O2 - vẫn còn xa lắm
Ðặt chân trên con đường độc đạo lên làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh lần này, tôi vẫn vẹn nguyên cái cảm giác của hơn 20 năm về trước, khi lần đầu tiên đến ngôi làng xa và khó khăn nhất của huyện Vĩnh Thạnh này, dẫu từ đó đến nay, tôi cũng đã vài lần trở lại. Có đi mới thấy hết sự nhọc nhằn và cảm nhận sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây, khi những con dốc cao dựng đứng kia luôn muốn níu chân người.
Một góc làng O2 hôm nay.
Muốn lên O2 phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ băng rừng đi bộ, đoạn dốc thì mặt người đi sau chạm gót chân người đi trước; những rễ cây, gốc cây bên đường thành điểm bấu víu để bước tới, đoạn sông suối thì xắn quần mà lội. Bởi vậy, những người từng công tác ở Vĩnh Thạnh thường hay tính số lần lên O2 để “khoe” với nhau.
Lần đầu tôi lên làng O2 vào năm 1995, khi làng còn thuộc xã Vĩnh Sơn. O2 hồi đó heo hút lắm. Cả làng có 19 hộ đồng bào Bana dựng nhà trên một triền đồi, nhà nào cũng bằng tranh tre nứa lá, chẳng ai thạo tiếng Kinh, và người học cao nhất làng chỉ mới hết lớp 3. Giao thông ách tắc nên dân làng sống đúng nghĩa tự cấp tự túc.
Đến nay, khi đời sống người dân miền núi Vĩnh Thạnh có nhiều thay đổi, bao nhiêu thôn, làng đã có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm… thì O2 vẫn thiếu nhiều thứ lắm.
Cần lắm một con đường
Trong câu chuyện của dân làng O2 với bất cứ người khách nào, chuyện về con đường luôn là phần mở đầu và cũng là lời nhắn gởi khi tạm biệt. Đời sống của dân làng O2 luôn gặp khó khăn, nông sản làm ra bán không được giá cũng một phần do đi lại trắc trở.
Bok Hun, già làng O2, năm nay đã 107 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, trò chuyện với khách mà mắt nhìn xa xăm: “Bok nghe nói năm kia (2014-N.V), huyện đã khảo sát làm đường lên đây, nhưng 2 năm rồi không thấy nói nữa, chắc là do nhiều tiền quá. Không biết bok có sống được để thấy con đường không”.
Cầu treo O2 bị sập, giờ muốn lên O2 phải lội qua sông Côn.
Năm 2012, huyện đầu tư xây dựng cầu treo bắc qua sông Côn, đoạn lên làng O2, mở ra hy vọng tràn trề: Có cầu rồi sẽ có đường! Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, trận lũ lớn năm 2013 đã giật phăng chiếc cầu xuống sông Côn. Giờ đây qua sông chỉ còn cách lội.
Bởi vậy, chuyện 5 hộ dân ở O2 mua xe máy đem về, kể cho người dưới xuôi nghe cứ như là chuyện hài hước. Anh Đinh Văn Sơn kể: “Mình xuống dưới xã, thấy nhiều xe máy quá, còn làng mình chẳng có cái nào. Vậy là mình mua một chiếc, nhờ mười mấy đứa thanh niên trong làng khiêng lên, mất một ngày trời. Mình mua xe để chạy trong làng cho vui thôi, chứ đường đâu mà chạy”. Sau anh Sơn, đã có thêm 4 hộ nữa mua xe. Tiếng động cơ xe máy rền lên vào mỗi chiều rảnh rỗi cũng làm cho O2 bớt đi phần nào sự heo hút.
Không chỉ thiếu đường, O2 còn thiếu điện, thiếu nước. Những tấm panel điện mặt trời được lắp đặt từ những năm 90 của thế kỷ trước, nay đã hư hỏng nhiều. Tuabin thủy điện nhỏ do bà con tự mua về lắp đặt, tận dụng sức nước từ con suối cạnh làng, số phận cũng chẳng khá hơn. Chiếc máy nổ do huyện cấp chạy bằng dầu diezel, mỗi tối chạy 2 tiếng, thì hay hỏng vặt. Bá Khít chỉ chiếc tivi đã phủ bụi trong góc nhà sàn, bảo: “Cả năm rồi nó không nói gì cả vì thủy điện nhà mình hư rồi, máy nổ của làng thì cũng đau lên đau xuống”.
