Chuyện của Dìa
Trên nương, lúc rảnh rỗi, mẹ vẫn kể cho chị em Dìa nghe về thời trẻ trung của bà. Tất nhiên, là lúc không có bố của Dìa. Mẹ kể như tìm ở con mình niềm cảm thông nào đó. Hai đứa con gái cứ uống lấy từng lời. Ngày đó mẹ yêu chàng trai họ Vi, là ông Vi Trường Tình bây giờ. Lời kể của mẹ như gió thì thào bên tai Dìa.
- Ông ấy ắt hẳn yêu mẹ lắm?
- Ừ! Ông ấy yêu mẹ. Ngày hội đến, nam nữ rúc rích nói cười, váy áo xúng xính đi hội. Từ đầu đến cuối bản, hoa lá cứ nõn nà ra.
Mắt Dìa ươn ướt, uống lấy lời mẹ. Cô nghĩ đến Quân của mình. Quân cũng yêu Dìa lắm, nhưng nhà Quân nghèo quá. Dìa hỏi tiếp:
- Ông ấy chắc mạnh mẽ lắm, mẹ nhỉ?
- Phải rồi, rất phong độ. Gương mặt cứ sáng như trăng ấy. Lại cưỡi ngựa tài, phi ngựa nhanh, làm gì cũng giỏi. Từ hát, múa đến thổi sáo, chẳng trai bản nào sánh kịp.
Quân không đẹp trai, chẳng phong độ. Anh là thanh niên bình thường trong bản. Quân của Dìa cũng biết thổi sáo. Nhưng chỉ thổi riêng cho Dìa nghe thôi. Quân yêu Dìa. Tính sao đây? Quả là không thể so sánh với người ngày xưa của mẹ.
- Ông ấy là người rất tâm lý - mẹ nói - ví như chuyện xuống chợ hằng tuần. Bao giờ ông ấy cũng đợi ở đầu dốc Thê, ngồi đúng mỏm đá quen thuộc đó. Mẹ chỉ cần bước ra đó là ông ấy cho mẹ ngồi lên ngựa, ung dung xuống chợ. Ông ấy vừa đi bộ vừa thổi sáo. Đàn bà xuống chợ dỏng tai nghe. Gái bản trên, xóm dưới đều mê tiếng sáo của ông ấy.
Những cô gái Thái (khắc gỗ màu). Tác phẩm của MAI THANH HƯNG (Điện Biên)
Mẹ Dìa kể say sưa. Kể như thể cả dòng ký ức cứ ầm ập như cơn lũ ống tràn xuống từ bên kia vạt núi. Ánh mắt mẹ óng ánh hồi xuân. Tươi mơn mởn như đôi mắt đôi mươi vừa biết yêu. Mẹ tự hào và ăm ắp nhớ như thể muốn quay lại thời đó đến nơi.
Quân của Dìa không thể so sánh được với ông Tình thời trẻ của mẹ. Dìa cũng chẳng muốn so sánh, nhưng trong lòng cứ thổn thức theo nỗi thổn thức của mẹ. Thanh niên miệt thung lũng này, giờ không còn lãng mạn, tình tứ, quan tâm tới bạn tình xem chừng kém hẳn ngày xưa. Những phiên chợ đã nhạt mờ. Những con suối dù còn vẻ trữ tình nhưng con người đã thôi không đong đầy nét duyên dáng nữa. Dìa không cần Quân phải lãng mạn và tài năng, không cần phải tinh tế, biết cách chăm sóc người yêu như ông Tình. Nhưng là con gái, Dìa tự thấy cô có quyền và ước ao được đối xử tốt, được chiều chuộng chăm sóc.
