Xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ:
Dân phá rừng đón dự án
Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) rộ lên tình trạng một số người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp, chặt phá cây rừng, đốt thực bì để trồng cây nguyên liệu giấy tại khu vực xung quanh hồ Đại Sơn.
Theo tin báo của người dân địa phương, sáng 21.8, chúng tôi có mặt tại vùng núi Đại Sơn, thuộc xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) để nắm bắt tình hình. Từ đập chính hồ thủy lợi Đại Sơn nhìn vào, chúng tôi đã thấy những khoảnh rừng tự nhiên bị chặt phá trắng; bên trong rừng lửa vẫn bốc cháy, khói nghi ngút phủ trắng cả một vùng trời.
Đua nhau tàn phá rừng phòng hộ
Đáng báo động, tại nhiều khu rừng có tục danh Dông Gò Phường, núi Hóc Gáo, Đám Quang hay khu vực núi Cổ Cò dưới chân núi Chóp Vung nằm phía Tây Nam trung tâm lòng hồ Đại Sơn thuộc khu vực Suối Tiên đã bị đốn hạ công khai, táo tợn. Trước mắt chúng tôi là nhiều cây gỗ có đường kính 20 - 30cm nằm chỏng chơ giữa rừng. Từ sâu trong rừng tiếng máy nổ từ những chiếc xe công nông vẫn ì ạch chở theo nhiều khối củi, gỗ.
Ông H. (ở thôn Hòa Nghĩa, xã Mỹ Hiệp), bức xúc: “Hàng trăm héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn Đại Sơn là nơi giữ nguồn nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho hàng ngàn hộ dân ở địa phương và khoảng 60 ha đất nông nghiệp. Nếu tình trạng phá rừng không được ngăn chặn kịp thời thì chẳng bao lâu nữa những cánh rừng xanh nơi đây chỉ còn sót lại những đồi trọc, trơ trụi đất đá”.
Theo người dân thôn Đại Sơn, tình trạng người dân chặt, đốn rừng để lấn chiếm đất lâm nghiệp xuất hiện từ đầu tháng 6.2013. Mỗi ngày có khoảng 20 - 30 người ở các thôn Bình Tân, Hòa Nghĩa và Đại Sơn mang theo dụng cụ vào rừng chặt phá, khai thác củi để bán và đốt thực bì để trồng rừng một cách công khai.
“Đá” trách nhiệm
Theo ông Phạm Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp, năm 2006, UBND xã phát hiện hộ ông Trần Văn Hùng lấn chiếm 8.700 m2 rừng tại khu vực gần hồ Đại Sơn, nên đã lập hồ sơ trình lên UBND huyện Phù Mỹ ra quyết định xử phạt hành chính, yêu cầu khắc phục hiện trạng rừng. Tuy nhiên, ông Hùng không chấp hành quyết định của UBND huyện Phù Mỹ. Mới đây, UBND huyện đã có quyết định cho phép ông Hùng khai thác gỗ tại khu vực rừng mà ông đã xâm chiếm trước đây, nhằm thu tiền nộp vào ngân sách và bàn giao đất để thực hiện Dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA 2) do Nhật Bản tài trợ. Thế là người dân bắt chước làm theo.
Cũng theo ông Liêm, khu vực xung quanh hồ Đại Sơn thuộc tiểu khu 192 được xác định là đất lâm nghiệp trạng thái từ 1B đến 1C, được giao cho UBND xã Mỹ Hiệp quản lý. Mới đây, UBND huyện Phù Mỹ có quyết định giao khu vực này cho Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý, khai thác nhưng UBND xã Mỹ Hiệp chưa tiến hành chuyển giao. Ông Liêm cho biết thêm: “Để ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp, đốt rừng trái phép tại tiểu khu 192, địa phương liên tục mở các đợt truy quét, ngăn chặn. Chúng tôi đã phát hiện, lập hồ sơ một số trường hợp vi phạm nhưng chưa biết xử lý thế nào bởi Phòng TN - MT Phù Mỹ cho rằng các hộ dân có phát, đốt thực bì nhưng chưa trồng rừng nên chưa thể gọi là hành vi xâm hại rừng (!) Hiện UBND xã Mỹ Hiệp chưa thống kê được tổng số diện tích đất lâm nghiệp bị xâm hại”.
Trong khi đó, ông Trương Văn Châu, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Mỹ Hiệp, cho rằng: “Tình trạng phá rừng tại tiểu khu 192 do một số người tung tin sẽ thực hiện Dự án JICA 2 tại đây. Nhiều người cho rằng nếu ai có diện tích rừng trong vùng dự án sẽ được Nhà nước giao đất, cấp sổ đỏ để trồng và bảo vệ rừng, nên hùa nhau chiếm rừng”.
Để xác thực nguồn tin trên, chúng tôi gặp ông Lê Văn Phi, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Phù Mỹ, ông Phi cho biết: “Nguyên nhân xảy ra phá rừng là do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ tự tiến hành họp dân, bàn việc trồng rừng theo Dự án JICA 2, trong khi UBND huyện và Hạt kiểm lâm Phù Mỹ, UBND xã Mỹ Hiệp không hay biết gì về dự án. Cách đây 2 năm, Trung ương có đề án triển khai tại 3 xã của huyện Phù Mỹ, riêng xã Mỹ Hiệp sẽ chính thức triển khai vào năm 2014 nhưng nay chưa triển khai. Tuy nhiên, nếu người dân cứ xâm hại rừng, lấn chiếm đất rừng như hiện nay thì Dự án JICA 2 có thể không thực hiện được tại địa phương”.
Rừng đã bị tàn phá nghiêm trọng, trong khi người dân địa phương bức xúc thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ở huyện Phù Mỹ vẫn còn lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm!
Công trình hồ Đại Sơn được khởi công từ năm 2008 và hoàn thành vào năm 2012, do UBND huyện Phù Mỹ làm chủ đầu tư, nguồn vốn ODA do Vương quốc Bỉ tài trợ. Hồ này đảm bảo nước tưới cho khoảng 60 ha đất nông nghiệp ở địa phương. Ngay sau khi triển khai dự án, UBND huyện Phù Mỹ đã cấm các hộ dân chặt phá rừng, canh tác đất tại khu vực lòng hồ cũng như diện tích đất phòng hộ xung quanh hồ; những hộ dân lấn chiếm đất tại khu vực nói trên, lấn chiếm đất để trồng rừng đều phải bị xử lý, ngăn chặn.
TRỌNG LỢI - PHÚC LỘC