Từ xe đẩy bánh mì đến “thương hiệu” kinh doanh nhượng quyền Kebab Torki
27 tuổi, là CEO (Giám đốc điều hành) của Công ty CP Thực phẩm quốc tế Torki (TORKI FOOD JSC), Lê Quốc Thạch đang sở hữu doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam - kinh doanh nhượng quyền. Hơn 2 năm khởi nghiệp, con đường gầy dựng Kebab Torki của chàng trai đất Hoài Ân này không chỉ là màu hồng.
Năm 2007, tốt nghiệp cao đẳng ngành Công nghệ thông tin, Lê Quốc Thạch trụ lại TP Đà Nẵng làm đủ nghề. Năm 2011, Thạch “Nam tiến”, khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.
Bánh mì Kebab Torki được nhiều bạn trẻ tại TP Hồ Chí Minh đón nhận.
Vấp ngã
● Theo học chuyên ngành công nghệ thông tin, vì sao anh lại rẽ hướng kinh doanh?
- Ra trường, tôi gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm đúng ý muốn. Tôi làm đủ việc, từ phụ xây dựng đến phục vụ nhà hàng, bán hàng. Cũng trong thời gian này, tôi quen Huỳnh Thị Kiều Hạnh - người bạn gái luôn sát cánh cùng tôi trên hành trình khởi nghiệp. Hạnh ở TP Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng du lịch. Khoảng thời gian ngắn ngủi quen Hạnh đã thay đổi tôi rất nhiều.
4 năm sau khi ra trường, tôi vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Ban đầu, cũng làm công việc bán hàng, rồi ngày càng thấy rất yêu thích công việc này và nhận ra đó đúng là đam mê của mình. Sau khi Hạnh du học trở về, cả hai bắt tay vào đam mê khởi nghiệp.
● Và “vạn sự khởi đầu nan”?
- Ban đầu, cả hai dự định sẽ mở một xe bán gà rán “take away” (bán thức ăn cho khách hàng mang về - P.V), nhưng mấy lần thử nghiệm cách làm gà rán đều thất bại. Chúng tôi quyết định tìm và thuê mặt bằng kinh doanh với mô hình cafe - bánh mì, thời điểm đó bánh mì Kebab rất “hot” trong số các món thức ăn nhanh.
Bánh mì Kebab có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, rồi lan rộng ra nhiều quốc gia khác ở châu Âu theo làn sóng người di cư. Món ăn đường phố nổi tiếng này cũng đến với thực khách Việt từ hơn 10 năm trước. Tuy được coi là “fast food” (thức ăn nhanh), nhưng Kebab được xếp vào loại “ngoại hạng”.
Giai đoạn đó thật sự là thử thách lớn của cuộc đời tôi, cũng là bước ngoặt trên con đường kinh doanh. Với số vốn ít ỏi, không có vị trí tốt, tiền thuê mặt bằng cao, quán chỉ duy trì được… 4 tháng.
Thất bại. Mọi thứ - kể cả tinh thần - đều suy sụp và chán nản. Chúng tôi phải bán đi những vật dụng và lặng lẽ tìm mặt bằng mới để tiếp tục kinh doanh với mô hình xe đẩy bánh mì Kebab mang tên Kebab Torki.
● Lúc này thành công bắt đầu đến?
- Chặng đường khó khăn chưa dừng lại ở đó. Nghĩ rằng, nếu không có thương hiệu và sự tập trung thì có đam mê bao nhiêu cũng khó thành công, nên tôi không ngừng thay đổi và xây dựng sản phẩm phù hợp với khẩu vị của khách hàng. Bước đầu, chúng tôi đã quan tâm đến hình ảnh, thương hiệu và dịch vụ mang lại cho khách hàng; chăm lo đến quy trình từ sản xuất đến thành phẩm. Kebab Torki tham gia nhiều sự kiện lớn của giới trẻ, được đánh giá khá tốt. Nhưng mỗi ngày, tôi vẫn mất rất nhiều thời gian cho xe bánh mì mà chưa có sự bứt phá về thu nhập.
Không hài lòng với những gì đã có, tôi quyết định thay đổi phân khúc khách hàng cao hơn, bằng cách thuê một gian hàng ở Bến Thành Street Food Market (Chợ ẩm thực đường phố Bến Thành). Nhưng cũng chỉ cầm cự được… 1 tháng. Tôi choáng váng và luôn đặt câu hỏi: Đâu là con đường để mình bứt phá trong kinh doanh bánh mì Kebab. Lần thứ ba làm lại từ đầu, tôi quay về với xe đẩy bánh mì Kebab.
Lê Quốc Thạch (đứng giữa) với mục tiêu mở rộng chuỗi cửa hàng kinh doanh nhượng quyền Kebab Torki.
Không ngừng suy nghĩ, không từ bỏ
Liên tiếp thất bại, Lê Quốc Thạch xem đó là bài học kinh nghiệm để đứng lên. Ðầu năm 2016, anh chính thức khởi nghiệp kinh doanh nhượng quyền chuỗi cửa hàng bánh mì thương hiệu Kebab Torki. Ðến nay, Kebab Torki đã có 3 cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh và 2 cửa hàng ở tỉnh Lâm Ðồng, trị giá nhượng quyền 22 - 35 triệu đồng/cửa hàng.
