Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - Bình Định 2016:
Giao lưu võ thuật tại Võ đường Lê Xuân Cảnh
Sáng 3.8, trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VI - Bình Định 2016, 12 đoàn võ thuật trong và ngoài nước hội ngộ cùng võ đường Lê Xuân Cảnh và làm nên những màn biểu diễn ấn tượng tại chùa Thiên Hưng (phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn).
Màn trống rộn rã chào mừng các đoàn võ thuật về giao lưu tại chùa Thiên Hưng của võ sinh võ đường Lê Xuân Cảnh.
Từ sáng sớm, võ sinh của võ đường Lê Xuân Cảnh đã tập trung đông đủ và háo hức chào đón 12 đoàn võ thuật đến từ các tỉnh và nước bạn.
Theo võ sư Lê Xuân Cảnh, tại buổi giao lưu, võ đường mang đến các tiết mục: trống hội; cờ trận Tây Sơn; các bài quyền Thiết phiến, Song phượng kiếm, Địa đường đao, Bạch hạc sơn quyền, Long môn kiếm, Roi bát quái...
Võ sinh đoàn Bình Dương hào hứng giao lưu với các võ sinh võ đường Lê Xuân Cảnh.
“Đây đều là những bài quyền đặc trưng của võ cổ truyền Bình Định và được biểu diễn bởi những võ sinh trẻ tuổi. Dịp này là cơ hội cho các cháu được thể hiện những khổ luyện bấy lâu nay và học hỏi thêm từ các bạn bè, anh chị, cô chú có chung tình yêu võ thuật”, võ sư Lê Xuân Cảnh cho biết thêm.
Ba đoàn võ thuật quốc tế gây ấn tượng bởi nhiều tiết mục đặc sắc. Võ sinh của võ đường Tiểu long đường (Pháp) nhận về nhiều tràng pháo tay với Pháp thần quyền, Thanh long độc kiếm... và màn biểu diễn đối kháng.
Đoàn Quảng Ngãi đến Liên hoan với nhiều võ sinh nhí.
Võ sư Stephane Lesoil (45 tuổi), trưởng đoàn Tiểu long đường cho biết, võ đường được ông thành lập cách đây 17 năm. Đam mê võ thuật, từng học Judo, Karate, ông “bén duyên” với võ cổ truyền Việt Nam từ khi gặp gỡ một vị võ sư người Việt tại Pháp. Sau đó, ông Stephane tìm về Việt Nam và học võ cổ truyền từ võ sư Hà Thị Yến Oanh (TP Hồ Chí Minh).
Võ sư Lê Xuân Cảnh tặng quà giao lưu cho các đoàn võ thuật trong và ngoài nước.
“Vừa tham gia Giải vô địch thế giới võ cổ truyền Việt Nam quốc tế 2016 vào tháng 7 vừa qua, võ đường Tiểu long đường tiếp tục tham gia Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần VI tại Bình Định. Lần đầu tiên tham gia liên hoan võ tại Bình Định, chúng tôi rất ấn tượng với quy mô và màn biểu diễn của các đoàn bạn”, võ sư Stephane Lesoil chia sẻ.
Võ sinh của võ đường Tiểu long đường (Pháp) gây ấn tượng với màn biểu diễn đối kháng.
Trong khi đó, các đoàn võ thuật trong nước lại mang đến nhiều màu sắc riêng biệt. Đoàn Khánh Hòa với các màn biểu diễn tập thể đẹp mắt với các binh khí như quạt, cung tên... Đoàn Quảng Ngãi dành nhiều thời lượng cho các bài biểu diễn côn sắc sảo. Đoàn Vũng Tàu với các bài đồng diễn thể hiện tính nhu của võ thuật. Cũng giống như đoàn chủ nhà - võ đường Lê Xuân Cảnh, các đoàn võ thuật của tỉnh bạn đều có những tiết mục do các võ sinh nhí biểu diễn nhằm thể hiện tính tiếp nối về thế hệ trong học võ.
Một tiết mục đặc sắc của võ đường Văn Lang võ đạo (Algerie).
Qua 12 giờ trưa, sức nóng của sàn đấu tiếp tục tăng lên bởi các màn biểu diễn công phu khiến người kinh ngạc của 2 đoàn võ đường Nam thiếu lâm tự (TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) và đoàn Bình Dương. Đó là Thiết đầu công, Thiết quyền công, Trốc cước công... của võ đường Nam thiếu lâm tự và Kim cương công... của đoàn Bình Dương.
Một tiết mục của đoàn Khánh Hòa.
Những bài phô diễn nội công - công phá như vậy đòi hỏi người học võ phải hết sức khổ luyện. Gây ấn tượng với người xem là võ sinh Tô Quang Dịnh, đến từ võ đường Nam thiếu lâm tự, với 3 bài công phá: thiết đầu công, trốc cước công và thiết quyền công. Nét bình thản, kiên định của người võ sinh trước và sau mỗi bài biểu diễn với đá, gạch làm người xem cảm phục. Anh Dịnh cho biết, để biểu diễn được các màn công phá, người học phải mất từ 1 đến 10 năm trôi rèn. Bản thân anh sau 3 năm kiên trì luyện tập khí công, anh mới có thể biểu diễn được các bài mang tính công phá như vậy.
Biểu diễn đối kháng của đoàn Khánh Hòa.
Võ sinh Tô Quang Dịnh (đoàn Thái Nguyên) biểu diễn thiết đầu công.
Màn biểu diễn thiết quyền công của võ sinh Tô Quang Dịnh.
NGUYỄN MUỘI