Khai thác thủy sản kiểu tận diệt ở đầm Đề Gi
Ngư dân sống ven đầm Đề Gi đổ xô ra đầm để khai thác “vô tội vạ” nguồn lợi thiên nhiên ưu đãi. Lực lượng này tăng dần lên cùng với tốc độ khai thác đến mức báo động và hậu quả là sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Đang vào mùa bắt cua biển giống và cá mú giống nên suốt tuyến bãi bồi đầm Đề Gi không khi nào vắng bóng người. Khoảng hơn 5 giờ sáng, chúng tôi theo chân đoàn người đi bắt cua biển con ra đầm. Từng nhóm 3-5 người chia nhau từng khu vực để bắt. Khai thác cua biển tùy thuộc vào thủy triều, nên chỉ khi thủy triều xuống mới bắt đầu cho việc khai thác. Dọc bãi bồi ven đầm có rất đông người, phần đông là trẻ em (13-16 tuổi). Dụng cụ để khai thác hết sức đơn sơ, chỉ cần một cái vợt xiệp nhỏ và một cái đèn pin (dùng để khi thủy triều xuống vào ban đêm) đối với người bắt cua tiêu; hoặc một cái thùng và cây vợt với người bắt cá mú. Những người khai thác giỏi luôn là những đứa trẻ, sống ven đầm thuộc 2 huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ, do mắt của chúng tinh hơn người lớn. Ở những vũng nước, đường lạch nhỏ hay dưới tán cây mắm, cây bần phòng hộ bãi bồi, là nơi trú ngụ của những con cua con nhỏ xíu và những con cá mú giống chỉ lớn hơn cọng tăm.
Dụng cụ bắt cua gồm một cái xiệp (hai cây nẹp chéo vào nhau, dài khoảng 2m, mắc vào miếng lưới có kích thước mắt rất nhỏ như lưới mùng). Xiệp tì vào bụng của người bắt cua, cứ thế mà đẩy dưới nước. Chỉ trong vòng 3 - 4 giờ đồng hồ buổi sáng, mỗi người bắt được khoảng 60 con cua. với giá 2.000 đồng/con, mỗi người thu được khoảng 120 ngàn đồng, nên kích thích nhiều người cùng khai thác. Trước đây, những người chuyên sống vùng đầm nước chỉ bắt cua biển, thời gian gần đây họ còn bắt cả cá mú giống, nghêu, sò huyết giống và trùn biển… miễn sao bán có tiền là mọi người đổ xô đi khai thác tận diệt.
Nhiều năm nay, ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản bằng những dụng cụ “hủy diệt hàng loạt’’ như lưới mắt nhỏ, xung điện, xiếc máy, số lượng thì ngày một tăng lên; vì thế nguồn lợi thủy sản trên đầm ngày một cạn kiệt. Dạo một lượt trên đầm Đề Gi, chúng tôi phát hiện khoảng vài chục phương tiện có gắn xung điện, xiếc máy; phần lớn là các loại ghe nhỏ công suất từ 5CV đến 20CV. Khi đặt máy phát điện trên thuyền, hạ miệng lưới cào xuống sát mặt đầm, cho thuyền chạy và bấm nút thì tất cả cá, tôm và ấu trùng nhỏ, bé, đều bị dòng điện diệt chết sạch. Ngoài ra các nghề đánh bắt tận thu thủy, hải sản ven bờ không được nhà nước khuyến khích, như nghề đáy, rớ, trủ… cũng đang bủa vây đầm này.
Với mức độ khai thác tận diệt như hiện nay, rõ ràng ảnh hưởng rất lớn sự phục hồi của một số giống loài thủy sản. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã phát hiện và xử lý mỗi năm khoảng 10 trường hợp xung điện, xiếc máy, nhưng số vụ xử lý nghiêm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự rất ít, khiến cho người dân nhờn luật và nay một số loài có nguy cơ sẽ biến mất.
Trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói riêng, tài nguyên trong đầm Đề Gi nói chung liên quan đến chính quyền địa phương và rất nhiều cơ quan của nhiều ngành, nhiều cấp. Tuy nhiên, nhiều năm qua nạn khai thác thủy sản kiểu tận diệt ở đầm Đề Gi chỉ lắng xuống những giai đoạn ngắn khi cơ quan chức năng ngăn chặn ráo riết. Chỉ tạm lắng chứ chưa bao giờ biến mất và môi trường vẫn bị xâm hại nặng nề, phải chăng chính quyền và các ngành đã “bó tay”?
VĂN THÝ- THẾ HÀ