Hiệu quả từ Dự án Giảm thiểu rủi ro
Dự án Giảm thiểu rủi ro (DRR) do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Na Uy tài trợ thông qua Hội CTĐ Việt Nam đã triển khai tại Bình Định, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Dự án tập trung ở các xã thuộc vùng thiên tai, nhằm giúp người dân ứng phó với những bất trắc của thiên nhiên, ổn định cuộc sống. Sau 3 năm thực hiện thí điểm tại Bình Định, đã có 13 xã thuộc 3 huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Ân hưởng lợi từ những hoạt động của Dự án.
Công trình tràn vượt lũ Kim Đông, xã Phước Hòa, Tuy Phước được Dự án DRR tài trợ. Ảnh: TRANG XUÂN CHI
Đơn cử như xã Phước Thắng (Tuy Phước) nằm trong vùng rốn lũ, đối mặt với nguy cơ hạn hán, ngập lụt thường xuyên. Trên địa bàn xã, nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, người dân phải dùng nước từ các trạm bơm nước sạch. Dự án DRR đã hỗ trợ và tổ chức tập huấn cho họ cách bảo vệ và sử dụng nguồn nước ngầm hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thơm (54 tuổi, thôn Lạc Điền), nói: “Gần 3 năm nay, bà con trong thôn được học hỏi nhiều kiến thức về bảo vệ môi trường, nguồn nước, khơi thông dòng chảy, chống ngập mặn để duy trì nguồn nước ngầm, mang lại nhiều lợi ích thiết thực”.
Còn ông Đinh Văn Loan - Hội trưởng Hội CTĐ xã Cát Chánh (Phù Cát), chia sẻ: Được hưởng lợi từ Dự án, người dân trong xã đã biết cách thích nghi và ứng phó với thiên tai, nhận thức được việc chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống. Dự án đã hỗ trợ cho xã Cát Chánh hơn 740 triệu đồng, trang thiết bị cho phòng làm việc của Hội CTĐ xã; tổ chức các lớp học, tập huấn cho cộng đồng; trang bị áo phao, sõng phục vụ cứu hộ; giúp đỡ bà con trong xã làm 6 hầm biogas, 3 nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn, nâng cao 10 nền nhà dân ở vùng thấp trũng, xây 3 điểm sơ tán dân gắn với trường học (200 dân/một điểm), cung cấp nước sạch cho các điểm trường gắn với điểm sơ tán dân; hỗ trợ xã làm đường bê tông nông thôn…
Ông Trần Đình Ký- cán bộ Hội CTĐ tỉnh phụ trách Dự án DRR, cho biết: “Dự án DRR đã phần nào nâng cao năng lực nhận thức cộng đồng cho người dân, giảm thiểu rủi ro. Đơn giản như việc người dân chủ động ứng phó thiên tai bằng cách tích trữ lương thực, di dời tài sản đến nơi an toàn, chặt cây to, chằng chống nhà cửa, chia sẻ cùng nhau trong mùa mưa bão… Bình Định là tỉnh đầu tiên được chọn làm thí điểm Dự án DRR, bước đầu thực hiện gặp không ít khó khăn, nhưng đến nay, BQL dự án phối hợp với Hội CTĐ ở các xã, huyện cùng người dân thực hiện rất tốt. Dự kiến Dự án DRR sẽ kéo dài tại Bình Định đến cuối năm 2014”.
Dự án DRR được triển khai ở Bình Định từ tháng 8.2010 tại 13 xã nằm trong vùng thiên tai gồm: Phước An, Phước Hòa, Phước Nghĩa, Phước Thành, Phước Thắng (Tuy Phước); Cát Chánh, Cát Nhơn, Cát Tiến, Cát Thành (Phù Cát); Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Tín (Hoài Ân). Mỗi xã được dự án hỗ trợ trong vòng 3 năm, tập trung vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng các công trình phục vụ người dân như điểm sơ tán, đường bê tông, cầu cống… Tổng chi phí toàn bộ dự án là 13,8 tỉ đồng (trong đó nguồn vốn của Dự án DRR hỗ trợ là 11,3 tỉ đồng, nguồn vốn đối ứng địa phương là 2,5 tỉ đồng).
Nguyễn Thị Thu Dịu