Hương quê nhà trong chiếc bánh nhỏ
Trong cuộc ly hương xuôi Nam năm xưa, cùng với tình làng nghĩa xóm bịn rịn, hành trang của người Bình Ðịnh còn có những món ẩm thực gợi nhớ quê cha đất tổ. Thì ai xa xứ cũng sẽ thế thôi, nhưng cái hay của bánh hồng là vừa xa lại vừa gần, vừa mơ hồ trong tâm thức, nhớ mong nhưng vẫn rõ ràng bởi cảm nhận thực tế. Chiếc bánh nhỏ hóa sợi dây nối dài về quê xứ.
Thứ bánh ấy có nguyên liệu thật giản đơn và dễ tìm. Chắt chiu chút ít nếp mới sau mùa gặt hoặc nếu có chút bột nếp của người thân từ ngoải gởi vào Ninh Sơn thì tình quê càng đượm hương trong chiếc bánh. Ðường thì có sẵn ở vùng đất mới này rồi. Nhưng phải lựa loại đường cát trắng để bánh giữ được màu trắng tinh khôi của nếp. Ðừng hỏi người làm bánh vì sao phải cầu kỳ như thế. Phải tội lắm! Không chỉ làm bánh đâu họ đang trả ra rồi gói lại, họ đang dừng, sàng, đang xay đang hấp, đang chưng cất… nỗi nhớ quê nhà lên đấy. Có chỉ những kẻ xa xứ mới thấu cảm hết nỗi lòng này.
Tranh của VŨ HOÀNG TUẤN
À, bánh hồng thì phải có dừa chứ! ở Ninh Sơn, nơi dòng tộc tôi định cư không thiếu dừa, cả tỉnh Tây Ninh không thiếu dừa, miền Nam không thiếu dừa. Nhưng sao con dân Bình Ðịnh cách xa nơi chôn rau cắt rốn mấy trăm cây số cứ phải tha thiết với dừa Tam Quan? Chịu thua, không ai có thể cắt nghĩa từng ngằn chuyện này được. Người ta không chỉ nhấm nháp cái hương cái vị vật chất mà còn uống vào lòng mình cả một biển ký ức mênh mông. Những chiếc bánh thêm ngon nhờ cái tâm cái tình quê kiểng.
Miền Nam không thiếu dừa, nhưng ở Ninh Sơn cộng đồng Bình Ðịnh vẫn chuộng dừa quê nhà, họ mang theo rất nhiều trái dừa khô đã lên mộng, vào đến vùng đất mới, họ gầy lại rừng dừa Tam Quan. Ở Ninh Sơn bây giờ đã có những chòm dừa Tam Quan xanh xanh nối tiếp trên những xóm làng. Không ngút mắt như Tam Quan nhưng trông cũng đỡ chạnh lòng người xa xứ. Như thể có một Tam Quan thu nhỏ giữa lòng Tây Ninh vậy.
Nhớ lại thời bao cấp khi mà có rất ít các loại bánh bán như ngày nay, mỗi khi có giỗ chạp cưới hỏi người ta đều đặt làm bánh hồng để đãi khách. Thật ra, người làm bánh chẳng lời lãi là bao nhưng người bán cũng như kẻ mua, đều nhớ nghĩ phong vị quê hương. Có lần tôi hỏi bà cụ bán bánh bí quyết làm sao để sau bao nhiêu năm mà khách vẫn nhớ đến mình. Bà ví von “Bánh hồng mà bánh chẳng hồng/Giữ cho bánh trắng như lòng sắt son”. Ngâm nga đến đây đôi mắt đầy vết chân chim của bà bỗng như rạng rỡ hơn, bà bật mí “thơ của ông tặng bà ngày thanh xuân, trẻ trung đấy”.
Chỉ là chiếc bánh đơn sơ làm từ bột nếp như bao loại bánh khác trên khắp làng quê Việt Nam như bánh ít, bánh tổ nhưng bánh hồng ít có nơi làm. Có lẽ vì thế mà nó có sức gợi nhớ mãnh liệt về Bình Ðịnh - Hoài Nhơn.
Tạp bút của Trương Quốc Toàn