Cần phát huy hơn nữa giá trị di tích lịch sử, văn hóa
Tỉnh ta có số lượng di tích (DT) khá lớn với 104 DT lịch sử, văn hóa xếp hạng (35 DT cấp quốc gia, 69 DT cấp tỉnh). Trải qua chiến tranh cùng những tác động của thiên nhiên, các DT hiện đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng, nhiều DT giờ chỉ còn là phế tích; đòi hỏi ngành chức năng cần phát huy hơn nữa giá trị của những DT.
Sau nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi mới tìm đến được DT lịch sử Thành Cha, nằm khuất bên trong ngôi làng An Thành, xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn). Trước mắt chúng tôi, DT chỉ là một tấm bia đá dựng trên mô đất nhỏ giữa khung cảnh heo hút, xung quanh bao phủ đầy cỏ dại. Cách đó không xa, DT Lò gốm cổ Gò Sành, một DT cấp quốc gia nhưng chỉ có tấm bia đá dựng trên khu đất nhỏ chừng 50m2 nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà kiên cố ở khu vực Phụ Quang (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn). Ông Trần Văn Duyệt, một hộ dân sống gần DT Lò gốm cổ Gò Sành, cho biết: “Tiếng là DT, nhưng cả năm trời cũng chỉ có dăm ba người ghé thăm”. Hay như Văn miếu Bình Định (thôn Vĩnh Phú, xã Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) tọa lạc trên gò đất quang đãng, rộng 800m, giờ đã hoang phế.
Trong những năm gần đây, từ nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh và chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, nhiều DT đã và đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo như: Bảo tàng Quang Trung, Đền thờ Bùi Thị Xuân, tháp Dương Long, tháp Bình Lâm, Nhà tù Phú Tài, Khu DT Núi Bà… Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã quan tâm đến công tác bảo tồn, trùng tu DT, chủ động đầu tư kinh phí và huy động được nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân vào việc tu bổ, tôn tạo DT. Điển hình như huyện Phù Mỹ đã đầu tư xây dựng nhà bia tưởng niệm tại DT Hồ Đá Bàn, Chiến thắng Cầu Cương; huyện Hoài Ân khôi phục Đình làng An Thường, xây dựng Văn chỉ Hoài Ân; huyện Hoài Nhơn đầu tư xây dựng DT Chiến thắng Chợ Cát; huyện Tuy Phước đầu tư xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu, Nhà lưu niệm Chi bộ Đề pô Diêu Trì… nhưng các di tích này vẫn có rất ít người đến thăm. Đơn cử như huyện Tuy Phước, dù sở hữu đến 12 DT lịch sử, văn hóa được xếp hạng (trong đó có 4 DT cấp quốc gia) nhưng sức hút du khách đến với những điểm DT này còn rất hạn chế. Ngay cả các DT được tôn tạo phục vụ khách du lịch như các tháp: Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên, mỗi năm cũng chỉ phục vụ khoảng một ngàn lượt người tham quan. Ông Trần Văn Tài, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Phước, cho biết: “Nguyên nhân khiến du khách chưa thật mặn mà với các điểm DT lịch sử, văn hóa là do kênh quảng bá du lịch còn yếu, hiện vật trưng bày còn nghèo nàn, người có chuyên môn phục vụ công tác quản lý DT cấp huyện còn thiếu”.
Theo ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban Quản lý Di tích tỉnh: “Do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên không thể thực hiện công tác phục hồi, tôn tạo tất cả các DT trong thời gian ngắn mà phải thực hiện dần dần trong nhiều năm. Đối với các DT này, việc phát huy giá trị DT chủ yếu là nhằm giáo dục truyền thống của quê hương và những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Trước mắt, Ban Quản lý Di tích tỉnh đã đầu tư xây dựng bia bảng, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ chặt chẽ, tránh sự xâm phạm DT”.
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các DT lịch sử - văn hóa phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, thiết nghĩ, các ngành chức năng của tỉnh cần có những giải pháp khả thi hơn để thu hút mọi người đến tham quan các DT. Như chú trọng đến hình thức trưng bày, biên soạn nội dung di tích, truyền thuyết; các DT phải thường xuyên mở cửa, có người phục vụ thông thạo về chuyên môn; vận động mỗi người dân, với trách nhiệm và quyền lợi của mình, cần quan tâm tôn tạo, tìm hiểu, giáo dục con cháu về ý nghĩa lịch sử, văn hóa của các DT mà ông cha để lại.
Bài, ảnh: TRỌNG LỢI