Dìa thấy rõ trong đôi mắt của mẹ niềm tiếc nuối. Phải chăng ngày đó có điều gì cách trở, mà mẹ cô và ông Tình không đến với nhau? Để rồi, dòng đời đẩy xô, mẹ đến với ông Khổ. Đôi mắt ông Khổ vằn vện dữ dằn…
Mẹ nói, ngày đó gia đình ông Khổ khá giả, còn gia đình ông Tình nghèo. Ải, êm là cách xưng hô xưa của người Thái gọi cha, mẹ. Mẹ Dìa bảo: “Ải, êm muốn mẹ phải lấy ông Khổ. Ông ấy là cán bộ. Đấy, thế rồi mọi chuyện đã đổi thay. Mẹ lấy cha con, làm lụng, rồi chẳng ngẩng được cổ lên mà nhìn trời nữa. Bây giờ có thời gian ngẩng cổ lên, thì đã gần đất xa trời, thành một bà lão”.
Dìa an ủi: Mẹ còn xuân lắm. Ông bà ngày đó nghĩ sao nhỉ? Phải để mẹ lấy người mình yêu chứ. Người mẹ thở dài.
Chuyện muộn, lúc hai mẹ con ngẩng cổ lên thì trời tối. Gió lùa qua tai. Hai mẹ con rẽ vạt nương mà về. Ông Khổ khục khặc ho đầu ngõ. Đói cơm, ông nổi cáu. Giời đất nào giam hai mẹ con chúng mày hở? Có thấy con lợn con gà nó quấy không. Ông Khổ khục khặc một hồi, mắt đỏ au thì bỏ đi. Người mẹ lụi cụi đi vào bếp, chẳng còn đâu cái vẻ hớn hở được trở lại thời xưa. Dìa bấm bụng không nói. Trong cô chợt dâng lên nỗi thương mẹ quá!
* * *
Ký ức là bộ lọc của thời gian. Ký ức thường giữ nhiều cái đẹp, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Ác thay lại vận đúng vào thần tượng Vi Trường Tình của mẹ, nó vỡ tan như cái chén cũ rơi từ trên núi đá xuống.
Đó là ngày tết Xấp Xí của đồng bào, ông Tình uống rượu say, lèm bèm chẳng coi ai ra gì. Bữa cỗ mất không khí hòa đồng. Ông không có vẻ hào hoa phong nhã như mẹ kể. Dìa chỉ nghe mẹ kể và nhìn thấy những lần ông đi qua, chứ chưa một lần nói chuyện. Trước mặt Dìa, đó là một người đàn ông tóc bờm xơm, mặt gẫy khoằm, da tái và đôi lông mày dựng khá dữ tợn. Sao thế nhỉ? Đây có phải người ngày xưa của mẹ, người mà mẹ vẫn kể cho Dìa. Dìa chết sững chân, đến nỗi không tin vào tai mình, mắt mình nữa.
Mẹ ái ngại nhìn Dìa, nửa van xin nửa ái ngại. Còn Dìa chỉ muốn nói là: không sao đâu mẹ ơi. Nhưng dẫu thế thì một bên tim Dìa đã quặn đau. Trong sâu thẳm con tim, cô ao ước một người đàn ông như thế là chồng mình. Dù không hoàn toàn, thì phần lớn được như vậy là tốt nhất. Nhưng sao thế này? Ông ta còn không đứng vững nổi, còn chẳng leo được lên lưng con ngựa, dù gã con trai tên Vài hách dịch đã đỡ lên.
Mấy người họ hàng ùa ra đỡ ông. Ông Tình khua tay: “Không cần, ta đi được, không cần”. Rồi lại ngã bổ chửng. Người họ hàng ôm ngang lưng. Ông Tình đẩy ra: Cóc cần mà. Ta không nhất thì nhì bản. Ta cóc cần!
Mấy người khác xì xào. Chuyện là trong mâm cơm, mấy người chuốc rượu rồi chành chọe nhau. Ông Tình nổi máu điên, đập chén, phá mâm. Quá xấu hổ, mấy anh con ông mang cáng võng khiêng ông về.
