Hào khí Việt trong thơ đi sứ cuối thế kỷ 18
Sau chiến thắng năm 1789, mối quan hệ bang giao giữa hai nước Việt - Trung được thiết lập trở lại. Theo đó, nhiều nhà nho như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn… được vua Quang Trung cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong những chuyến đi như vậy, hầu hết các nhà nho triều Tây Sơn đều có sáng tác thơ ca, để lại cho đời sau một di sản văn chương giá trị về nhiều mặt.
Trên cái nhìn lịch sử, thơ đi sứ thời Tây Sơn là sự tiếp nối một cách tự nhiên truyền thống sáng tạo của các nhà nho- sứ giả vốn được khởi động, phát triển từ nhiều thế kỷ trước, gắn với vai trò của Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Phạm Tông Mại, Doãn An Phủ, Phùng Khắc Khoan và nhiều tên tuổi khác. Trên tinh thần tiếp nối, các nhà thơ - sứ giả triều Tây Sơn một mặt vẫn thể hiện phong cách chung của dòng thơ đi sứ, mặt khác cũng đã nỗ lực thể hiện tinh thần thời đại mình lên từng thi phẩm.
Như đã biết, ông cha ta ngày xưa đi sứ không chỉ để thực thi bổn phận chính trị mà còn vì một nhiệm vụ cao cả khác là khẳng định tầm vóc, bản sắc văn hóa dân tộc mình. Điều này ngoài nhu cầu tự nhiên còn có một lý do khác trực tiếp, đó là chống lại tư tưởng Hoa - Di. Tư tưởng này là sản phẩm của giai cấp phong kiến Trung Quốc, thể hiện thái độ tự đắc, thành kiến với các dân tộc khác. Cụ thể, người Hán tự cho mình là văn minh (Hoa), còn các dân tộc khác đều thấp hèn, man di mọi rợ (Di). Tư tưởng này tồn tại dai dẳng suốt thời trung đại. Và trên thực tế, nó đã chi phối sâu sắc quan hệ ứng xử của các triều đại phong kiến Trung Quốc đối với lân bang, trong đó có nước ta. Vì lẽ đó, việc khẳng định dân tộc đã trở thành một nhu cầu bức thiết, được hầu hết các nhà nho đi sứ thấm nhuần, xem đó là trách nhiệm không được thoái thác.
Làm thơ, đối với các nhà nho, là một thú vui cá nhân tao nhã, cốt để thù tạc, ngâm vịnh cảnh sắc thiên nhiên. Nhưng với các nhà nho đi sứ, công việc làm thơ còn là để giới thiệu với người Hán khả năng nghệ sĩ của người phương Nam. Chúng ta hiểu vì sao nhà nho Đoàn Nguyễn Tuấn trước câu hỏi của viên quan người Hán về phong cảnh nước Nam đã trả lời bằng bài thơ “bút tẩu” (vừa đi vừa sáng tác). Bài thơ “Hồi đáo Hán cảnh, Hán quan nhân thư thỉnh vấn An Nam phong cảnh như hà, dư độc dĩ đáp” (Trở về đến vùng đất Hán, quan người Hán viết thư hỏi phong cảnh nước Nam ra sao, ta đọc thơ này để đáp): Cảnh vật nước Nam, khách hỏi a?/Nước Nam cảnh vật, khác Trung Hoa/ Không tia bụi vẩn, quang sông núi/ Suốt bốn mùa xuân rạng cỏ hoa/ Ít bữa ngô khoai, nhiều thóc gạo/ Khinh hàng lông dạ, chuộng the là/ Tuy nhiên, có chỗ đồng nhau lớn/ Lễ nghĩa văn chương tựa một nhà.
Trong bài thơ trên, Đoàn Nguyễn Tuấn triển khai thi tứ theo hướng đi từ cái khác biệt tới sự tương đồng giữa hai đất nước Việt - Trung. Theo đó, tuy hoàn cảnh tự nhiên, sinh sống giữa hai dân tộc là khác nhau nhưng về văn hóa lại gần gũi, tương đồng: “Lễ nghĩa văn chương tựa một nhà”.
Để chống tư tưởng Hoa - Di, cha ông ta thường thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng nhìn chung có thể nói tới hai hướng căn bản, hoặc nhấn mạnh vào sự khác biệt, hoặc khẳng định có sự đồng văn. Với Đoàn Nguyễn Tuấn, ông nhấn vào sự tương đồng khiến cho ý thơ bật lên một tranh luận ngầm đầy bất ngờ, thú vị. Cách phủ định tư tưởng Hoa - Di như thế là khéo léo, thuyết phục!
Cách làm trên, một lần nữa, chúng ta còn bắt gặp trong thơ “Hoãn nhĩ ngâm” (Bài ca cười mỉm) của Ngô Thì Nhậm. Bài thơ này được làm vào năm 1790, theo hình thức ngũ ngôn cổ phong.
Cần lưu ý, cảm xúc tự hào trên đây không hề là cá biệt; trái lại, rất phổ biến trong thơ đi sứ thời Tây Sơn. Điều này đã làm nên một nét trội trong cảm hứng văn chương trung đại Việt Nam những năm cuối cùng của thế kỷ 18.
Lòng tự hào về non sông đất nước là một tình cảm thiêng liêng, thường trực trong tâm trí các nhà nho đi sứ thời Tây Sơn nói riêng, thời trung đại nói chung. Tình cảm ấy đã trở thành nguồn năng lượng sáng tạo, giúp cho thi hứng của các nhà nho trở nên dồi dào, mãnh liệt vào những tháng ngày công cán trên xứ người. Chúng ta hiểu vì sao, chỉ một lá thu rơi cũng đủ làm cho thi nhân Đoàn Nguyễn Tuấn bật lên nỗi nhung nhớ về quê hương xứ sở: Hồng tàn khôn chống giá băng trời/ Xơ xác lìa cành bên gối rơi/ Chẳng giống Việt Nam sinh khí tốt/ Vào thu hoa cỏ vẫn thơm tươi” (Lá thu).
Cũng nằm trong dòng thơ đi sứ thời Tây Sơn nhưng bài “Vọng đồng trụ cảm hoài, cổ phong nhất thủ” (Trông cột đồng, cảm xúc bằng một bài cổ phong) của Vũ Huy Tấn có phần đặc biệt hơn. Nói đặc biệt vì, bài thơ này không viết ở xứ người mà ngay nơi “di tích” cột đồng Mã Viện và bằng một giọng thơ đầy cảm khái. Thiết nghĩ, đó cũng là niềm mong mỏi chung của mỗi người dân Việt yêu nước, không chỉ hôm qua mà còn cả hôm nay và mai sau.
Như vậy, những tư tưởng trên hoàn toàn phù hợp với tinh thần chung của phong trào Tây Sơn, nhà Tây Sơn là bảo vệ, khẳng định nền văn hóa dân tộc, tạo nên sức đề kháng mạnh mẽ trước mưu đồ xâm lấn, đồng hóa của kẻ thù phương Bắc. Bởi vậy, sự thể hiện hào khí Tây Sơn đã làm nên vẻ đẹp của thơ đi sứ Việt Nam những năm cuối thế kỷ 18…
LÊ NHẬT KÝ