Nên lập website phục vụ tìm kiếm mộ liệt sĩ
Hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ của nhiều gia đình từ những năm qua đến nay vẫn chưa thể kết thúc; không ít cựu chiến binh đã không ngại núi cao, suối sâu miệt mài đi tìm mộ đồng đội. Tuy nhiên, việc tìm kiếm mộ liệt sĩ chỉ được thực hiện một cách thủ công, mất nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả chưa cao.
Bà Tô Thị Hường, thường trú tại KV5, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn là một trong những người thường ra Bắc, vào Nam để tìm hài cốt đồng đội ở chiến trường xưa, đưa về quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Đi tìm kiếm hài cốt của đồng đội, với bà Hường và những người còn sống rất khó khăn, do thiếu thông tin; có những trường hợp gia đình các liệt sĩ đi tìm kiếm người thân đã hơn 20 năm nay nhưng vô vọng.
Với nhiều gia đình, những ngày này lại là những ngày họ day dứt chưa yên, vì chưa tìm được phần mộ của những người thân yêu đã ngã xuống vì đất nước.
- Trong ảnh: Các cựu chiến binh ở Bình Định đi tìm mộ đồng đội.
Tại một số địa phương, để giúp đỡ gia đình các liệt sĩ và những người làm công tác quy tập hài cốt, nhiều website đã được thiết kế phục vụ cho công việc này. Như trang thông tin tìm kiếm liệt sĩ tỉnh Quảng Trị (http://tkttls.quangtri.gov.vn) từ khi ra đời đến nay thu hút trên 1,3 triệu lượt người truy cập; trang web hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (http://trianlietsi.vn) hàng năm có gần 3 triệu lượt người truy cập; trang nhắn tìm đồng đội (http://www.nhantimdongdoi.org) có 600 ngàn lượt người truy cập.
Ở tỉnh ta, hiện chưa có website nào phục vụ việc tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Người viết xin góp ý: Sở LĐ-TB-XH với vai trò là cơ quan quản lý, cần chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, ban quản lý các nghĩa trang liệt sĩ thống kê toàn bộ dữ liệu liệt sĩ để tạo cơ sở dữ liệu chung, đưa lên website của Sở, hoặc tạo một website chuyên biệt phục vụ công tác này. Khi thiết kế website, cần có các tiểu mục như danh sách các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ trên mảnh đất Bình Định, các nghĩa trang trong tỉnh, danh sách liệt sĩ yên nghỉ tại các nghĩa trang (họ tên, năm sinh, nguyên quán, ngày hy sinh, vị trí mộ), tìm kiếm thông tin liệt sĩ, nơi để các thương binh, cựu chiến binh gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình.
Từ website này, dù ở bất cứ nơi đâu, các cựu chiến binh, thương binh trên cả nước, thậm chí đang định cư ở nước ngoài đều có thể tìm lại bạn bè, đồng đội của mình đang còn sống, hoặc đã hy sinh. Đối với gia đình các liệt sĩ, dù ở đâu cũng đều có thể truy cập tìm thông tin liên quan đến liệt sĩ, qua đó biết được hiện phần mộ người thân của mình nằm ở nghĩa trang nào.
Có rất nhiều liệt sĩ được yên nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ, nhưng vẫn còn nhiều anh hùng liệt sĩ khác máu xương đã hòa lẫn với đất đá, cỏ cây. Mong rằng với sự tiến bộ của công nghệ internet hiện nay, ngành LĐ-TB-XH cần quan tâm tận dụng khả năng kết nối của internet để thực hiện các hoạt động tri ân các thương binh, liệt sĩ một cách hiệu quả. Có như vậy, sự khắc khoải của những người còn sống và các cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hàng ngày, hàng giờ trên mọi miền Tổ quốc sẽ vơi dần.
THIÊN TRÚC
Đinh Thanh (quê ở Thôn An Lộc Xã Hoài Thanh, huyện Hoài nhơn)
Đề xuất hay, cần thực hiện ngay.