Người mẹ không dám đả động gì đến chuyện đó. Tưởng như những ký ức của mẹ cũng vỡ vụn từ lúc nhìn thấy cảnh tượng xấu hổ. Và chắc lẽ, bà thấy ái ngại cho con. Bà sẽ khuyên con thế nào đây, khi thần tượng của bà đã sụp đổ. Chuyện tưởng vậy thôi, ông Tình lại phát tán bệnh đổ đốn. Say và say. Hôm trước ông ta còn bị công an xã triệu tập vì sử dụng thuốc phiện. Có người đồn ông ta còn bán lẻ. Ông lọt vào đối tượng bị theo dõi rồi. Sao trước đây im ắng, giờ ông ta nổi tiếng vậy? Dìa thấy đau ở ruột còn người mẹ thấy nhức ở tim. Ông Khổ từng nghe thấy hai mẹ con nói chuyện về ông Tình, hất hàm: “Thấy nó chưa? Đẹp mã với chả tốt người!”. Người mẹ bẽn lẽn không nói. Đầu bà cúi xuống sâu hơn, cam chịu.
Mấy hôm sau, thằng Vài con ông Tình hách dịch chặn đường Dìa. Nó hất hàm:
- Mày làm dâu nhà tao không?
Hỏi nghe lạ. Chưa gì đã muốn người khác làm nô lệ hay sao? Dìa không trả lời, cố tránh đường khác thì thằng Vài túm được tay. Nó ghìm chặt khiến cánh tay cô nhói buốt. Cô bấm bụng: Làm dâu nhà mày để hành hạ ta tàn đời sao? Nhiều lần Dìa chạm mặt Vài, nhưng cô cố tình tránh. Lần này tránh không nổi. Cô biết không thể yêu một người như thế. Cô chọn Quân, chàng trai thật thà.
Một ngày nọ, ông Tình dẫn theo Vài đến nhà Dìa. Họ hẹn với ông Khổ. Họ bảo nói chuyện người lớn, chờ ngày mang lễ vật sang. Giọng bố con ông Tình vẫn sặc sụa mùi trịch thượng. Mẹ Dìa không dám tham gia gì, chỉ ông Khổ tiếp chuyện. Dìa kinh hãi, ẩn mình phía sau nhà. Hàng xóm rỉ tai Quân. Anh đi đường tắt chạy sang. Gặp ánh mặt sầu não của Dìa, Quân bảo: “Đừng lo, còn có anh. Anh sẽ nói sớm với bố mẹ anh. Bây giờ là thời nào rồi, nhà đó không có quyền”. Dìa gật, nhưng lòng còn chưa yên: “Em sợ cha, ông ấy gia trưởng!”. Hai người cuống quýt bàn tính.
Ông Tình dẫn con trai về, ra đến cổng không quên nói to một câu: “Hai họ chờ chọn ngày đẹp thôi”.
Mấy ngày sau, Dìa đi nương, bất ngờ bị Vài chặn đường:
- Đi đâu vội vàng em ơi. Chầm chậm lại nghe anh hát, anh nắm cái bàn tay.
Vài dở thói sàm sỡ. Dìa đẩy hắn ra. Hắn lại dính vào. Mấy người đi nương cười hô hố. Dìa xa xẩm mặt mày. Làm sao thoát khỏi hắn đây? Thật may, Quân của cô đi tới. Hai người thanh niên nhìn nhau. Dáng Quân cao lớn mạnh khỏe hơn. Thằng Vài chỉ được cái hách dịch ương bướng.
- Thì sao nào? - Vài vênh váo - nhà con Dìa đồng ý nhà tao rồi, chỉ đợi ngày thôi. Không thằng nào được động đến, trừ tao.
- Chẳng còn thời xửa xưa nữa - giọng Quân quả quyết, chắc nịch. Lúc này Dìa đã đứng nép vào anh - Dìa nó không đồng ý thì không ai có thể ép cô ấy được.
Vài thét lên: Thằng oắt con, mày dám. Tao sẽ cho mày biết lễ độ.
- Tao thách đấy - giọng Quân vẫn cứng đanh. Quân vững vàng như một quả đồi, đưa tay ra phía sau giữ lấy Dìa. Mắt quắc lên uy nghi, gạt thằng Vài sang một bên. Rồi Quân kéo Dìa đi, bỏ mặc thằng Vài bên đường. Họ thủng thẳng đi, mặc thằng Vài lẻo khoẻo đứng trân trân. Nắng tỏa hương thơm ngát từng vạt đồi.
Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC