Tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ đê khu Đông:
Vẫn chưa thể xử lý triệt để
Đê khu Đông là tuyến đê xung yếu của tỉnh, có tổng chiều dài 47km, chạy dài từ TP Quy Nhơn đến các xã phía Đông của huyện Tuy Phước; có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng và thoát lũ cho 5.400 ha đất canh tác phục vụ đời sống của trên 200 ngàn cư dân ven đê. Tuy nhiên, do sự quản lý còn lỏng lẻo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, tuyến đê này đang bị người dân lấn chiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của tuyến đê.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy lợi, Đê điều và Phòng chống lụt bão (TLĐĐ - PCLB) thuộc Sở NN - PTNT - đơn vị trực tiếp quản lý đê khu Đông, hiện nay có 1.712 ngôi nhà, công trình xây dựng trên thân đê, xâm phạm hành lang tuyến đê, gây mất an toàn cho tuyến đê. Chỉ tính riêng đoạn thuộc địa bàn các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), hiện có hơn 1.400 hộ dân xây nhà vi phạm hành lang tuyến đê.
Vi phạm tràn lan
Sau khi nhiều đoạn đê Đông được Nhà nước đầu tư nâng cấp, sửa chữa, một số hộ gia đình đã lén lút san lấp, lấn chiếm, cơi nới mặt bằng để xây cất nhà cửa, tường rào, vật kiến trúc trái phép. Nhiều hộ dân sinh sống dọc tuyến đê này còn tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm thả rông trên thân đê làm sạt lở, gây nguy cơ vỡ đê mỗi khi có mưa lũ lớn xảy ra. Tình trạng nuôi trồng thủy sản vi phạm trong chỉ giới hành lang đê khu Đông cũng đã gây nhiều hệ lụy đến việc bảo vệ an toàn tuyến đê xung yếu này, nhưng ngành chức năng tại địa phương lại thiếu các biện pháp xử lý kiên quyết.
Theo số liệu thống kê của Chi cục TLĐĐ – PCLB tỉnh, năm 2007 toàn tuyến đê Đông có 1.648 nhà vi phạm, từ năm 2008 đến nay có thêm 64 nhà vi phạm nữa; tập trung tại các xã Phước Thuận 468 nhà, Phước Hòa 465 nhà, Phước Sơn 228 nhà, Phước Thắng 207 nhà, phường Nhơn Bình 279 nhà…
Qua tìm hiểu, không riêng gì các xã khu Đông huyện Tuy Phước, nhiều đoạn đê qua phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. Điển hình, vào giữa tháng 5.2013, 3 hộ dân là ông Đinh Văn Tỵ, Nguyễn Hồng Quốc và bà Trần Thị Em (đều trú tại KV6, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) đã tự ý lấn chiếm, xây dựng nhà ở, tường rào trái phép vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và đổ xà bần lấn sông phía tả hạ lưu đập Phú Hòa, làm hẹp dòng chảy, dễ gây xói lở dòng sông, mất ổn định đê điều.
Chưa có biện pháp xử lý triệt để
Trước thực trạng lấn chiếm đê khu Đông đang có chiều hướng gia tăng, Chi cục TLĐĐ-PCLB đã có văn bản đề nghị chính quyền các xã, phường có biện pháp ngăn chặn, xử lý các hộ dân có hành vi lấn chiếm, cơi nới xây dựng các công trình vi phạm hành lang đê điều. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý các hộ vi phạm hết sức khó khăn.
Ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận - một địa phương có số hộ xây cất nhà vi phạm hành lang bảo vệ đê khu Đông nhiều nhất của huyện Tuy Phước, thở dài: “Mỗi khi phát hiện các trường hợp vi phạm, địa phương tiến hành lập biên bản, sau đó phối hợp với đơn vị liên quan tiến hành giải quyết, yêu cầu chủ hộ tháo dỡ nhà. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề lấn chiếm, vi phạm hành lang đê Đông thật sự là quá khó đối với chính quyền cấp xã”.
“Việc xử lý, tháo dỡ các công trình xây dựng trên hành lang bảo vệ đê Đông vẫn còn bỏ ngỏ”
Ông PHAN XUÂN HẢI, Chi cục trưởng Chi cục TLĐĐ-PCLB tỉnh
Còn ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, thừa nhận: “Chính quyền xã cũng đã thông báo nhân dân biết xây dựng nhà ở trên đê là vi phạm Luật Đê điều, Luật Đất đai; nhưng rồi họ đã lợi dụng các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, xã không ai làm việc, tập trung vật liệu, huy động thợ xây cất chớp nhoáng đặt chính quyền xã trong thế đã rồi”.
Trao đổi về vấn đề ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm đê điều, ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục TLĐĐ-PCLB tỉnh, cho biết: “Để hạn chế tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê Đông, nhiệm vụ trước mắt hiện nay của đơn vị là phát hiện và ngăn chặn sớm để không gây phát sinh các trường hợp vi phạm mới. Còn việc xử lý, tháo dỡ các công trình xây dựng trên hành lang bảo vệ đê Đông thì vẫn còn bỏ ngỏ”.
Việc lấn chiếm, xâm phạm đê điều không đơn giản chỉ là lấn chiếm đất đai xây dựng trái phép, mà nó còn ảnh hưởng đến sự an nguy của hàng ngàn hộ dân; con số vi phạm ngày một nhiều thêm, nhưng ngành chức năng chưa có biện pháp đủ nghiêm để xử lý các trường hợp vi phạm thì làm sao ngăn chặn được phát sinh vi phạm trong thời gian tới. Nên chăng, ngành chức năng, chính quyền các cấp cần có sự phối hợp, tổng rà soát và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trả lại không gian cho công trình đê điều và răn đe những trường hợp có ý định vi phạm.
TRỌNG LỢI