Thêm một công trình nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương
Số lượng tác phẩm mà Hồ Xuân Hương - được mệnh danh là Bà Chúa thơ Nôm - để lại không nhiều. Theo những gì chúng ta đang có vào khoảng 40 bài, nhưng những nghiên cứu về tác phẩm của bà lại rất phong phú. Từ góc độ văn hóa dân gian, mới đây, tác giả Trần Xuân Toàn (trường ĐH Quy Nhơn) đã công bố chuyên luận “Ngôn ngữ văn học dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương”, sách do nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành.
Ngôn ngữ thơ Hồ Xuân Hương mang đậm dấu ấn dân gian. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu đi trước khảo sát, đánh giá. Song nét riêng của Trần Xuân Toàn là khảo sát có hệ thống và tỉ mỉ vận dụng ngôn ngữ văn học dân gian của Hồ Xuân Hương ở ba thể loại: tục ngữ, ca dao và câu đố.
Theo đó, ngoài việc cung cấp các số liệu, mô tả các biểu hiện cụ thể, công trình còn chỉ ra sự dịch chuyển thú vị của các yếu tố ngôn ngữ dân gian khi tham gia vào thế giới nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương. Cụ thể, đó là sự thay đổi trạng thái biểu đạt từ cái chung sang cái riêng, độc thoại thành đối thoại, triết lí thành trữ tình… Cố nhiên, đó là do loại hình tác giả chi phối, nhưng không thể phủ nhận tài năng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong việc đem lại cho ngôn ngữ dân gian một màu sắc mới, một cá tính mới, hài hòa trong hệ thống niêm luật Đường thi. Không phải ngẫu nhiên mà trong “Ngôn ngữ văn học dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương”, Trần Xuân Toàn nhiều lần dùng các từ ngữ “rất tinh tế”, “tài ba”, “sáng tạo” để nói về tài năng ngôn ngữ của Hồ Xuân Hương.
Hồ Xuân Hương không phải là người đầu tiên, trước và cùng thời với bà, các tác gia như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… đều đã gặt hái rất nhiều từ “cánh đồng” ngôn ngữ văn học dân gian. Tuy vậy, Hồ Xuân Hương vẫn tạo được “dòng riêng giữa nguồn chung” khi huy động cả câu đố và ngôn ngữ trào lộng, tiếu lâm dân gian vào tác phẩm của mình. Những mô tả, so sánh và phân tích cụ thể các trường hợp nói trên quả thực đã làm cho công trình “Ngôn ngữ văn học dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương” có thêm nhiều sắc thái mới.
Tác giả Trần Xuân Toàn chuyên nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian. Đến nay, anh đã xuất bản gần chục công trình về lĩnh vực này: “Ca dao địa danh Bình Định”, “Tìm hiểu ca dao Việt Nam 1945 - 1975”, “Văn học dân gian huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định”, “Phương pháp điền dã sưu tầm văn học dân gian”…
Đặt trong hệ thống các công trình nghiên cứu của Trần Xuân Toàn, “Ngôn ngữ văn học dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương” nổi lên hai điểm nổi trội. Thứ nhất, nghiên cứu văn học dân gian trên ngữ liệu thi ca trung đại qua trường hợp Hồ Xuân Hương. Thứ hai, đó là công trình “khởi nghiệp”, được tác giả hoàn thành từ đầu thập niên 90 của thế kỉ 20. Và sau hơn hai mươi năm tu chỉnh, “Ngôn ngữ văn học dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương” mới được xuất bản. Những phẩm chất khoa học, sự nghiêm túc của tác giả trong công tác nghiên cứu ở công trình đã bộc lộ rất rõ.
Như vậy, sau những “Hồ Xuân Hương- tác phẩm, thân thế và văn bài” (Nguyễn Văn Hanh, 1937), “Hồ Xuân Hương - nhà thơ cách mạng” (Hoa Bằng, 1950), “Hồ Xuân Hương - Bà Chúa thơ Nôm” (Xuân Diệu, 1969), “Hồ Xuân Hương và dòng thơ Nôm luật Đường” (Đặng Thanh Lê, 1990), “Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực” (Đỗ Lai Thúy, 1999)…, giờ đây bạn đọc lại có thêm một tài liệu nghiên cứu giá trị nữa về thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
LÊ NHẬT KÝ