Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 6 - Bình Định 2016:
Giao lưu võ thuật tại chùa Long Phước
Sáng 3.8, chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) đón tiếp 14 đoàn võ thuật trong, ngoài nước đến tham quan võ đường và biểu diễn giao lưu trong khuôn khổ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 6 - Bình Định 2016.
Các võ sinh CLB võ chùa Long Phước (Tuy Phước) biểu diễn các thế võ cổ truyền Bình Định tại buổi giao lưu. Ảnh: VĂN LƯU
Các đoàn đến với buổi giao lưu gồm: Tinh Võ Đạo - Nga, Hiệp hội Quyền thuật Pháp, Việt Võ Đạo Italia, Việt Võ Đạo Bồ Đào Nha, Võ Tây Sơn - Bình Định - Marocco, Thiếu Lâm Long Phi - Mỹ, môn phái Thiếu Lâm Long Phi - Bình Dương, Tây Sơn Ngọc Điệp, Hà Trọng Ngự TP Hồ Chí Minh, hội võ Thiên Môn Đạo Hà Nội, 4 đoàn võ cổ truyền của 4 tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng và Hưng Yên.
Lãnh đạo huyện Tuy Phước và trụ trì chùa Long Phước tặng hoa, quà chúc mừng các đoàn về tham dự giao lưu. Ảnh: VĂN LƯU
Năm nay, Liên hoan (LH) Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam (VCTVN) tại Bình Định đến kỳ tổ chức lần thứ 6, cũng là chừng ấy lần chùa Long Phước vinh dự được chọn là một trong những võ đường để đón tiếp các đoàn võ về dự LH đến tham quan, giao lưu võ thuật. Vì vậy, đồng bào phật tử của chùa cũng như người dân địa phương đã quá quen với ngày hội võ này; theo lịch trình, 9h30, chương trình giao lưu biểu diễn tại đây sẽ bắt đầu, song chưa đến 9h đã có đông khán giả hồ hởi đón đợi.
Đoàn người chào mừng với nụ cười hồn hậu trên môi, cùng hoa tươi, nón lá vẫy chào đón khách. Các đoàn võ bước vào cổng chùa Long Phước trong sự đón chào ấm áp như thế. Sau nghi thức dâng hương và phát biểu chào mừng, tặng quà lưu niệm của võ đường chủ nhà - chùa Long Phước, các đoàn võ bước vào chương trình biểu diễn giao lưu đầy hào hứng, hấp dẫn.
Võ sư đoàn Thiên Môn Đạo (Hà Nội) biểu diễn khí công công phu tại buổi giao lưu. Ảnh: VĂN LƯU
Sau tiết mục đồng diễn roi do võ sinh chùa Long Phước biểu diễn mở màn chương trình, trong khoảng 10 phút tiếp quản sân diễn, đoàn Thiên Môn Đạo Hà Nội đã khiến khán giả vỗ tay tán thưởng không ngớt, phấn khích, thậm chí thót tim vì những màn biểu diễn khí công của mình. Ly kỳ như ảo thuật, các bài biểu diễn: công phu - ngự thiết công (dùng các yếu huyệt để chống và đẩy cong thanh sắt 12), công phu - bế mý thu công (dùng mắt nâng vật nặng, mắt cản được sự tấn công của các vật nặng hay sắt nhọn, cụ thể ở đây là lấy thanh sắt chọc thẳng vào mắt, trước sức mạnh vận khí công, hai tròng mắt đã rắn lại như bê tông khiến thanh sắt phải thoái lui, không tìm được đường vào), công phu - nhu công thụ lực (vận khí công khiến chiếc bát dính chặt vào bụng, ở đáy chiếc bát có gắn móc để nối sợi dây, nhiều người to khỏe cùng nắm sợi dây kéo mạnh nhưng không tài nào làm rơi chiếc bát ra, trừ khi người võ sĩ… chịu nhả)… vừa kịch tính, gay cấn vừa có tác dụng như những tiết mục hoạt náo, khiến không khí thưởng thức võ thuật thêm phần vui vẻ, hào hứng.
Biểu diễn võ thuật của đoàn Tinh Võ Đạo (Nga). Ảnh: VĂN LƯU
Được biết, hội võ Thiên Môn Đạo Hà Nội tham gia LH lần này, ngoài 14 người tham gia tại chương trình giao lưu biểu diễn ở chùa Long Phước còn có 10 vận động viên tham gia thi đấu tại Giải Võ cổ truyền Bình Định mở rộng.
Là lần thứ 5 tham gia LH, năm nay, đoàn võ của môn phái Tây Sơn Ngọc Điệp (tại tỉnh Bình Dương) mang đến chương trình biểu diễn giao lưu 6 tiết mục: đồng diễn 2 bài quyền - Tứ trụ quyền bộ và Song long xuất hải, đối luyện tay không - tay không, đối luyện tay không - binh khí, biểu diễn bài Song kiếm xuất thân thế, biểu diễn bài Độc long kiếm. Theo huấn luyện viên Kim Sơn Tĩnh, người đã có 25 năm theo nghiệp võ, môn phái Tây Sơn Ngọc Điệp hiện có khoảng 2.000 môn sinh, ngoài địa bàn tỉnh Bình Dương còn hoạt động ở 5 tỉnh, thành trong nước là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Dương.
Đoàn Tây Sơn Ngọc Diệp biểu diễn các thế võ tại buổi giao lưu. Ảnh: VĂN LƯU
22 thành viên tham gia LH lần này của Tây Sơn Ngọc Điệp đều là những gương mặt trẻ ưu tú của môn phái, ngay cả những môn sinh đang là học sinh phổ thông hay sinh viên, chí ít cũng gần 10 năm theo học võ liên tục. Với môn sinh Tây Sơn Ngọc Điệp, tham gia LH võ tại Bình Định cũng là cách họ về nhà, về nguồn. “Sư tổ của môn phái chúng tôi - võ sư Trọng Đãi - là người gốc Tuy Phước, Bình Định. Chúng tôi rất vinh dự được góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển VCTVN, LH là dịp tốt để chúng tôi được làm quen, gặp gỡ, hiểu hơn, trau dồi chuyên môn về võ với nhiều đoàn võ trong, ngoài nước có chung tình yêu và sở nguyện bảo tồn, phát triển VCT của dân tộc. LH còn tổ chức, chúng tôi còn trở về…”
SAO LY