Kiểm dịch gia cầm tại các chợ đầu mối:
Lỏng lẻo, lơ là, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao
Từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm gia cầm (DCGC) diễn biến khá phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Đáng chú ý là từ cuối tháng 7 đến nay, DCGC đã bùng phát trên đàn chim cút nuôi ở tỉnh Tiền Giang và đang có nguy cơ lan rộng, đe dọa đến sức khỏe của người dân.
Tại tỉnh ta, DCGC đang được ngành chức năng khống chế tốt, chưa xảy ra các ổ dịch mới. Tuy nhiên, việc mua bán gia cầm sống tại các chợ chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ là nguy cơ để dịch bệnh tái phát. Hiện có hàng trăm điểm mua bán gia cầm sống, như chợ An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (An Nhơn), chợ Gò Bồi, xã Phước Hòa (Tuy Phước), chợ Bồng Sơn (Hoài Nhơn)… nhưng hầu hết đều không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh. Gia cầm đưa đến các điểm mua bán hầu hết chưa được ngành chức năng kiểm dịch; tại các chợ mua bán gia cầm nhỏ lẻ, tự phát cơ quan chức năng chưa quan tâm đến công tác tiêu độc sát trùng nên nguy cơ lây lan vi-rút cúm A (H5N1) là rất cao.
Chợ Đầm (ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) là chợ đầu mối có lượng gia cầm tiêu thụ hàng ngày khá lớn. Thế nhưng, hoạt động mua bán, giết mổ gia cầm tại đây chưa được quản lý chặt chẽ. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến đường Hoàng Hoa Thám hàng ngày có hàng chục hộ làm nghề giết mổ gia cầm không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh. Việc mua bán gia cầm sống không được lực lượng thú y kiểm dịch, gia cầm sống mua bán tại chợ không rõ nguồn gốc xuất xứ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
Nhằm thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống DCGC tái phát, UBND tỉnh vừa có công văn số 2931/UBND-KTN gửi Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu tăng cường các giải pháp phòng chống. Các địa phương triển khai ngay các biện pháp giám sát dịch bệnh, quản lý chăn nuôi, ấp nở, xuất nhập, chạy đồng và nuôi tái đàn gia cầm. UBND tỉnh yêu cầu lực lượng thú y tăng cường kiểm tra, giám sát các chợ đầu mối buôn bán, kinh doanh gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, thiết nghĩ cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm động vật tại các tuyến đường, các chợ đầu mối; nhất là các tuyến đường nhỏ thông với trục đường chính ra vào địa bàn tỉnh, các khu vực giáp ranh với các tỉnh lân cận. Ngoài ra, cần lập danh sách các đối tượng kinh doanh gia cầm trái phép, các điểm tập kết giết mổ gia cầm trái phép để có biện pháp xử lý nghiêm. Trưởng Ban quản lý các chợ tăng cường tuyên truyền cho các tiểu thương và người tiêu dùng chỉ nên sử dụng sản phẩm gia cầm có xuất xứ đã được kiểm dịch; thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý tịch thu tiêu hủy đối với các trường hợp kinh doanh sản phẩm gia cầm không đảm bảo chất lượng, không có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y…
GIA KHƯƠNG