Nguồn nước sinh hoạt ở O2 chủ yếu là nước suối. Ở giữa làng, bà con đào chung 2 hố nước cạnh khe suối, một để lấy nước uống và một để tắm rửa, giặt giũ. Nhà nào có điều kiện thì mua ống nhựa dẫn nước về chứa trong bể làm bằng ván ghép lót bạt. Mùa khô suối cạn tít dưới sâu, muốn lấy nước về chẳng có cách nào khác là phải gùi cõng từng can.
Trường lớp học ở O2.
Đổi thay trong gian khó
Từ 19 hộ dân ban đầu, nay O2 đã có 47 hộ với 183 nhân khẩu, dâu rể là người tại làng và cả người làng khác. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng làng O2 hôm nay cũng có những đổi thay đáng mừng. Những ngôi nhà vách gỗ, mái tôn vững chãi thay dần nhà tre nứa. Hôm tôi lên O2, anh Đinh Văn Nhin đang làm nhà mới. Nhà sàn của anh Nhin to nhất làng, dài 13 m, bằng ván ghép, mái lợp tôn.
Anh Nhin năm nay 35 tuổi, giỏi giang trong chuyện làm ăn. Vì không có đường nên việc chăn nuôi, trồng trọt cũng được anh tính toán, cân nhắc: “Trồng lúa, mì, bắp là để ăn và chăn nuôi. Con gà, con vịt thì làm thực phẩm hàng ngày. Để bán thì phải nuôi con gì có 4 chân mới lùa xuống núi bán được”.
Vậy nên ở O2 bây giờ, chăn nuôi đại gia súc đang được nhiều gia đình đầu tư. Việc quy hoạch lại vùng chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, chăn dắt trâu bò được dân làng thống nhất đưa vào hương ước để cùng thực hiện. Hiện đàn trâu của làng có trên 200 con, đàn bò có gần 140 con, bình quân mỗi hộ có trên 7 con gia súc, hàng năm mang lại nguồn thu không nhỏ.
Những rẫy đất mênh mông ở O2 được bà con trồng các loại cây nông nghiệp như mì, bắp. Chi bộ và ban thôn vận động bà con canh tác trên diện tích rẫy cũ, không phát rẫy mới để bảo vệ rừng theo hợp đồng đã ký kết với Ban quản lý Rừng phòng hộ của huyện. Từ ý thức bảo vệ rừng của bà con, rừng ở O2 gần như là rừng nguyên sinh với nhiều sản vật. Các lâm sản phụ dưới tán rừng được phép khai thác như mật ong, trái ươi, trái xoay mang lại nguồn lợi kha khá cho bà con. Mỗi năm, thanh niên trai tráng O2 đi rừng lấy về cả ngàn lít mật ong. Bá Khít cho hay: “Mùa ong hàng năm, cả làng vào rừng lấy mật, nhà nào nhiều thì được vài ba trăm lít, gia đình mình cũng lấy được không dưới một trăm lít. Giá mật ong rừng luôn ổn định ở mức từ 250-300 ngàn đồng/lít, nên tiền bán mật được bà con xem là một trong những nguồn thu nhập chính trong năm”.
Trong câu chuyện về những đổi thay trong đời sống của bà con ở đây, còn có chuyện con cháu trong làng được đi học ở các trường gần, trường xa. Ở tại làng, có 3 giáo viên thường trực dạy cho 6 lớp, từ mẫu giáo đến lớp 5, mỗi cấp học có 1 lớp với 4 - 5 học sinh. Hết Tiểu học, các em xuống xã Vĩnh Kim học; hết THCS thì xuống huyện học Trường phổ thông Dân tộc nội trú. Giờ xã có gần 20 em học cấp II và khoảng 10 em học cấp III.
Người dân làng O2 sản xuất lúa nước để đảm bảo lương thực tại chỗ.
“Kéo” O2 gần với miền xuôi
Ước mơ cháy bỏng của người dân O2 là có một con đường, để “kéo” O2 gần với miền xuôi. Ông Đinh Cư, Chủ tịch HĐND xã Vĩnh Kim, phân tích: “Nếu có đường thì toàn bộ diện tích rừng và đất có rừng, đất nông nghiệp ở O2 sẽ được khai thác đúng mức, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đó là chăn nuôi, trồng rừng, khai thác lâm sản phụ và trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Điều đó đồng nghĩa với việc vành đai của xã được mở rộng, tăng tốc độ phát triển KT-XH của O2 nói riêng và các vùng lân cận nói chung”.
Có con đường, làng vùng cao này chắc chắn sẽ giàu lên, sẽ mạnh lên.
XUÂN DŨNG