Nghe một người bạn cũ, trầm lành kể chuyện (*)
Tôi gặp anh, Võ Chân Cửu (tức nhà báo Hưng Văn) lần đầu quãng năm 1996, khi anh đến Báo Bình Định thăm lại nơi anh từng làm việc, chào những người bạn cũ. Ấn tượng của tôi về anh khi đó, anh là một người hiền hiền, có nụ cười ấm áp, giọng nói thì trầm lành. Sau này cũng có đôi lần gặp anh ở nhiều nơi, nhưng tịnh không một lần trò chuyện riêng. Mới rồi, thấy có sách bèn mua về đọc cho… vui. Nào ngờ càng đọc ấn tượng từ nhiều năm trước lại dần hiển hiện lên càng lúc càng rõ ràng. Có cảm giác như đang được trò chuyện với một người bạn cũ lành hiền lâu rồi không gặp - văn cũng như người. Cuốn sách tự nhiên dễ đọc hẳn.
Theo dấu nhà thơ, như ở phần Thay lời tựa có nhắc, “không chủ trương đi sâu vào khắc họa chân dung văn học, nhưng ở đây, tính cách các nhà thơ được nhắc đến, ít nhiều cũng cho thấy nét đặc trưng của dòng chảy thơ ca giai đoạn trên (trước 1975-NV). Đậm nét là những nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng của những người đi trước để tự làm mới sáng tác của chính mình… Ở những bài thơ và những nhà thơ được nhắc đến sau cột mốc 1975, người đọc thấy rõ niềm tin mãnh liệt của tác giả về sức sống mãnh liệt của thơ ca trong ngôi nhà nghệ thuật chung”.
Nhiều năm qua, văn học miền Nam trước năm 1975, đặc biệt là thơ ít được các nhà phê bình nhắc đến. Trong văn học sử, giai đoạn này vẫn còn mỏng và ít được các nhà lý luận phê bình nhắc đến, các công trình nghiên cứu lại càng ít hơn. Võ Chân Cửu không có ý bù khuyết, nên Theo dấu nhà thơ không phải là một tập tiểu luận, phê bình, dù đây đó anh cũng nhắc đến kỹ thuật, sáng tạo và thử nghiệm, thậm chí đặt ra câu hỏi “thơ chết từ đâu”. Đúng hơn là anh kể chuyện. Do xê dịch, gặp gỡ, kết giao nhiều, anh có nhiều điều, nhiều chuyện để kể. Và cái cách anh kể rất thú vị. Anh vừa tâm tình vừa trải ra những hồi ức về bạn bè văn nghệ một thuở, nhấn nhá những nhận xét của riêng mình.
Từ những câu chuyện của Võ Chân Cửu, bạn đọc có thể tiếp cận với thế giới người làm thơ ở miền Nam trước 1975 trong một góc quan sát khác. Theo dấu nhà thơ gồm 31 bài viết độc lập nhưng khi đọc xong có cảm giác chúng đan quyện vào nhau và giúp người đọc hình dung được một phần khá rộng về thơ ca trong một giai đoạn tương đối dài. Người đọc sẽ nhìn ra những nét phác thảo nhẹ và khá riêng tư về Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Tôn Nhan, Kim Tuấn, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Miên Thảo… và thật thú vị, Võ Chân Cửu dành cho đồng hương và quê hương của mình khá nhiều tình cảm. Ở đó ta còn gặp lại thời trai trẻ sôi nổi của Mang Viên Long (Như những giọt sương), chính tác giả và mảnh đất Tân Thanh, Phù Cát tựa lưng vào vách núi trông ra biển hiển hiện lên sao mà thân thuộc (Cánh đồng bỏ hóa).
Phần lớn các trang sách, Võ Chân Cửu dành cho ngày cũ, người cũ, nhưng anh cũng không để quên những dòng thời sự văn học nghệ thuật. Bằng chứng là Võ Chân Cửu xác nhận giọng thơ của Nguyễn Phong Việt “không có gì mới, ngôn ngữ thơ không hề khoe chữ hay cao xa, bí hiểm. Anh chỉ diễn tả những cảm xúc rất thực trong những khoảnh khắc rất thường tình trong đời sống bằng những lời thơ thủ thỉ mang âm điệu tâm tình rất ngọt ngào”. Thơ là thế! Và nếu không đọc kỹ, không theo dõi thường xuyên chắc khó nhận xét tinh tế đến thế.
Nhà văn Cao Duy Thảo kể rằng, ông đọc Tinh sương và Đại mộng của Võ Chân Cửu ngay khi vừa từ rừng ra và có cảm giác rất lạ: u uẩn và bảng lảng. Và sau khi đọc Theo dấu nhà thơ, Cao Duy Thảo nhận xét: Võ Chân Cửu góp phần làm sáng lại gương mặt các nhà thơ miền Nam trước 1975. Được như vậy cũng là rất nhiều với một tập sách mỏng chỉ có 260 trang in.
Võ Chân Cửu sinh năm 1952 tại Bình Ðịnh. Làm thơ, viết văn từ năm 1965, năm 1968 vào Sài Gòn học. Ký tên Võ Chân Cửu từ năm 1968; chủ biên tập san Thi Ca. Sau năm 1975, một thời gian dài Võ Chân Cửu viết báo với bút danh Hưng Văn.
Ðã xuất bản: Tinh Sương (Thi Ca, SaiGon 1972), Ðại Mộng (Nhị Khê, Sai Gon 1973), Trường ca Quảy Ðá Qua Ðồng (1974), Ngã Tư Vầng Trăng (NXB Trẻ 1990), Trước Sau (Thư Ấn Quán, 2011), Ngọn Gió (NXB Văn Học 2011), 22 Tản mạn (NXB Hội Nhà văn 2015).
CHU TRUNG THÍNH VŨ
(*) Đọc Theo dấu nhà thơ của Võ Chân Cửu, NXB Hội Nhà văn, 2015