Tháng 7.2016, Ðề án “Torki Kebab - mô hình nhượng quyền dành cho các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh bánh mì Doner Kebab” là 1 trong 11 ý tưởng của các startup được Bộ KH&CN chọn trình bày, giới thiệu trước các nhà quản lý, nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Ngày hội Ðầu tư - Demo Day 2016. Ðể được tham dự Demo Day, các nhóm khởi nghiệp phải qua tuyển chọn kỹ, được rót vốn đầu tư 10.000 USD từ Ðề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam” và trải qua 4 tháng huấn luyện trong tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
● Theo anh, điều gì làm nên những kết quả đó?
- Kinh doanh nhượng quyền là khi một doanh nghiệp trao cho doanh nghiệp khác quyền sử dụng thương hiệu và phương thức hoạt động. Đổi lại, bên được nhượng quyền phải thanh toán các phí nhượng quyền cho bên nhượng quyền. Cách làm của Kebab Torki là xây dựng và chuyển giao thương hiệu, kết hợp đào tạo, hướng dẫn quy trình.
Kinh doanh nhượng quyền đang phổ biến ở Việt Nam, nhưng chính các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài mới nắm giữ và khuấy động “làn sóng” này. Kinh doanh nhượng quyền do người Việt Nam làm chủ đến giờ vẫn còn rất… tiềm năng. Ðó là mục tiêu để Kebab Torki đẩy mạnh “gọi vốn” mở rộng chuỗi cửa hàng kinh doanh nhượng quyền.
Tôi tận dụng hết những thứ mình có, như kỹ năng công nghệ thông tin, lẫn những năm tháng làm thuê với công việc chính là bán hàng. Tôi dần dần chăm sóc và hoàn thiện mô hình kinh doanh xe đẩy bánh mì Kebab Torki. Cách làm tại Kebab Torki là khách hàng phải được phục vụ ở những địa điểm thuận lợi, vệ sinh tuyệt đối, nhưng giá cả phù hợp với đa số. Chúng tôi xây dựng và áp dụng các chuẩn mực sạch, bài bản, thiết bị đúng tiêu chuẩn, tương tự các thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài.
Sau nhiều lần “ngụp lặn” trong thất bại, tôi nhận ra rằng, hiểu thực sự khách hàng cần gì sẽ đưa ra được sản phẩm và mô hình kinh doanh phù hợp. Với tôi, kinh doanh nhượng quyền mấu chốt vẫn là bài toán lợi nhuận, hiệu quả mang lại sau hợp tác và duy trì sự ổn định của sản phẩm.
● Gần như các thương hiệu trẻ đều nhắm đến giới trẻ, bình dân và phổ thông, đơn giản vì đó là lứa tuổi của họ - phân khúc họ am tường nhất về phong cách và hành vi tiêu dùng. Đó cũng là hướng đi của Kebab Torki, và anh đã thành công khi sở hữu chuỗi cửa hàng Kebab Torki lớn nhất Việt Nam đến thời điểm này?
- Kebab Torki luôn hướng tới điều này: Nhanh, giá hợp lý và đáp ứng đúng nhu cầu của giới trẻ. Nhu cầu đồ ăn nhanh ngon, an toàn, giá hợp lý của giới trẻ, người lao động ngày càng cao. Song, tình hình hiện tại của Kebab Torki gọi thành công thì chưa hẳn, đó mới là sự khởi đầu. Tôi quan niệm, làm CEO tất yếu là dám chấp nhận, dám nhận trách nhiệm và dám bứt phá; còn khởi nghiệp thì không ngừng suy nghĩ, không từ bỏ và luôn luôn đứng dậy.
Chia sẻ
Giữa tháng 8.2016, Lê Quốc Thạch nói chuyện tại Hội thảo Hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Bình Ðịnh. Anh bộc bạch: “Ðây là lần đầu tiên tôi làm diễn giả, trước đó toàn đứng trước người khác thuyết phục họ đầu tư cho dự án kinh doanh của mình”.
Lê Quốc Thạch xác định, Kebab Torki vẫn đang trong quá trình khởi nghiệp, việc thiết lập bộ máy doanh nghiệp cũng như thiết kế bài toán kinh doanh còn ở giai đoạn đầu, nhưng như những công ty startup khác, nhiệt huyết đang tràn trề. Và đó sẽ là khởi nguồn của sáng tạo.
● Với trải nghiệm của mình, anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ khởi nghiệp tại Bình Định?
- Không hẳn là lời khuyên, đơn giản tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trẻ rằng, chính chúng ta hiểu rõ mình và chính chúng ta khởi nghiệp với thứ ta đam mê nhất thì sẽ có cơ hội tiếp cận và đón nhận của thị trường với sản phẩm, dịch vụ mà mô hình khởi nghiệp ta mang lại.
Tôi cũng rất tâm đắc với nhận định đầy tâm huyết của GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam - tại hội thảo ở Bình Định rằng, người trẻ khởi nghiệp cũng như nhà khoa học, đều có điểm chung là bắt đầu trên nền tảng niềm đam mê, quyết tâm đi đến tận cùng con đường mình đã chọn. Tôi nghĩ rằng sắp tới sẽ có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp kết hợp với đội ngũ nghiên cứu KH&CN hoặc các dự án nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước.
● Xin cảm ơn anh!
THU HIỀN (Thực hiện)