Dệt cố hương
Ở Ninh Sơn (Tây ninh), làng nghề nón lá gốc xứ Bình Định một thời nổi tiếng, các sản phẩm không chỉ đến với người dân trong tỉnh mà còn lan tỏa đến những miệt quê xa vươn đến các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Bình Phước và cả Sài Gòn. Cũng là chiếc nón lá bình dị như những chiếc nón lá trên khắp làng quê Việt Nam, nhưng nón lá Ninh Sơn ấp ôm một tình quê sâu đậm nên nhiều người cứ thấy nó đằm hơn.
Chợ nón Gò Găng. Ảnh: ĐÀO TIẾN ĐẠT
Ngoài những thợ nón làng nghề Gò Găng mang theo nghề truyền thống của tổ tiên vào đây sinh sống, rồi truyền nghề từ đời này sang đời khác cho cháu con trên vùng đất mới. Như thể muốn giữ lại, nối dài chút tình quê ấm áp, những chiếc lá dùng làm nón đều được gửi từ An Nhơn theo những chuyến xe Ninh Sơn - Bình Định, vượt mấy trăm cây số theo vào. Những chiếc nan tre được chuốt thật mỏng rồi uốn tròn làm khung và vành nón. Sự tinh tế của chiếc nón đòi hỏi người thợ nan được chuốt sao cho thật thanh, thật đẹp nhưng phải đảm bảo sự chắc chắn bởi nón lá không chỉ là vật dụng cốt để che nắng, che mưa mà còn đảm bảo tính duyên dáng, thẩm mỹ của một trang sức. Nón không chỉ che đi những dãi dầu mưa nắng của những người bà, người mẹ tảo tần hôm sớm ngoài đồng sâu, trên ruộng cạn hay rong ruổi cùng những gánh hàng rong mà còn che nghiêng vành nón làm duyên của các thiếu nữ đang độ xuân thì.
Xóm nhỏ ven chợ Ninh Sơn rộn ràng lên bởi mỗi đêm từ hai, ba giờ khuya những người làm nghề nón tụ họp lại. Những thương lái ở các quận, huyện xa trong tỉnh hay ngoài tỉnh đến mua rồi đem nón về các ngôi chợ trên khắp các làng quê Việt. Những ánh đèn sáng một góc đường, những nói, cười trao đổi mua bán sẽ lùi dần theo màn đêm tan biến. Chợ tan. Người làm nón lại miệt mài bên những khung nón mới… Nghề nón dẫu chẳng đem đến cho người làm nghề cuộc sống sung túc đủ đầy nhưng với bản tính cần cù, tiết kiệm mà từ những chiếc nón lá đó các bà, các mẹ, các chị có thể nuôi các cháu con lớn khôn, học hành và nghề nghiệp ổn định nối dài những ước mơ mà chính mình còn dang dở. Có những lần đi ngang chợ nón buổi khuya nghe những thanh âm quen thuộc của buổi chợ, lòng tự hỏi mình rằng những người con xa quê kia chắc đang thả mình trôi về góc chợ nơi làng quê xa nhớ.
Những năm gần đây, làng nghề dần thưa thớt vì nhu cầu sử dụng nón ít đi. Nhưng mỗi dịp cuối tuần, thợ nón Ninh Sơn vẫn tụ họp cùng nhau, dành ít thời gian làm nón để đỡ nhớ nghề, nhớ quê. Thương chiếc nón, thương cả những tâm tình của người thợ gửi gắm vào chiếc nón quê nhà. Hồi thơ bé tôi thường say mê ngắm người thợ hơ, ủi cho thẳng lớp lá sẽ dùng để lợp lên chiếc nón, không chớp mắt dõi theo đường kim mũi chỉ của những người thợ thoăn thoắt trên những khung nón, rồi hoa văn lên hình… Giờ lớn rồi, đôi khi hồi tưởng lại có cảm giác, những người thợ nón dường đã dệt cả cố hương lên chiếc nón lá bình dị.
Tạp bút của TRƯƠNG QUỐC TOÀN