Lại chiếm lòng đường làm sân phơi
Trong những ngày này nhiều tuyến đường trong tỉnh bị chiếm trọn để làm sân phơi. Tại tỉnh lộ 636B, vòng cua Tùng Đình (thôn Tùng Gian, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) rất gấp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT, nên huyện Tuy Phước đã đầu tư kinh phí mở cua rộng và làm gờ giảm tốc ở hai đầu đường, trang bị đèn tín hiệu báo đi chậm để giao thông được an toàn hơn. Thế nhưng khúc cua rộng này hiện trở thành một sân phơi lúa.
Trên tỉnh lộ 636A qua xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) nhiều hộ gia đình đã chiếm hẳn hàng cây số để làm sân phơi. Còn trên các tuyến đường nông thôn xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) đến xã Phước Thắng, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) mặt đường cũng bị chiếm dụng để làm sân tuốt lúa và phơi lúa không còn lối đi.
Hiện nay ở các địa phương không còn sân phơi tập thể như trước đây, bà con gặp khó khăn. Nhưng việc chiếm đường giao thông để làm nơi tuốt lúa, phơi lúa và rơm rạ là vi phạm ATGT. Đề nghị chính quyền sở tại và ngành chức năng nhắc nhở bà con; đồng thời nghiên cứu tìm ra giải pháp giúp nông dân phơi nông sản vừa đảm bảo an toàn giao thông.
LÊ THỤC
Đã là nông dân làm ruộng thì phải biết cách phơi lúa chứ, bạn 2UOCBAO hỏi nếu không phơi lúa trên đường thì phơi ở đâu tui cũng "hết biết" luôn. Có thể theo bạn đã là nông dân làm ruộng thì có thể đem lúa ra quốc lộ phơi, vì nhà không có chỗ phơi lúa, cái lý này nghe không ổn. Còn các nhà làm ruộng mà không gần quốc lộ, tỉnh lộ... thì họ phơi lúa ở đâu ?... Theo tôi chỉ trừ trường hợp bức bách mưa lũ nặng nề gây thiệt hại nhiều thì có thể châm chước cho nhà nông cứu lúa thóc, chứ giữa mùa hè nắng chang chang mà lúa vẫn cứ đem ra mặt đường phơi cho mau khô, khỏe re... thì không được rồi.
Cảm ơn anh Trần, độc giả Báo Bình Định đã góp thêm ý kiến về việc phơi lúa này. Và cũng thắc mắc là nhà anh phơi lúa bằng cách nào mà hay vậy ? Hay là nhà anh đã có sân phơi của nhà mình rồi ? Nếu không có, thì lâu nay nhà anh phơi bằng cách nào để cho lúa khô ? Hãy bày cho những người không có sân phơi, không đất đất vườn rộng! Còn nếu anh nói là lấy nia ra phơi, thì nhiều nhà làm ít nhất 2 sào ruộng, thu hoạch 600 ký lúa, làm sao phơi cho kịp một lúc ? Xin anh cho biết "cao kiến" của mình để bà con nông dân học hỏi, thưa anh Trần !
Tôi cũng là nông dân, cũng làm ruộng, nhà gần QL. Có lúc thu hoạch lúa nhiều gặp trời mưa rất khổ, có nắng là tranh thủ phơi, nếu mặt đường nhựa thì mau khô lắm. Thế nhưng chưa bao giờ gia đình tôi đem lúa ra đường phơi, dù là mép đường vì sợ mình gây ra tai nạn cho xe cộ, có khi chết người thì hột cơm mình ăn đó có ngon không. Mong rằng các bác đừng thương hại nông dân mà cho rằng thông cảm. Chúng tôi là nông dân nhưng cũng ý thức Luật pháp giao thông chứ. Các bác nên nhớ rằng không phải nông dân nào cũng vô ý thức đem lúa ra đường phơi đâu, đừng quơ đũa cả nắm. Chúng tôi đề nghị các anh công an giao thông phạt nghiêm các trường hợp đem lúa ra đường phơi, nhất là trên QL.
Tình trạng phơi lúa trên đường giao thông này, cho đến nay, tôi có thể khẳng định là: nhà nước và nhân dân ở miền Trung này cùng "bế tắc", không có cách giải quyết dứt điểm. Chúng tôi biết bà con làm vậy là sai luật ATGT, bà con cũng quá biết, nhưng không có bất kỳ một cách nào khác để giúp họ phơi lúa sau thu hoạch. Chúng ta hãy đặt mình vào họ thì sẽ thấu hiểu. Không phải nhà nào làm ruộng đều có sân phơi lúa. Gỉa sử tối đa là 70% nhà nông thôn có sân phơi lúa, thì 30% còn lại không có sân phơi. Còn nói mượn sân phơi ư? Làm sao mượn được, trong khi chủ nhà cũng phơi lúa. Còn đợi họ phơi xong thì lúa của mình đã mọc mộng! Do đó, chỉ còn cách duy nhất là phơi ngoài đường cái! Trong miền Nam thì người ta cho thuê máy sấy, nên giải quyết được. Ở miền Trung mình chưa làm được. Vậy xin hãy thông cảm cho bà con, và cũng mong bà con ý thức rằng: mình đang phạm luật, cho nên phơi sao cho khéo, đừng cản trở, ảnh hưởng nhiều đến người đi đường và tranh thủ phơi càng nhanh càng tốt !