khang vẽ những con vật, những phong cảnh họ thích; bên dưới mỗi bức tranh đều có chữ của Khang đề tặng. Hàng trăm bức tranh màu Khang nằm vẽ trên giường bệnh được nhiều người đón nhận, gìn giữ như một cách chia sẻ niềm tin và sức sống mãnh liệt với mẹ con Khang.
Do phải luôn ngậm ống thở nên Khang nói không được tròn tiếng khi trò chuyện với người khác và chị Trò phải “dịch” lại. Và đây là bản “dịch” nội dung Khang trả lời câu hỏi của tôi:
- Cháu có vẽ bức tranh nào cho riêng mình không?
- Dạ có! Cảnh đi chơi với bạn là mơ ước của cháu. Cảnh chữa bệnh là lời cảm ơn của cháu dành cho các cô, các chú bác sĩ đang chữa bệnh cho cháu. Đó là những bức tranh cháu vẽ cho riêng mình. Mai mốt, cháu sẽ vẽ cảnh mẹ cháu chăm sóc cho cháu nữa. Khi hết bệnh, cháu sẽ học làm họa sĩ.
“Khi cháu Khang thích vẽ, tôi thật sự rất vui mừng. Tôi động viên để cháu vẽ càng nhiều càng tốt, bởi đó là cách để cháu cảm nhận niềm vui cuộc sống”
Chị Trò vừa “dịch”, vừa lục tìm trong xấp giấy A4 lấy ra hai bức tranh trên. Và tôi lặng mình, thấy mắt mình cay cay khi cầm nó.
“Khi tôi dạy cho con học chữ, làm tính, cũng có người nói thế này thế kia, kiểu như bệnh vậy thì học để làm gì. Nhưng tôi cứ dạy, cho con và cả cho tôi nữa. Để cháu thấy mình cũng là một người bình thường, hay ít ra cũng là một bệnh nhân bình thường. Còn với tôi, điều đó còn là để gieo một hy vọng, để mẹ con cùng vui với những niềm vui nho nhỏ. Khi Khang thích vẽ, tôi thật sự rất vui. Tôi động viên để cháu vẽ càng nhiều càng tốt, bởi đó là cách để cháu cảm nhận niềm vui cuộc sống” - chị Trò nói.
Bất cứ người mẹ nào cũng thương con, tình thương mênh mông đó được ví như nước nguồn, không bao giờ vơi cạn. Như chị Trò, luôn có niềm tin mãnh liệt, rằng một ngày nào đó, bệnh của con trai mình sẽ được chữa khỏi - điều mà không phải ai cũng có được. Và Khang, dù không được ai dạy nhưng với năng khiếu bẩm sinh, em đã thể hiện mơ ước, tình cảm của mình qua những nét vẽ hồn nhiên, ngộ nghĩnh để quên những cơn đau xé lòng - cũng là hiện tượng hiếm gặp.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi, cho biết: Khang là bệnh nhân đặc biệt của chúng tôi. Cháu nhập viện khi chưa đầy 1 tuổi và cháu ở luôn tại bệnh viện từ đó đến nay. 8 năm qua, cháu liên tục phải thở máy, trong đó có 2 lần ngừng tim do viêm đường hô hấp, nhiễm trùng phổi. Nhưng sau khi được hồi sức cấp cứu, Khang đã trở lại bình thường. Đây là một trường hợp hiếm gặp không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, bởi lẽ y văn thế giới chưa ghi nhận bệnh nhân nào phải thở máy liên tục mà sống được trong thời gian dài như vậy. Có thể nói, Khang là một người có nghị lực phi thường.
Những người bạn - tranh của Nguyễn Quang Khang.
Mênh mông tình mẹ
Mẹ cháu Khang cũng là một điển hình về tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ. 8 năm qua, chị cần mẫn, tận tụy chăm sóc con rất tốt trong điều kiện áp lực rất lớn ở Khoa Hồi sức - Cấp cứu nhi. Với sự quan tâm và phối hợp tốt với các y, bác sĩ, chị Trò đã giữ không để Khang bị lở loét do phải nằm thường xuyên.
Tôi tìm hiểu về trường hợp cháu Khang ban đầu là bởi thông tin về một bệnh nhân nhi có năng khiếu hội họa. Nhưng khi gặp và biết thêm thông tin về cháu, tôi biết mình đang tìm hiểu về một người có nghị lực sống - đúng như bác sĩ Dũng đã nói - một người có nghị lực phi thường. Cách Khang ghi nhận diễn biến xung quanh, lắng nghe những gì đang diễn ra quanh mình và trải mình trên giấy qua những gam màu tươi tắn, là một minh chứng sống động.
Kể lại câu chuyện này, tôi muốn nhắc nhở mình luôn giữ vững niềm tin trong cuộc sống và hy vọng được mọi người chia sẻ.
Bệnh teo cơ tủy sống (SMA) là bệnh lý teo cơ do tổn thương tế bào vận động số II tại tủy sống. Bệnh có tính di truyền lặn, tổn thương theo cơ chế chết tế bào đã định trước (programmed cell death apoptosis). Về điều trị, hiện nay kể cả thế giới cũng chưa có phương pháp điều trị nào đặc hiệu.
MAI LINH GIANG
Sau khi đọc bài viết này, tôi rất xúc động. Trong dịp 1/6 này, bên cạnh việc tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi cho các cháu thiếu nhi, tôi nghĩ các tổ chức đoàn thanh niên nên quan tâm nhận đỡ đầu giúp đỡ cho những trường hợp như cháu Khang. Dân gian có câu giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo, đó là đối với những trường hợp đột xuất, riêng trường hợp này rất cần phải "giúp nghèo", vì cháu đã nằm viện liên tục 8 năm, và có thể cháu sẽ còn nằm điều trị dài ngày nữa. Gia đình cháu cũng đã hết phương. Tôi rất mừng vì sáng nay khi trao đổi ý tưởng này, Bí thư Đoàn thanh niên Công an tỉnh Bình Định rất hưởng ứng. Mong rằng đây sẽ là tín hiệu tốt cho cháu Khang và gia đình.