Trước tình trạng học sinh bỏ học ở Hoài Nhơn:
Một vài suy nghĩ
Một thực tế đáng buồn là tình hình học sinh bỏ học ở tỉnh ta nói chung và huyện Hoài Nhơn nói riêng vẫn còn cao, nhất là ở bậc THCS. Năm học 2012 - 2013, toàn huyện Hoài Nhơn có 112 học sinh bỏ học, chiếm 0,9% so với tổng số học sinh; trong khi đó, nỗ lực hạn chế học sinh bỏ học của các cấp và ngành giáo dục chưa có kết quả khả quan.
Học sinh bỏ học có rất nhiều nguyên nhân, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh học yếu, không theo kịp chương trình, một bộ phận không nhỏ mê chơi game, chán học dẫn đến bỏ học… trong khi sự giám sát của gia đình, nhà trường vẫn chưa chặt chẽ. Ở đây, người viết xin đánh giá việc học sinh bỏ học ở một số khía cạnh khác.
Một là, nhìn nhận việc học sinh bỏ học theo cách tiêu cực chưa hẳn đã đúng. Một tập thể lớp bao giờ cũng có một bộ phận học sinh khá giỏi, một bộ phận trung bình, trung bình khá và một số học sinh yếu, kém. Để theo kịp chương trình và đảm bảo kiến thức cho các kỳ thi, kiểm tra thường xuyên, học kỳ và cuối cấp (cao hơn nữa là thi trung học, cao đẳng, đại học), số học sinh yếu, kém này phải được bổ túc kiến thức, tức là phải học thêm. Tuy nhiên, không phải học sinh yếu, kém nào được học thêm cũng theo kịp chương trình, nhất là đối tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”, đã bị hổng kiến thức căn bản từ các lớp dưới, trong khi, lượng kiến thức phổ thông hiện nay lại quá nhiều.
Một số giáo viên Trường PTTH Nguyễn Trân cho biết, để bổ túc kiến thức cho số học sinh yếu kém ngoài giờ lên lớp không phải dễ, bởi một số trường không thể bố trí đủ phòng học cho các ca buổi tối hoặc thứ Bảy, Chủ nhật, trong khi nhu cầu học thêm của học sinh ngày một cao. Một số trường vẫn chưa thực hiện phân luồng học sinh, vì vậy, việc học thêm ngoài giờ vẫn còn dàn đều, trộn lẫn giữa học sinh khá, giỏi với yếu, kém. Nguyên nhân đó dẫn đến một bộ phận học sinh học yếu, kém khó lĩnh hội được lượng kiến thức cần thiết, huống hồ phải tiếp tục tiếp cận những vấn đề mới, kiến thức mới. Tiết học này qua tiết học khác, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác dần trở thành “cực hình” đối với số học sinh này, dẫn đến việc bỏ học là khó tránh khỏi.
Hai là, có những thực tế khác mà ngành giáo dục cần quan tâm, đó là việc dạy và học ở nhà trường chiếm rất nhiều thời gian của học sinh. Khảo sát của ngành Giáo dục huyện Hoài Nhơn cho thấy: học sinh bậc THCS dành hơn 55% thời gian cho việc học ở trường, học sinh bậc THPT dành hơn 70% thời gian ở trường, thời gian còn lại đến các cơ sở học thêm. Như vậy, vô hình chung, thời gian dành cho gia đình và tìm hiểu kiến thức xã hội của học sinh rất ít.
Từ những điều đã phân tích ở trên, thiết nghĩ, để hạn chế học sinh bỏ học, việc phân luồng học sinh là rất cần thiết, nhằm tạo ra nhiều hướng phát triển tương lai cho các em sau khi tốt nghiệp THCS; tạo điều kiện cho các em vừa học kiến thức sách vở vừa có thêm kiến thức xã hội và gắn bó với gia đình để phát triển toàn diện.
HOÀI NGUYÊN