Thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân
(BĐ) - Đây là đánh giá được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (gọi tắt là Phong trào) tỉnh Bình Định (giai đoạn 2000 - 2015) vừa diễn ra sáng nay (24.8) tại TP Quy Nhơn. Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Là một trong bốn giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cùng với cả nước, trong 15 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, Phong trào đã thực sự là cuộc vận động lớn, lôi cuốn rộng rãi các lực lượng chính trị - xã hội và tầng lớp nhân dân tham gia. Qua từng năm, Phong trào càng được thực hiện trên diện rộng, đi vào chiều sâu. Hiệu quả từ Phong trào đã có tác dụng thiết thực đối với xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển… Toàn tỉnh hiện có 351.392/385.073 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 870/1.121 làng, thôn, khu phố đạt làng, thôn, khu phố văn hóa; 1.012/1.575 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt đơn vị đạt chuẩn văn hóa (cả công nhận mới và bảo lưu); 82/159 nhà văn hóa xã (phường, thị trấn); 463/1.102 nhà văn hóa thôn, khu phố; 78 nhà rông làng Bana, Chăm; 29 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng H’re…
Tại Hội nghị, Ban chỉ đạo Phong trào cấp tỉnh đã nêu lên những hạn chế, tồn tại trong thực hiện Phong trào 15 năm qua, nguyên nhân của hạn chế, tồn tại đó cũng như những bài học kinh nghiệm được rút ra và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Phong trào giai đoạn 2016 - 2020.
Để việc tổ chức thực hiện Phong trào trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực hơn nữa, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Ban chỉ đạo Phong trào các cấp chú trọng 4 nội dung: tiếp tục tăng cường, đổi mới, đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, nội dung Phong trào; nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng gia đình, làng, thôn, khu phố, đơn vị văn hóa; mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện Phong trào giai đoạn 2016 - 2020, lưu ý gắn với thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới và các phong trào khác; đẩy mạnh công tác xã hội hóa về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Dịp này, có tất cả 7 tập thể, 10 cá nhân, 11 đơn vị, 12 làng, thôn, khu phố và 28 gia đình văn hóa được tặng Bằng khen của UBND tỉnh vì những nỗ lực, thành tích trong thực hiện Phong trào chặng đường dài 15 năm qua.
SAO LY